Tại kỳ họp này, lần đầu tiên Quốc hội triển khai thực hiện Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh chủ chốt do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Cử tri cả nước đang rất quan tâm sự kiện trọng đại này và kỳ vọng các đại biểu Quốc hội nêu cao ý thức trách nhiệm trước cử tri, để việc lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành thực chất, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo của Nhà nước thực sự có năng lực, đạo đức tốt, liêm khiết, gương mẫu, có tinh thần kiên quyết đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí.
Để làm tốt việc này, theo tôi, cần quan tâm xem xét kỹ các thông tin đánh giá qua công tác giám sát; thẳng thắn yêu cầu các cán bộ đang giữ các chức vụ chủ chốt do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn phải báo cáo đầy đủ về việc thực hiện trách nhiệm trong công tác quản lý và trong việc thực hiện lời hứa tại các phiên chất vấn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ngoài thông tin chính thức từ các báo cáo công tác, phải căn cứ nhiều nguồn để đánh giá chính xác, công minh. Một căn cứ quan trọng là báo cáo của các cán bộ đang giữ các chức vụ chủ chốt về thực hiện lời hứa trước Quốc hội, qua đó có thể đánh giá tâm huyết, trách nhiệm của các vị này.
Lá phiếu của từng đại biểu Quốc hội khi được cử tri ủy quyền đánh giá tín nhiệm phải thực sự là thước đo trách nhiệm, năng lực và uy tín của những cán bộ đang giữ các chức vụ chủ chốt. Đây là một bước đổi mới trong quá trình cải tiến hệ thống cơ chế, chính sách, trong đó công tác cán bộ hết sức quan trọng. Làm sao để việc lấy phiếu, bỏ phiếu phản ánh được chính xác thực tế đối với mỗi cán bộ chủ chốt.
Đặc biệt, không được để lợi ích nhóm chi phối khi thực hiện việc trọng đại này. Cử tri cả nước hy vọng và mong chờ kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ thực chất, khách quan, tuy nhiên đạt đến đâu lại phụ thuộc nhiều yếu tố, mà trước hết vẫn là sự công tâm, khách quan và có tầm nhìn của đại biểu Quốc hội.
HẠ UYÊN
(TP Tam Kỳ, Quảng Nam)