Hai phần ba sinh viên thích làm trong khu vực nhà nước

Trong báo cáo trả lời chất vấn sáng nay, 18-4, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, tình trạng thanh niên thất nghiệp tiếp tục là thách thức đối với kinh tế - xã hội Việt Nam: Trên 2/3 số người thất nghiệp là thanh niên (70,1%), 1/2 số người thất nghiệp trong nhóm tuổi từ 15 - 24 tuổi (55,3%). Tại thời điểm quý IV/2016, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên 15 - 24 tuổi (7,28%), cao gấp 3,2 lần tỷ lệ thất nghiệp chung (2,31%).

(SGGPO).- Trong báo cáo trả lời chất vấn sáng nay, 18-4, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, tình trạng thanh niên thất nghiệp tiếp tục là thách thức đối với kinh tế - xã hội Việt Nam: Trên 2/3 số người thất nghiệp là thanh niên (70,1%), 1/2 số người thất nghiệp trong nhóm tuổi từ 15 - 24 tuổi (55,3%). Tại thời điểm quý IV/2016, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên 15 - 24 tuổi (7,28%), cao gấp 3,2 lần tỷ lệ thất nghiệp chung (2,31%).

Tỷ lệ thanh niên tốt nghiệp đại học trở lên thất nghiệp là 23%

Đáng lưu ý, mức độ thanh niên thất nghiệp có xu hướng tăng dần theo trình độ chuyên môn kỹ thuật. Cụ thể, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên có trình độ cao đẳng khoảng 18,1%, đại học trở lên là 23%, trong khi tỷ lệ này của nhóm thanh niên có trình độ sơ cấp và trung cấp thấp hơn (lần lượt là 5,3% và 11,8%). 

Vẫn theo ông Đào Ngọc Dung, lực lượng lao động là thanh niên (15 - 29 tuổi) khoảng 14,4 triệu người (chiếm 26,3% lực lượng lao động toàn xã hội), trong đó thanh niên nông thôn khoảng 9,9 triệu người. Đây là nguồn cung lao động lớn, có tri thức, sức khỏe nhưng đồng thời cũng gây sức ép lớn trong giải quyết việc làm.

Nhiều sinh viên tìm việc tại hội chợ việc làm

Xét theo cơ cấu việc làm, 35,5% thanh niên làm việc trong ngành nông nghiệp; 33,6% thanh niên làm việc trong ngành công nghiệp và xây dựng; 30,9% thanh niên làm việc trong ngành dịch vụ (cơ cấu chung của cả nước là 41,54%, 25,05% và 33,41%). Tuy nhiên, tại khu vực nông thôn, có đến 47,2% thanh niên vẫn làm việc trong ngành nông nghiệp với năng suất, chất lượng thấp.  

Thực hiện nhiều giải pháp nhằm ổn định tình hình kinh tế, thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh và dịch vụ, tiêu dùng xã hội tạo tiền đề quan trọng trong việc giải quyết việc làm cho người lao động (trong đó có thanh niên), giai đoạn từ 2011 - 2016, mỗi năm cả nước đã giải quyết việc làm cho khoảng 1,5-1,6 triệu lao động, trong đó lao động trong độ tuổi thanh niên là chủ yếu (chiếm khoảng 60%).

Về phía thanh niên, nhất là sinh viên, còn thiếu các kỹ năng “mềm”, kỹ năng làm việc thực tế tại doanh nghiệp; một bộ phận chưa chủ động, nỗ lực trong tìm kiếm việc làm. Đặc biệt, tâm lý muốn làm việc ở cơ quan nhà nước là khá phổ biến, trong khi khả năng cung cấp việc làm của khu vực này có giới hạn (theo báo cáo Điều tra chuyển tiếp từ trường học đến việc làm của Tổ chức Lao động quốc tế - ILO, 2/3 số sinh viên được hỏi thích làm trong khu vực nhà nước).

Mỗi năm đưa hơn 100.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài

Bên cạnh việc đẩy mạnh giải quyết việc làm trong nước, việc đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng những năm gần đây cũng thu được nhiều kết quả tốt. Mỗi năm, Việt Nam đưa được từ 100 - 120 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tập trung chủ yếu tại các thị trường Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Đông…, trong đó 70% là lao động trong độ tuổi từ 18-30 tuổi, khoảng 35-40% là nữ giới. Nhiều thanh niên là bộ đội, công an xuất ngũ được tuyển chọn tham gia các chương trình đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, nhất là các thị trường đòi hỏi cao về sức khỏe, ý thức, tác phong, kỷ luật lao động (Nhật Bản, Hàn Quốc).

Nhằm đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động, đến nay, cả nước đã có 48 Trung tâm Dịch vụ việc làm thường xuyên tổ chức sàn giao dịch việc làm, bình quân một phiên giao dịch thu hút từ 40-50 doanh nghiệp, 650-750 lao động tham gia (80-90% là thanh niên), trong đó có khoảng 350-450 lao động được sơ tuyển, phỏng vấn.


ANH PHƯƠNG

Hai phần ba sinh viên thích làm trong khu vực nhà nước ảnh 2

Các tin, bài viết khác

Tin cùng chuyên mục