Lễ hội Áo dài TPHCM lần 1 năm 2014 với chủ đề “Áo dài và hoa” sẽ diễn ra từ ngày 8-3 đến 9-3-2014 tại Công viên văn hóa Đầm Sen, quận 11, TPHCM. Dịp này, chúng tôi đã trao đổi với ông Lã Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL TPHCM, Trưởng ban tổ chức Lễ hội Áo dài TPHCM lần 1-2014.
* PV: Thưa ông, chiếc áo dài Việt Nam từ lâu đã trở thành nét độc đáo trong văn hóa người Việt. Vậy việc TPHCM tổ chức lễ hội áo dài vào dịp Ngày Quốc tế phụ nữ 8-3 năm nay chắc chắn sẽ mang một thông điệp nào đó?
* Ông LÃ QUỐC KHÁNH: Đúng vậy, áo dài là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo của dân tộc. Thông qua lễ hội lần này, chúng tôi mong muốn công chúng nhuận sắc thêm giá trị văn hóa mang nét truyền thống của các bậc tiền nhân. Không chỉ mang vẻ đẹp trang nhã, thanh lịch, cách cấu trúc tà áo dài còn ẩn chứa ý nghĩa về đạo làm người của cha ông. Tổng thể, chiếc áo dài là biểu hiện của bản sắc văn hóa và tinh thần Việt Nam, góp phần tạo nên một nét son trong văn hóa Việt, chuyên chở nhân sinh quan, thế giới quan của người Việt.
* Như vậy, trong khuôn khổ lễ hội sẽ có những điểm nhấn thú vị nào, thưa ông?
* Chúng tôi đã giao Thư viện Khoa học tổng hợp TPHCM tổ chức cuộc thi vẽ áo dài trên giấy dành cho các cháu học sinh, qua đây giúp các cháu hiểu được những giá trị văn hóa cha ông để lại và tự hào với vẻ đẹp truyền thống của tà áo dài dân tộc. Đặc biệt, trong dịp này, để góp phần giáo dục truyền thống đến thế hệ trẻ, Sở VH-TT-DL đã chỉ đạo Bảo tàng Chứng tích chiến tranh tổ chức cuộc triển lãm chuyên đề “Áo dài Việt Nam qua khói lửa chiến tranh” giới thiệu các hình ảnh, video clip, hiện vật thời đấu tranh oai hùng của các dì, các mẹ bên cạnh tọa đàm với các nhân chứng lịch sử... Chúng tôi rất hoan nghênh khi nhiều bạn trẻ đoạt các danh hiệu hoa hậu, người mẫu tình nguyện đại diện cho hình ảnh, nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam khi khoác chiếc áo dài giao lưu với bạn bè quốc tế. Điều đó minh chứng, tà áo dài đã góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam ra khắp nơi trên thế giới.
* Ý tưởng tổ chức lễ hội áo dài lần này rất thú vị. Liệu đây sẽ trở thành một sản phẩm du lịch mang dấu ấn riêng của TP ta như đã từng thành công với Lễ hội Trái cây Nam bộ, Liên hoan Ẩm thực món ngon các nước... thưa ông?
* Đó là điều chúng tôi mong muốn và đang nỗ lực hướng tới. Từ thực tiễn tổ chức nhiều sự kiện quảng bá du lịch của TP, Sở VH-TT-DL nhận thấy Ngày Quốc tế phụ nữ 8-3, ngoài các hoạt động chúc mừng như thời gian qua thì việc tổ chức sự kiện Lễ hội Áo dài vừa cần thiết vừa tạo thêm kênh quảng bá về một điểm đến thân thiện, hấp dẫn, an toàn. Trên cơ sở đó, Sở VH-TT-DL đã có tờ trình UBND TPHCM xin chủ trương tổ chức Lễ hội Áo dài lần 1-2014 và Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân đã thuận chủ trương giao Sở VT-TT-DL, Trung tâm Xúc tiến du lịch phối hợp với Sở GD-ĐT, Hội LHPN, Thành đoàn và Công ty TNHH một thành viên Du lịch Phú Thọ triển khai các nội dung hoạt động Lễ hội Áo dài TPHCM lần 1 - 2014. Để nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp lễ hội áo dài lần đầu tiên của TPHCM, ban tổ chức đã mời nhà thiết kế Sĩ Hoàng và Bảo tàng Áo dài tham gia tư vấn chuyên môn cho chương trình. Qua đó sẽ giới thiệu, trưng bày và trình diễn các bộ sưu tập của nhiều nhà thiết kế hàng đầu hiện nay như Sĩ Hoàng, Võ Việt Chung, Lê Thanh Phương, Việt Hùng, Thuận Việt, Hoài Sang, Minh Châu, Thân Nguyễn An Kha... Thực tế, thời gian qua nhiều sự kiện lễ hội thường niên của TPHCM đã trở thành sản phẩm du lịch mang nét riêng như Ngày hội Du lịch, Hội chợ Du lịch quốc tế TPHCM-ITE, Lễ hội Trái cây Nam bộ, Liên hoan Ẩm thực đất phương Nam, Liên hoan Ẩm thực món ngon các nước... nên chúng tôi hy vọng lễ hội áo dài cũng sẽ là một sản phẩm du lịch độc đáo thu hút du khách quốc tế.
* Sự kiện này có trở thành lễ hội định kỳ của TP không, thưa ông?
* Năm 2013, khách quốc tế đến TPHCM hơn 4,1 triệu lượt người, doanh thu ngành du lịch đạt hơn 83.000 tỷ đồng, chiếm 44% tổng doanh thu du lịch cả nước. Tuy nhiên, để du lịch TPHCM phát triển bền vững, góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế - xã hội của TP, ngoài việc đầu tư thêm các công cụ, phương tiện thông tin tác động trực tiếp, như chỉ đạo của UBND TP, cần thiết phải đa dạng hóa các lễ hội, sự kiện du lịch để thu hút du khách, nhất là những lễ hội mang tính truyền thống thể hiện bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính vì lẽ đó, để sự kiện lễ hội áo dài trở thành sự kiện thường niên diễn ra một cách bài bản, xứng tầm với giá trị truyền thống của cha ông để lại là mong muốn của chúng tôi. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên tổ chức nên rất cần sự quan tâm đóng góp ý kiến của các cơ quan truyền thông, công chúng tham dự để chúng tôi rút kinh nghiệm, từ đó tổ chức những lần sau quy củ hơn, chuyên nghiệp hơn, độc đáo hơn, góp phần đưa hình ảnh tà áo dài Việt Nam trở nên thân thuộc với bạn bè quốc tế.
KHẮC THI thực hiện