Lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm mục tiêu cao nhất

Lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm mục tiêu cao nhất

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn tại Quốc hội

(SGGPO). – Sáng nay, 18-11, trả lời chất vấn của các ĐBQH, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã điểm lại tình hình kinh tế xã hội từ đầu năm 2015 đến nay.

Thủ tướng cho biết, riêng trong tháng 10 và tháng 11, tình hình tiếp tục chuyển biến tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 tăng khoảng 0,1-0,2%, 11 tháng tăng 0,6-0,7%, ước cả năm tăng dưới 2%. Dư nợ tín dụng 11 tháng tăng 14,5-15%, cả năm tăng trên 17%. Xuất khẩu 11 tháng đạt khoảng 149 tỷ USD, tăng 8,5%. Vốn FDI thực hiện đạt khoảng 13,2 tỷ USD, tăng 17,9%. Vốn ODA giải ngân đạt khoảng 4,4 tỷ USD. Thu ngân sách nhà nước ước đạt 94,1% dự toán, tăng 8,3%; chi ngân sách đạt 88,4% dự toán, tăng 7,4% so với cùng kỳ. "Chính phủ sẽ nỗ lực tập trung chỉ đạo để đạt mức cao nhất các chỉ tiêu mà Quốc hội đã đề ra cho năm 2015, trong đó phấn đấu tăng trưởng GDP đạt trên 6,5%" - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn của ĐBQH sáng 18-11. Ảnh Lã Anh  

Trả lời các ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TPHCM), Lê Như Tiến (Quảng Trị), Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh), Võ Kim Cự (Hà Tĩnh) về nội hàm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và những giải pháp mà Chính phủ đã và đang thực hiện, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nền kinh tế thị trường hiện đại, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ, hiệu quả theo quy luật kinh tế thị trường, phù hợp với hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời, Nhà nước sử dụng thể chế, luật pháp, các nguồn lực, công cụ điều tiết, cơ chế chính sách phân phối và phân phối lại để phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội.

Thủ tướng nhấn mạnh: "Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; bảo đảm dân chủ, quyền con người, quyền công dân; lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm mục tiêu cao nhất. Phân định rõ chức năng của Nhà nước và chức năng của thị trường. Nhà nước tập trung tạo dựng môi trường và điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp được tự do, sáng tạo trong đầu tư kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng, minh bạch trong kinh tế thị trường". Để thực hiện các nội dung này, Chính phủ đã và đang triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp như hoàn thiện thể chế, luật pháp; bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế; kiểm soát tốt lạm phát; thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường đối với tất cả các loại hàng hoá, dịch vụ trong nền kinh tế; đẩy mạnh cải cách hành chính.

Trả lời chất vấn về vấn đề lao động trong TPP, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, cách tiếp cận của Việt Nam là người lao động, với tư cách là người trực tiếp làm ra các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, trước hết phải được hưởng thành quả của quá trình hội nhập. Là một hiệp định thương mại thế hệ mới, TPP không đưa ra tiêu chuẩn riêng mà chỉ áp dụng theo các tiêu chuẩn về lao động đã được nêu trong Tuyên bố năm 1998 về Những nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).

 Thủ tướng cũng cho biết, Việt Nam là quốc gia thành viên TPP duy nhất được có thời gian chuẩn bị là 5 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực (tức là khoảng 7 năm kể từ khi ký Hiệp định).Thời gian chuẩn bị này là để Việt Nam hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức bộ máy quản lý để bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho người lao động. Sau khi hiệp định được phê chuẩn, đối với nội dung về lao động, Việt Nam sẽ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật để thực thi, bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, pháp luật của Việt Nam và quy định của ILO. Theo Thủ tướng, việc thực hiện TPP cũng chính là việc tiếp tục thực hiện các quy định của ILO mà Việt Nam là một thành viên. Việc này không ảnh hưởng, không làm hạn chế địa vị pháp lý, vai trò, chức năng nhiệm vụ và tổ chức, hoạt động của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.

Trả lời chất vấn của các đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định), Lê Nam (Thanh Hoá), Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) về tranh chấp chủ quyền, tình hình diễn biến phức tạp trên biển Đông, quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: Theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ đã nhiều lần trình bày với Quốc hội lập trường, quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước là rõ ràng, nhất quán và cơ bản là phù hợp, đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng cũng còn không ít khó khăn, thách thức. Chúng ta cần tiếp tục kiên định, kiên trì thực hiện sáng tạo, hiệu quả các lập trường, quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước đối với các vấn đề mà ĐBQH đã nêu ra.

Theo Thủ tướng, chúng ta chân thành làm hết sức mình để tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác bình đẳng cùng có lợi, cùng phát triển với Trung Quốc trên tất cả các lĩnh vực. Đồng thời, chúng ta kiên quyết đấu tranh bảo vệ độc lập chủ quyền lãnh thổ, lợi ích quốc gia theo đúng các chủ trương nghị quyết của Đảng, Hiến pháp và pháp luật của nhà nước; cũng như pháp luật quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; các cam kết của khu vực, nhất là DOC, Tuyên bố giữa ASEAN và Trung Quốc về ứng xử của các bên liên quan trên biển Đông… Một vấn đề nữa cũng được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý là cùng với phát triển kinh tế - xã hội, chúng ta phải tăng cường quốc phòng – an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, phải tăng cường khối đại đoàn kết và sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc. Đồng thời, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của cộng đồng quốc tế về chân lý và lẽ phải của chúng ta. “Gìn giữ hoà bình, ổn định để tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN của chúng ta” – Thủ tướng nhấn mạnh trước khi kết thúc phần trả lời chất vấn tại Quốc hội.

