Lễ 30-4 và 1-5: Xe đò, xe buýt, bến phà quá tải

(SGGP).- Do những ngày nghỉ lễ 30-4 và 1-5 rơi vào cuối tuần nên lượng người đi chơi ở các tỉnh lân cận TPHCM rất đông, khiến tình trạng xe khách tại các bến xe trên địa bàn TPHCM trở nên căng thẳng. Bên cạnh đó, lượng người mua sắm ở các siêu thị TPHCM tăng cao nên nhiều tuyến xe buýt đều quá tải.
Lễ 30-4 và 1-5: Xe đò, xe buýt, bến phà quá tải
  • “Cháy” nhiều tour du lịch

(SGGP).- Do những ngày nghỉ lễ 30-4 và 1-5 rơi vào cuối tuần nên lượng người đi chơi ở các tỉnh lân cận TPHCM rất đông, khiến tình trạng xe khách tại các bến xe trên địa bàn TPHCM trở nên căng thẳng. Bên cạnh đó, lượng người mua sắm ở các siêu thị TPHCM tăng cao nên nhiều tuyến xe buýt đều quá tải.

Ghi nhận của chúng tôi vào ngày 29 và 30-4, hàng ngàn người chen nhau chờ đến lượt mua vé xe để về quê và đi du lịch.

Tại Bến xe miền Đông các quầy bán vé đi Vũng Tàu, Đà Lạt, Phan Thiết... đều quá tải. Đến trưa cùng ngày, nhiều doanh nghiệp vận tải đã thông báo bán hết vé. Hãng Phương Trang mới 10 giờ ngày 30-4 đã hết vé đi Đà Lạt, Quy Nhơn; hãng Kumho Samco cũng cho biết đã hết vé đi các tuyến đi Đà Lạt, Phan Thiết. Đến 11 giờ, quầy bán vé của DN Thuận Thảo không còn vé về Quy Nhơn.

Căng nhất trong ngày là tuyến TPHCM - Đà Lạt. Chỉ trong buổi sáng, các quầy bán vé của Mai Linh, Phương Trang, Đức Lộc, Thương Tín, Kumho Samco… đều thông báo hết vé. Do chờ mua vé trong bến quá lâu nên có khá đông hành khách tràn ra đường bắt xe.

Dọc theo các tuyến Quốc lộ 13, Xuyên Á, Xa lộ Hà Nội…, hàng trăm người đứng đón xe đò về quê hoặc đi du lịch, gây kẹt xe kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ. Ông Nguyễn Ngọc Thừa, Giám đốc Bến xe miền Đông, cho biết, suốt đêm 29 và đến 1 giờ trưa 30-4, bến mới giải tỏa hết lượng khách. Hai ngày qua có trên 50.000 lượt khách đi qua bến.

Ngày 30-4, lượng người đến mua vé quá tải tại Bến xe miền Tây. Ảnh: Q.HÙNG

Ngày 30-4, lượng người đến mua vé quá tải tại Bến xe miền Tây. Ảnh: Q.HÙNG

Trong khi đó, tại một số điểm vui chơi, giải trí, hệ thống siêu thị ở TPHCM người dân đi chơi lễ, mua sắm rất đông khiến các tuyến xe buýt như: Suối Tiên - Bến Thành, Suối Tiên - An Sương, Tân Vạn - Chợ Lớn, Thủ Đức - Chợ Lớn, Bến Thành - Đầm Sen… quá tải.

Mặc dù Trung tâm Điều hành vận tải hành khách công cộng TPHCM đã tăng cường trên 22 tuyến xe buýt với 582 chuyến xe, nhưng hành khách đi xe phải đứng chen lấn nhau chật cứng tại các trạm trên. 

Tại bến phà Cát Lái, từ 7 giờ sáng hàng ngàn phương tiện xếp hàng rồng rắn cả kilômét để chờ mua vé qua phà. Để giải tỏa áp lực ùn tắc tại đây, Ban Quản lý Bến phà Cát Lái cử nhân viên trực tiếp ra ngoài đường để bán vé cho hành khách.

