Tổng kết phiên họp sáng 10-11 về lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân (QH, HĐND) bầu hoặc phê chuẩn, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho biết, có tới 45 đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đăng ký và 27 ĐBQH đã phát biểu tại hội trường. “Nhìn chung ý kiến các ĐBQH rất phong phú, sôi nổi và trách nhiệm, thể hiện nhất trí cao về sự cần thiết ban hành nghị quyết này tại kỳ họp này của QH “ - ông Uông Chu Lưu nhận định.
Nghị quyết tiền đề
Bổ sung nội dung “không được lợi dụng lấy phiếu, bỏ phiếu để trục lợi cá nhân, kết quả phải công khai, minh bạch” vào dự thảo nghị quyết bước đầu, diện lấy phiếu không nên quá rộng, sau khi tổng kết, rút kinh nghiệm sẽ mở rộng dần - đó là kiến nghị của ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh). ĐB Vi Thị Hương (Điện Biên) cũng cho rằng không nên lấy phiếu tín nhiệm đối với các ủy viên kiêm nhiệm của Hội đồng dân tộc, các ủy ban của QH cũng như thành viên không chuyên trách trong các ban của HĐND; do thời gian tham gia hoạt động của ủy ban không nhiều, họ còn phải đảm nhiệm các công việc chuyên môn chính của mình...
ĐB Trần Minh Thống (Kiên Giang) kiến nghị cụ thể: “Tôi thống nhất danh sách 49 vị như trong nghị quyết đã nêu; đề nghị bổ sung thêm các chức vụ là Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban chuyên trách các ủy ban của QH; như vậy là thêm khoảng 40 vị nữa, tổng cộng gần 90 vị”.
Để việc lấy phiếu mang tính thực chất và hiệu quả cao, ĐB Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) kiến nghị diện lấy phiếu nên tập trung vào “những đối tượng liên quan đến quyền và tiền”. Việc người dân tham gia xây dựng chính quyền thông qua ĐBQH, ĐB HĐND cũng là một kênh, nhưng cần có thêm hình thức để họ trực tiếp bày tỏ chính kiến.
Đề nghị có quy định QH, HĐND giao cơ quan chuyên môn tiến hành điều tra dư luận xã hội một cách khoa học và coi đó là một trong những căn cứ đánh giá tín nhiệm. Về lâu dài, nghị quyết này trở thành tiền đề để QH cho ý kiến ban hành Luật Tự phê bình và phê bình...
Còn theo ĐB Nguyễn Thị Khá, QH, HĐND bầu, phê chuẩn cán bộ giống như “may áo” cho người giữ chức vụ đó. “Phải đo kỹ, may khéo, nếu quá rộng hoặc quá chật thì không đạt yêu cầu. Người mặc nếu thấy không thích hợp phải tự nguyện thay áo, trong quá trình mặc áo cũng phải tự điều chỉnh, không ăn uống quá độ, không để “sức khỏe” sa sút… Nếu không vừa nhưng vẫn cứ mặc thì ĐB dân cử phải giúp họ cởi bỏ chiếc áo mặc nhầm đó”.
Lên xuống chức là chuyện bình thường
Lưu ý về khoảng thời gian cần có để các chức danh được bầu bắt nhịp với tình hình, nhiệm vụ chức trách được giao, ĐB Hà Sơn Nhin (Gia Lai) đề nghị thời điểm lấy phiếu là 2 năm một lần, vào kỳ họp đầu của năm thứ 2 và năm thứ 4 của nhiệm kỳ. Về các mức tín nhiệm, ĐB đề nghị chỉ để 3 mức: cao, trung bình, thấp.
ĐB Nguyễn Doãn Khánh (Phú Thọ) bày tỏ quan tâm đặc biệt đến những căn cứ đánh giá tín nhiệm, đặc biệt là việc cung cấp thông tin về người được đánh giá tín nhiệm cho các ĐBQH, HĐND. Ngoài những nội dung dự thảo đã nêu, ĐB đề nghị phải có văn bản của các cơ quan xác minh, thẩm tra về những vấn đề nổi cộm có liên quan đến nhân sự được đánh giá; ý kiến nhân dân được Mặt trận Tổ quốc tập hợp và nếu nhân sự là ĐB dân cử thì cần có thêm ý kiến của đoàn ĐBQH… Cho rằng “4 mức là nhiều quá”, ĐB Khánh đề xuất còn 3 mức: tín nhiệm/không tín nhiệm/ý kiến khác hoặc không có ý kiến. Dự thảo nghị quyết cần bổ sung cách thức xử lý đối với trường hợp người được lấy phiếu không đồng tình với kết quả đánh giá.
“Việc bổ nhiệm cán bộ có lên có xuống, có vào có ra, phải coi là chuyện bình thường, nhưng thực tế ra và xuống là rất khó” - ĐB Phan Văn Tường (Thái Nguyên) nhận xét và bình luận rằng, nhiều quy định về bỏ phiếu trong dự thảo nghị quyết gồm quá nhiều công đoạn, không khả thi, mất tính kịp thời. Đề nghị chỉ quy định việc bỏ phiếu hàng năm, không quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm.
Dự thảo nghị quyết về vấn đề này sẽ tiếp tục được hoàn thiện, trình QH thông qua vào cuối kỳ họp.
Anh Thư