HÀM YÊN


Ý kiến phản hồi sau chất vấn

* ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên): Đã có những cuộc tranh luận thẳng thắn

Các phiên chất vấn lần này đã thể hiện một tinh thần mới trong hoạt động của Quốc hội. Đó là tính dân chủ, công khai, minh bạch được thể hiện rất cao, bởi vì ĐBQH có thể nêu bất cứ nội dung, lĩnh vực nào mà mình quan tâm, cũng như các vấn đề bức xúc của cử tri, nhân dân gửi đến Quốc hội. Thủ tướng, các phó thủ tướng, các bộ trưởng, trưởng ngành cũng đã trả lời với tinh thần trách nhiệm cao. Tuy có nội dung cũng chưa thể “truy đến cùng” và bao quát hết được những vấn đề mà cử tri mong muốn, nhưng đã có nội dung đã tạo được tranh luận rất sôi nổi, thẳng thắn giữa các thành viên Chính phủ với ĐBQH.

* ĐB Nguyễn Văn Minh (TPHCM): Nên tiết kiệm thời gian hơn nữa

Cái được của kỳ chất vấn này là đã mời được rất nhiều bộ trưởng, trưởng ngành đăng đàn. Nhưng xin nói thật là cá nhân tôi chưa thật sự hài lòng với hoạt động chất vấn này, bởi còn tới hơn 40 ĐBQH chưa được chất vấn. Thậm chí có những nội dung rất mới, rất bức xúc của cử tri mà ĐBQH mang ra nghị trường muốn xin ý kiến của các vị bộ trưởng, trưởng ngành, trong đó có nhiều vấn đề như quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giáo dục y tế; xã hội, nợ công, thực hành tiết kiệm, sử dụng vốn DNNN… chưa được giải quyết thỏa đáng. Nhiều bộ trưởng trả lời chưa đúng trọng tâm; vẫn nặng về trình bày, giải thích.

Theo tôi nên quy định thời gian như cũ, mỗi ĐBQH đặt câu hỏi 2 phút thôi, để tiết kiệm thời gian cho các đại biểu khác cũng được nêu câu hỏi. Cũng nên khống chế chặt chẽ thời gian trả lời.

* ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh): Trả lời chưa cụ thể như mong muốn

Tôi ấn tượng với một số thành viên Chính phủ như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói rất thẳng, trách nhiệm, sai sót của ai và từ đâu. Hình thức trả lời đó cử tri rất hài lòng. Nhưng nói thỏa mãn chưa, cá nhân tôi hỏi về các giải pháp để người nông dân làm giàu chính đáng trên mảnh đất của mình nhưng câu trả lời vẫn chưa rõ ràng, cụ thể như mong muốn.


Luật minh định thì người bị xử phạt mới “tâm phục, khẩu phục”

Ngày 18-11, bên hành lang kỳ họp Quốc hội, nhiều vị ĐBQH đã trao đổi với phóng viên Báo SGGP về vụ việc 2 cá nhân ở An Giang bị kỷ luật và còn bị xử phạt mỗi người 5 triệu đồng vì bình luận trên Facebook về Chủ tịch UBND tỉnh An Giang.

* ĐB Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên thiếu niên và Nhi đồng:

Qua phản ánh trên phương tiện thông tin đại chúng thì tôi nghĩ đây là việc nhận xét của cá nhân với cá nhân, con người với con người; chứ cũng không bình luận về tập thể lãnh đạo. Tôi nghĩ mọi người đều có quyền nhận xét cá nhân ở một mức độ nhất định, nếu đúng thì nên khiêm tốn, cầu thị mà tiếp thu, khắc phục; chưa thật khách quan thì gặp gỡ trao đổi, chứ không được lợi dụng quyền lực hành chính để có biện pháp đối với cá nhân người ta như thế.

* ĐB, Luật sư Trương Trọng Nghĩa (TPHCM):

Nhìn chung, những loại việc tương tự, tôi cho rằng chúng ta nên suy nghĩ thấu đáo để xây dựng mối quan hệ tôn trọng lẫn nhau. Ông chủ tịch cũng là một công dân, những bí mật đời tư, danh dự, nhân phẩm của công dân được Hiến pháp, pháp luật bảo vệ. Cần phải tiến tới một quan hệ xã hội không tùy tiện sử dụng mạng xã hội chỉ để thỏa mãn tình cảm nhất thời của mình. Nên dùng mạng xã hội một cách có trách nhiệm, có sự chan hòa, hòa hiếu, nhân văn. Trong điều kiện xã hội số hóa hết thế này, một khi đã loan truyền gì đó thì sau này xin lỗi hay rút xuống cũng không cứu vãn được.

Tuy nhiên, người bị xử lý cảm thấy không thấy hợp lý thì có thể khiếu nại hoặc khởi kiện ra tòa. Cũng có thể qua hòa giải, cơ quan đã ra quyết định rút lại quyết định xử phạt...

* ĐB Nguyễn Văn Minh (TPHCM):

Khi bàn về Luật Báo chí, tôi đã nêu rõ quan điểm là những phức tạp phát sinh từ mạng thông tin điện tử, mạng xã hội hiện nay đang là vấn đề hết sức bức xúc. Tuy mạng thông tin điện tử, mạng xã hội không hẳn là báo chí, nhưng nó có tác động lan truyền lớn, ảnh hưởng xã hội rất lớn, nên dành hẳn một chương trong Luật Báo chí để chế định. Vì có luật minh định thì khi bị xử lý, người dân mới tâm phục khẩu phục… Ví như khi kết tội người ta là “xúc phạm uy tín” thì phải có quy định đến mức độ nào là “xúc phạm”.

ANH PHƯƠNG

>> Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trả lời chất vấn

Tin cùng chuyên mục