Không riêng người dân sống ở TP Cao Lãnh mà cả người dân sống ở các huyện của Đồng Tháp và các tỉnh lân cận đã sống trong không khí của những ngày hội sôi động, lớn nhất từ trước tới nay ở Đồng Tháp. Đó là chuỗi sự kiện tổng kết 30 năm khai thác Đồng Tháp Mười, khánh thành công trình bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và Hội chợ triển lãm Sinh vật cảnh và Thương mại ĐBSCL quy mô 500 gian hàng đã diễn ra từ ngày 1-12 đến 5-12-2010 tại TP Cao Lãnh.
Vào những ngày này, TP Cao Lãnh đã “cháy” phòng khách sạn, nhà nghỉ vì lượng khách khắp nơi đổ về. Chưa kể sự thu hút từ các sự kiện chính trị, văn hóa, chỉ riêng Hội chợ triển lãm Sinh vật cảnh và Thương mại ĐBSCL lần này cũng đã quy tụ nhiều đơn vị và tỉnh thành tham gia.
Hội chợ triển lãm Sinh vật cảnh không chỉ quy tụ những tác phẩm thế mạnh hoa kiểng, bonsai, tiểu cảnh, cá cảnh độc đáo của các nghệ nhân, nhà vườn nổi tiếng ở vùng ĐBSCL, đặc biệt là sản phẩm của “vựa” hoa Sa Đéc của Đồng Tháp, mà còn có sự tham gia của rất nhiều hội sinh vật cảnh ở Quảng Nam, Phú Yên, Lâm Đồng… với những tác phẩm đa dạng được chế tác từ nguyên liệu gỗ của núi rừng, biển.
Du khách tham quan lễ hội được thưởng lãm nhiều tác phẩm nghệ thuật độc đáo, có một không hai được những nghệ nhân khéo léo, tài hoa tạo nên từ những thân gỗ mục, hòn đá cuội… Trong một quần thể trưng bày với sự đa dạng, phong phú của các tác phẩm nghệ thuật, đây thực sự là một bữa tiệc làm “no mắt” những người yêu nghệ thuật sinh vật cảnh. Và đây cũng là cơ hội để nhiều nhà vườn, nghệ nhân học hỏi các tác phẩm của những đồng nghiệp nơi xa, đúc kết thêm kinh nghiệm cho việc tạo dáng, thế đứng cho tác phẩm của mình.
Ông Phạm Thiện Nghĩa, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp, cho biết, vì đây là chương trình xúc tiến thương mại quốc gia nên tất cả doanh nghiệp tham gia đều được hỗ trợ 50% chi phí thuê gian hàng. Đồng thời để tạo điều kiện tốt nhất cho việc tham gia lễ hội lần này, các đơn vị sinh vật cảnh trong và ngoài tỉnh còn được tỉnh Đồng Tháp hỗ trợ 50% chi phí thuê gian hàng còn lại và còn được hỗ trợ chi phí vận chuyển, ăn ở trong suốt quá trình diễn ra lễ hội.
Đây là cơ hội kích cầu tiêu dùng đối với các sản phẩm sinh vật cảnh và các loại sản phẩm hàng hóa khác. Tạo điều kiện để các doanh nghiệp xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, thiết lập mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa các nghệ nhân với các doanh nghiệp, và giữa những nhà sản xuất hàng hóa chuyên nghiệp Đồng Tháp với các tổ chức, cá nhân kinh doanh đến từ nhiều vùng miền trên cả nước. Có thể xem đây là một bước đệm trong việc thu hút, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư của tỉnh cho thời gian tới.
Tỉnh Đồng Tháp sẽ tiếp tục phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức thêm nhiều phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn” để tuyên truyền, quảng bá, mở rộng mạng lưới phân phối hàng tiêu dùng Việt Nam đến các huyện vùng sâu, vùng biên giới của tỉnh. Cụ thể, mục tiêu năm 2011, tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ của tỉnh sẽ đạt 32.500 tỷ đồng, tăng 20% so với ước thực hiện 27.088 tỷ đồng của năm 2010.
HÀ NHAI