Chiều 3-5, Thượng tướng Nguyễn Thành Cung, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó trưởng ban tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ cấp Nhà nước, Trưởng ban tổ chức Bộ Quốc phòng đã đến thăm, động viên, tặng quà các đơn vị tham gia diễu binh, diễu hành và phục vụ cho lễ kỷ niệm tại thành phố Điện Biên Phủ: Khối Nữ dân quân (Quân khu 7), Đoàn Nghi lễ Quân đội, Trung đoàn 741 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Điện Biên) và Bệnh viện dã chiến (Cục Quân y). Đồng chí cho rằng, đây là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, là niềm tự hào của quân đội và đồng bào cả nước, do vậy phải xác định tốt quyết tâm, thống nhất tư tưởng để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Thượng tướng Nguyễn Thành Cung mong muốn các cán bộ của Cục Quân y và các y, bác sĩ của Bệnh viện dã chiến bám chặt hoạt động của các đơn vị, đẩy mạnh hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát chất lượng lương thực, thực phẩm, nước uống để kịp thời xử lý những tình huống xấu có thể phát sinh, nhằm bảo đảm tốt sức khỏe cho các lực lượng thực hiện nhiệm vụ đạt kết quả cao nhất.
Sáng cùng ngày, Thượng tướng Nguyễn Thành Cung đã chủ trì buổi sơ duyệt chương trình mít tinh lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Kết thúc hai lần tập, Thượng tướng Nguyễn Thành Cung đã đánh giá cao kết quả của lực lượng diễu binh, diễu hành và các lực lượng làm nhiệm vụ phục vụ khác.
(TTXVN)
Hai ca khúc về Điện Biên bị lãng quên
Sau nửa thế kỷ rơi vào quên lãng, hai ca khúc cách mạng sinh ra cùng thời điểm với Qua miền Tây Bắc, Hành quân xa, Trên đồi Him Lam, Chiến thắng Điện Biên, Hò kéo pháo... đã may mắn được phát hiện đúng thời điểm cả nước kỷ niệm 60 chiến thắng Điện Biên Phủ. Chúng tôi có cuộc trao đổi với Thiếu tướng, nhạc sĩ An Thuyên, người tìm lại được những bản nhạc hay về Điện Biên Phủ bị lãng quên.
* Xin nhạc sĩ cho biết cơ duyên nào đã khiến ông có được hai bản nhạc này?
* Nhạc sĩ AN THUYÊN: Thực ra có 3 bài, 2 bài của nhạc sĩ Tử Phác và một bài của nhạc sĩ Đặng Đình Hưng. Tuy nhiên chỉ có 2 bài có trọn vẹn là Mừng chiến thắng Tây Bắc (nhạc Đặng Đình Hưng, thân phụ của nhạc sĩ, NSND Đặng Thái Sơn; lời của Đào Vũ + Thái Ly) và Chiến thắng Điện Biên của nhạc sĩ Tử Phác. Còn bài Đường lên Tây Bắc - Tử Phác, mất đoạn giữa, vì thế chúng tôi đang tiếp tục sưu tầm và dần công bố tiếp. Các ca khúc này được các tác giả viết ngay trên chiến trường từ những năm 1953 - 1954, đã được giới thiệu trên Đài Tiếng nói Việt Nam một vài lần. Những bài hát rất hay mà có số phận không may, vì thế, không còn nhiều người nhớ và trở thành những bài hát bị lãng quên. Mới đây, trong quá trình làm việc, ông Phan Phương (Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam) đã phát hiện ra. Những bản này đã được in trong tập nhạc của NXB Xây dựng từ năm 1953.
* Sau khi có trong tay hai bản nhạc trọn vẹn, ông và học trò đã cùng nhau dựng lại?
* Đây là những tác phẩm âm nhạc rất hay. Tôi nghĩ rằng đây là việc phải làm, muốn công chúng biết được những tác phẩm có giá trị đích thực, thì người đi sau phải có trách nhiệm tôn vinh những giá trị đó. Vì thế, tôi vận động anh em, học trò, cộng tác: các nhạc sĩ An Hiếu, Dương Cầm, ca sĩ Lê Anh Dũng, Hoài Nam, Hồng Ngọc và tốp ca nam nữ học sinh, để dàn dựng và thu âm. Tất cả đều làm việc tự nguyện và không ai nhận cát sê. Mọi người đều mong, các ca khúc một lần nữa được cất lên chính là nén tâm nhang gửi đến 2 nhạc sĩ, cũng là góp một tiếng reo vui mừng chiến thắng Điện Biên vĩ đại. Việc dựng lại hai bài hát, một phần là sự tôn vinh các giá trị âm nhạc đích thực, phần là tôn vinh những người đi trước, những người đã đổ xương máu cho đất nước thái bình hôm nay, đồng thời muốn nói với các tác giả trẻ cần học tập các bậc tiền bối. Viết nhạc Việt Nam cần phải có tâm huyết lớn với dân tộc mình như thế. Đó cũng là cách không được lãng quên quá khứ hào hùng.
* Khi hoàn tất dựng lại hai tác phẩm này, còn phải làm gì để ca khúc đó tiếp tục bay xa?
* Nhiều bài hát ra đời có số phận may mắn thì lan xa rất nhanh, nhưng một số bài hát khác lại ít may mắn hơn. Trước mắt để các lời ca, tiếng hát được đến gần hơn với công chúng, tôi cùng ê kíp cộng sự đã đưa các tác phẩm lên mạng xã hội. Chúng tôi dự tính tìm những bài hát cách mạng mà ít được công chúng biết đến, để làm một bộ sưu tập để gửi tới người nghe. Đó là một cách để khơi dậy tình yêu đất nước, giúp cuộc sống tốt đẹp hơn!
VĨNH XUÂN (thực hiện)