Lê Giang - Lư Nhất Vũ - Chơn chất hồn quê

Là một trong những cặp đôi đẹp của làng nghệ thuật Việt Nam, nhà thơ Lê Giang và nhạc sĩ Lư Nhất Vũ luôn gắn bó bên nhau trong cuộc đời và cả trong sáng tác, đặc biệt là trong hành trình tìm kiếm, sưu tầm dân ca. Và mới đây, họ một lần nữa “đồng thanh” giới thiệu 2 tác phẩm mà ở đó tái hiện lại một phần cuộc sống của họ, những nghệ sĩ cả đời cống hiến cho nghệ thuật.
Lê Giang - Lư Nhất Vũ - Chơn chất hồn quê

Là một trong những cặp đôi đẹp của làng nghệ thuật Việt Nam, nhà thơ Lê Giang và nhạc sĩ Lư Nhất Vũ luôn gắn bó bên nhau trong cuộc đời và cả trong sáng tác, đặc biệt là trong hành trình tìm kiếm, sưu tầm dân ca. Và mới đây, họ một lần nữa “đồng thanh” giới thiệu 2 tác phẩm mà ở đó tái hiện lại một phần cuộc sống của họ, những nghệ sĩ cả đời cống hiến cho nghệ thuật.

  • Kỷ niệm thời thanh xuân, nguồn dinh dưỡng tuổi già

Văn là người, có lẽ điều đó tuyệt đối đúng với nhà thơ Lê Giang. Nếu đã có dịp gặp và trò chuyện thì khi đọc các bài tản văn của bà, người ta hẳn như có cảm giác lại đang lắng nghe bà trò chuyện ngay trước mắt. Vẫn cái chất tung tẩy, vẫn những điều tưởng như phức tạp qua lời bà kể lại có cảm giác như đơn giản nhẹ nhàng hẳn đi.

Ừa, chỉ có vậy thôi bao gồm 46 bài tản văn, mỗi bài là một câu chuyện và không phải ngẫu nhiên tác giả chọn câu chuyện về những người trẻ trong ngày đầu đình chiến (1954) làm nhan đề cả cuốn sách. Câu chuyện anh lính trẻ tưởng long não là kẹo, cô gái Nam bộ lại tưởng tẩm quất là bánh tầm bì… Mẩu chuyện rất nhẹ nhàng, thú vị pha chút hài hước nhưng ẩn chứa đằng sau lại là cả một bầu trời hoài niệm mà như cô đã viết, nó là “Bao kỷ niệm của thời thanh xuân nay đã là nguồn dinh dưỡng của tuổi già”. Ừa, chỉ có vậy thôi, nhưng chỉ có vậy đã là quá đủ.

Nhưng không chỉ có những hồi ức về một thời, trong hành trình sáng tác, bên cạnh niềm vui được sống với đam mê, bà cũng đồng thời có điều kiện tiếp xúc với cả cuộc sống hiện tại. Trong Biết đổ thừa ai có đoạn viết: “…những mái ngói mọc lên bằng cuộc phiêu lưu mộng ước lấy chồng xa xứ, bằng vòng vàng bỗng chốc đỏ tay bà bán rau ngổ, rau muống ngoài chợ Mỹ Long, bằng nỗi mong chờ vô tận đứa con gái sao chưa gửi tiền về cho ba nó hốt thuốc uống…”. Không trách móc, không dằn vặt, không phê phán, vẫn nhẹ nhàng nhưng lại chất chứa trong đó sự đau đớn về những số phận ở vùng quê xa xôi.

  • “Dự bị hồi ký” của Lư Nhất Vũ

Là một tác phẩm tự truyện, nhưng có thể xem Ngày ấy đã xa rồi của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ như một dạng “dự bị hồi ký”, gồm hơn 30 bài viết để kể về con đường từ thời thơ ấu đến khi tới với cách mạng, vượt tuyến ra Bắc, đi thanh niên xung phong, theo nghiệp âm nhạc, trở lại miền Nam. Các bài viết thường rất ngắn gọn, súc tích. Dài nhất có lẽ là bài Đi cho biết đó biết đây miêu tả hành trình giao lưu của tác giả từ Trung Quốc qua Liên Xô, Đông Đức rồi lại đến Trung Quốc… Qua từng đó nước mới đủ thành bài viết dài nhất.

Điểm đáng chú ý nhất trong tự truyện có lẽ là những hồi ức của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ về những tác phẩm nổi tiếng của ông. Đó đều là những tác phẩm thuộc dạng “kinh điển”, là một trong các đại diện của âm nhạc vào từng thời kỳ lịch sử của đất nước. Qua lời kể của ông, bạn đọc có thể hiểu thêm, biết thêm về quá trình sáng tác, biểu diễn của những Cô gái Sài Gòn đi tải đạn, Hãy yên lòng mẹ ơi, Bài ca Đất phương Nam…

Tuy là tự truyện nhưng một số hồi ức, kỷ niệm lại do bạn bè của nhạc sĩ kể lại, qua góc nhìn của bạn bè, hình ảnh nhạc sĩ Lư Nhất Vũ trong những năm tháng sáng tác, từ chiến tranh đến hòa bình.

Lê Giang - Một đời người địu cả trên thơ - Đó chính là nhận xét của nhà văn Hoài Anh trong lời mở đầu của Tuyển tập thơ Lê Giang cũng được xuất bản trong dịp này. Tuyển tập thơ có đến 3 lời giới thiệu, ngoài của nhà văn Hoài Anh còn có nhà thơ Vũ Quần Phương và nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Tuyển tập gồm có 180 bài thơ, từ những bài sáng tác năm 1949 cho đến những bài viết trong năm 2011.

TƯỜNG VY

Tin cùng chuyên mục