Lào xả nước xuống hạ nguồn sông Mê Công

Nguồn nước xả từ đập Cảnh Hồng (Trung Quốc) đáp ứng khoảng 50% diện tích khô hạn ở ĐBSCL

° Nguồn nước xả từ đập Cảnh Hồng (Trung Quốc) đáp ứng khoảng 50% diện tích khô hạn ở ĐBSCL

(SGGP).- Nhằm hỗ hợ tình trạng hạn hán kéo dài tại các vùng hạ nguồn sông Mê Công, Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ của Lào, ông Khammany Inthirath, ngày 25-3 cho biết, Lào đã tiến hành xả nước xuống hạ nguồn sông Mê Công với công suất 1.136m³/giây.

Theo kế hoạch, Lào sẽ xả nước từ ngày 23-3 cho đến cuối tháng 5-2016, nhằm ứng cứu tình trạng hạn hán phía hạ nguồn sông Mê Công, trong đó có ĐBSCL của Việt Nam, nơi đang chịu thiệt hại nặng nhất do tình trạng hạn hán kéo dài. Như vậy, lưu lượng nước xả 2.254m³/giây từ đập Cảnh Hồng của Trung Quốc, 220m³/giây từ các đập nhánh của Thái Lan và 1.136m³/giây mà Lào đang tiến hành xả, đã nâng tổng mức nước xả xuống hạ lưu sông Mê Công là 3.610m³/giây. Lưu lượng này sẽ góp phần quan trọng vào việc cứu hạn phía hạ nguồn sông Mê Công.

Chiều 25-3, ông Đồng Văn Tự, Vụ trưởng Vụ Quản lý công trình thủy lợi (Bộ NN-PTNT) cho biết, nguồn nước xả từ đập thủy điện Cảnh Hồng - Trung Quốc theo dự kiến phải đầu tháng 4-2016 mới về tới khu vực ĐBSCL. Trước đó, từ ngày 15-3, hồ chứa thủy điện Cảnh Hồng đã bắt đầu xả nước và theo thông báo của phía Trung Quốc, quá trình xả sẽ kéo dài đến 10-4. Theo tính toán lại của các chuyên gia thủy lợi, phải sau khoảng 19 ngày, nguồn nước xả từ Nhà máy thủy điện Cảnh Hồng mới có thể về đến Việt Nam (chậm hơn so với dự báo ban đầu, ngày 26-3).

Trao đổi thêm với PV Báo SGGP, ông Trần Bá Hoằng, Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam (Bộ NN-PTNT) cho biết, theo tính toán từ số liệu do phía Trung Quốc cung cấp và các thông tin từ Ủy hội sông Mê Công thì nguồn nước xả của đập Cảnh Hồng vẫn sẽ đảm bảo cung ứng cho khoảng hơn 50% diện tích khô hạn của ĐBSCL.

Ông Đồng Văn Tự, Vụ trưởng Vụ Quản lý công trình thủy lợi cho rằng, cần triển khai các biện pháp đón nước và sử dụng nguồn nước này một cách hiệu quả, nếu không sẽ bị lãng phí. Hiện Viện Khoa học thủy lợi miền Nam đã có văn bản gửi Tổng cục Thủy lợi và các địa phương đề nghị chỉ đạo triển khai các biện pháp đồng bộ để khai thác nguồn nước. Những vị trí tốt sẽ mở đập, cống để nước vào đồng còn các địa điểm xa, khó khăn sẽ tổ chức các trạm bơm hút nước.

KHÁNH HƯNG - VĂN PHÚC

Tin cùng chuyên mục