Tương tự, lượng hành khách đi chơi tại Cần Giờ cũng tăng đột biến khiến bến phà Bình Khánh quá tải, ô tô nối dài hơn cây số để chờ đến lượt qua phà.

Sáng sớm 30-4, tại khu vực Bảo tàng Hồ Chí Minh, đường Hùng Vương, Lê Hồng Phong… đã có hàng ngàn người xếp hàng để vào lăng viếng Bác. Năm nay, không chỉ có người dân Hà Nội mà còn rất nhiều người dân ở các địa phương khác.

Trong khi đó, các tuyến quốc lộ gần cửa ngõ Hà Nội đều bị ùn tắc nghiêm trọng do lượng phương tiện từ thủ đô đi về các tỉnh quá lớn. Từ 7 giờ sáng, QL1 đoạn từ bến xe Nước Ngầm, bến xe phía Nam đến ngã ba Pháp Vân – Thanh Trì đã chật cứng, các phương tiện phải nhích từng chút trong suốt quãng đường kéo dài tới vài kilômét.

Cũng trên QL1, ùn tắc còn tiếp tục xảy ra tại các đoạn đầu đường cao tốc Pháp Vân và đoạn từ Trạm thu phí Nam cầu Giẽ tới Khu công nghiệp Đồng Văn. Để đi từ Hà Nội về đến Phủ Lý, quãng đường chỉ 60km nhưng hôm qua, hầu hết các xe đều phải đi mất từ 3-4 giờ. Ùn tắc trên QL1 kéo dài đến khoảng 12 giờ trưa mới giảm.

Tại các bến xe Hà Nội, tình trạng quá tải cũng diễn ra trong suốt buổi sáng. Tại bến xe Mỹ Đình, bến xe Nước Ngầm, bến xe phía Nam… mặc dù đều cam kết có xe tăng cường nhưng thực tế rất khó mua được vé đúng giá của bến, các quầy vé trong bến đều liên tục thông báo hết vé.

Đặc biệt các tuyến ngắn đi Nam Định, Thái Bình, Thái Nguyên, Bắc Kạn… hôm qua thiếu xe nghiêm trọng do lượng khách quá lớn và các bến xe đã không điều chỉnh số lượng xe tăng cường kịp thời. 

Chiều 30-4, bà Đinh Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Thương mại và Du lịch Hội An (Quảng Nam), cho biết: Dịp lễ 30-4 và 1-5, mỗi ngày Hội An đón gần 2.300 lượt khách quốc tế trong số hơn 3.000 lượt khách đến du lịch lưu trú. Toàn bộ các hãng lữ hành có tour du lịch đảo Cù Lao Chàm đều “cháy” tour và dịch vụ tàu cao tốc ra đảo.

Trong ngày 30-4, thời tiết ở Đà Nẵng trở nên nóng bức, vì vậy, lượng du khách và người dân đã đổ xô ra biển và các khu du lịch ven biển để nghỉ ngơi, giải trí trong dịp lễ. Các bãi biển Phạm Văn Đồng, Mỹ Khê, Non Nước... trong ngày đầu tiên của dịp lễ này có khoảng 10.000 du khách và người dân đến du lịch, tắm biển.

Theo thống kê chưa đầy đủ, dịp nghỉ lễ lần này có hơn 1.000 người đăng ký các tour du lịch trong nước và sang Campuchia, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước.

Tối 30-4, do cơn mưa lớn kéo dài hơn 3 giờ, nên ban tổ chức phải ngưng chương trình bắn pháo hoa tại Khu du lịch Lạc Cảnh - Đại Nam - Văn Hiến (Bình Dương). Trong ngày, khu du lịch này đã đón hơn 80.000 khách, với dòng xe đổ xô về Bình Dương, gây ách tắc QL13.

Nhóm PV

Tin cùng chuyên mục