10 năm trước, ông Nguyễn Văn Tiến (quận 8, TPHCM) có tham gia hợp đồng bảo hiểm của Manulife, thời hạn hợp đồng 10 năm, bảo đảm thời giá theo giá trị vàng. Lúc bấy giờ, giá trị hợp đồng 55 triệu đồng được bảo đảm theo giá trị vàng, quy ra hơn 8 lượng vàng. Nay hợp đồng đến hạn, ông không được nhận giá trị bảo hiểm theo vàng, mà chỉ được hoàn trả số tiền còn ít hơn số thực nộp.
Trong 10 năm tham gia bảo hiểm, ngoài số tiền gốc 55 triệu đồng, ông Tiến còn phải nộp thêm phí bảo đảm theo giá trị vàng vì giá vàng tăng, với số tiền nộp thêm là 78,5 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn phải đóng các loại phí khác rất lạ lùng như: phí bảo hiểm quyền lợi miễn nộp phí (8,8 triệu đồng), phí bảo hiểm trợ cấp y tế bổ sung (2 triệu đồng), phí bảo hiểm tử vong và thương tật do tai nạn (2,2 triệu đồng). Khi kết thúc thời gian bảo hiểm, 3 loại phí này không được hoàn lại. Như vậy, tổng số tiền mà ông Tiến đã nộp cho hợp đồng 55 triệu đồng (bảo đảm bằng trị giá hơn 8 lượng vàng) là 150 triệu đồng, trong đó có 13 triệu đồng phí không hoàn lại.
Theo hợp đồng, nếu khách hàng nộp phí đúng hạn sẽ được hưởng bảo tức và mức lãi suất bảo tức tích lũy hàng năm. Mỗi năm, Manulife đều đưa ra mức lãi suất bảo tức tích lũy khoảng 8% - 9%/năm. Ông Tiến nhẩm tính, với số tiền ông đã nộp, lãi suất 8% - 9%/năm (dù bằng với trượt giá), sau 10 năm, lãi suất gộp cũng khoảng gần 100%. Không ngờ, sau 10 năm, số tiền gọi là bảo tức và lãi suất do Manulife trả chỉ 12 triệu đồng. Ông thắc mắc, nhân viên Manulife giải thích: “Lãi suất bảo tức tích lũy là lãi suất tính trên phần bảo tức, chứ không tính trên tiền gốc đã nộp”. Theo lý giải của Manulife, đây là hợp đồng bảo hiểm có tham gia chia lãi và hàng năm công ty sẽ quyết định chia cổ tức (được gọi là bảo tức). Như vậy cái gọi là “lãi suất bảo tức tích lũy” 8% - 9%/năm đó chỉ áp trên phần bảo tức chia hàng năm nếu khách hàng không rút lãi ra. Điều kinh ngạc là công ty tự quyết chia lãi cho khách hàng nên số tiền bảo tức mà khách hàng được hưởng chỉ vài trăm ngàn đồng mỗi năm. Đó là lý do tổng số tiền bảo tức và lãi suất tích lũy của cả hợp đồng 10 năm Manulife tính cho khách hàng chỉ… 12 triệu đồng.
Đã hoàn thành 10 năm thực hiện hợp đồng bảo hiểm như thỏa thuận, ông Tiến cũng đã nộp tiền bảo đảm theo giá trị vàng đúng như thông báo của Manulife, lẽ ra đến hết hạn hợp đồng, ông phải được nhận tiền theo tỷ giá vàng tại thời điểm hợp đồng kết thúc, nào ngờ Manulife chỉ trả lại tiền bảo đảm giá trị vàng mà ông đã nộp. Ông Tiến thắc mắc, Manulife giải thích lòng vòng: Do giá vàng hàng năm tăng rất cao nhưng Manulife chỉ tính cho khách hàng phải nộp tăng chỉ 10%/năm, vậy nên số tiền nộp bảo đảm theo tỷ giá vàng không cao bằng mức tăng thực tế của giá vàng. Ngoài ra, do hợp đồng đã ký không được tăng giá trong quá trình thực hiện, nên hình thức bảo đảm theo tỷ giá vàng là nhằm tăng giá trị hợp đồng cho khách hàng”. Kết thúc phần tranh luận, như để xác định phần đúng về mình, nhân viên Manulife khẳng định: “Sản phẩm của công ty đã được sự phê duyệt của Bộ Tài chính”.
Cách giải thích của Manulife khó chấp nhận, bởi việc nộp tiền bảo đảm theo tỷ giá vàng là do Manulife tính toán hàng năm và khách hàng đã thực hiện đầy đủ. Nếu chỉ nộp phí sau 10 năm rồi lại được trả lại phần phí đã nộp thì có gì gọi là “bảo đảm theo giá trị vàng” nữa.
HÀN NI