Thất nghiệp… ảo

Chỉ mới sau 8 tháng thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp nhưng TPHCM đã tiếp nhận xấp xỉ 30.000 hồ sơ đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp và con số này đang có dấu hiệu ngày càng tăng.

Chỉ mới sau 8 tháng thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp nhưng TPHCM đã tiếp nhận xấp xỉ 30.000 hồ sơ đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp và con số này đang có dấu hiệu ngày càng tăng.

Trong khi đó, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM nhận định, từ đầu năm đến nay, tình trạng khan hiếm lao động, nhất là lao động phổ thông đang ngày càng gay gắt. Dự báo từ đây đến cuối năm, cần trên 100.000 lao động, chưa kể trên 20.000 lao động làm việc bán thời gian.

Vì sao lại có nghịch lý trên? Phải chăng do thu nhập quá thấp, không đủ trang trải cuộc sống nên người lao động chê việc và chấp nhận thất nghiệp? Trên thực tế, đang có một dòng dịch chuyển lao động giữa các doanh nghiệp, các địa phương. Tuy chưa đủ căn cứ để cho rằng sự dịch chuyển trên là tích cực hay tiêu cực nhưng sự chuyển dịch này tạo thế bất lợi đối với các doanh nghiệp đang khát nguồn nhân lực sản xuất. Mặt khác, có không ít người lao động xin nghỉ việc để “xả hơi” và với hy vọng có thêm một khoản tiền trợ cấp thôi việc, trợ cấp thất nghiệp.

Với số lượng đăng ký thất nghiệp gần 30.000 người, chưa kể không ít người lao động nghỉ việc do chủ sử dụng chưa chốt được sổ bảo hiểm hoặc những lý do khách quan khác cho thấy mâu thuẫn lớn trên thị trường lao động hiện nay.

Không chỉ TPHCM mà các tỉnh khác như Bình Dương, Đồng Nai đang khan hiếm lao động và có nhu cầu tuyển dụng lao động với số lượng lớn. Đây là những địa phương có số người đăng ký thất nghiệp cao nhất cả nước.

Một nghịch lý khác là khi thị trường lao động khan hiếm, nghĩa là cầu nhiều hơn cung, giá tiền lương, tiền công lao động được đẩy lên cao. Nhưng ở thị trường lao động nước ta nói chung và TPHCM nói riêng đang đi ngược quy luật đó. Nhiều doanh nghiệp dù đang thiếu lao động nghiêm trọng và khó tuyển lao động nhưng không chấp nhận tăng lương hay đảm bảo các quyền lợi khác cho công nhân. Thậm chí còn lợi dụng cơ chế thử việc để trả lương thấp và “lách” không đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động…

Vì vậy, muốn những chủ trương, chính sách về nhân lực của doanh nghiệp và thị trường lao động TPHCM trong những năm tới được thực hiện tốt, cần khảo sát, điều tra cụ thể về tình trạng cung – cầu lao động thực tế chứ không thể thông qua các con số thất nghiệp… ảo. 

HỒ VIỆT

Tin cùng chuyên mục