Tại Mỹ, cứ 4 năm một lần, ngày tuyên thệ nhậm chức của các Tổng thống Mỹ cũng chính là một ngày lễ lớn. Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ khủng hoảng kinh tế, lễ tuyên thệ nhậm chức lần hai của Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ khiêm tốn hơn so với cách đây 4 năm.
Tiết kiệm vì khó khăn
Có điểm đặc biệt hơn so với lễ nhậm chức năm 2009 là ông Barack Obama sẽ tuyên thệ đến 2 lần. Nhiệm kỳ Tổng thống của ông Obama kết thúc vào giữa trưa ngày 20-1 song đây lại là ngày chủ nhật và theo truyền thống các buổi lễ nhậm chức trước công chúng thường không được tổ chức vào ngày này. Do đó, ông Obama sẽ tuyên thệ nhậm chức trong một buổi lễ nhỏ vào ngày 20-1 trước khi lặp lại nghi thức tuyên thệ trước công chúng vào ngày kế tiếp.
Tại thủ đô Washington, công việc chuẩn bị cho lễ nhậm chức của Tổng thống Obama đã bắt đầu từ hơn 2 tháng trước. Các nhà tổ chức dự kiến chỉ tổ chức 2 buổi khiêu vũ chính thức thay vì 10 buổi như năm 2009. Buổi diễu hành ở đại lộ Pennsylvania và các buổi khiêu vũ chính thức cũng diễn ra trong ngày 21-1, trùng với ngày lễ tưởng niệm biểu tượng dân quyền Martin Luther King Jr.
Qua khảo sát sơ bộ, các khách sạn và nhà hàng hạng sang tại thủ đô Washington đang thất vọng bởi lượng khách đăng ký ít. Đến nay, vẫn còn khá nhiều khách sạn còn trống phòng và thậm chí là số lượng bàn đặt trước của các nhà hàng cũng có tỷ lệ rất thấp. Mới chỉ có khoảng 800.000 người đăng ký tham dự, con số thấp hơn rất nhiều so với 1,8 triệu người của lễ nhậm chức đầu tiên của ông hồi tháng 1-2009. Khách sạn Mandarin Oriental, nơi khách khứa có thể đứng tại cửa sổ phòng nghỉ nhìn thẳng ra National Mall, nơi sẽ diễn ra lễ nhậm chức, cho biết họ đã phải hạ tiêu chuẩn bắt buộc khách đặt tối thiểu 4 đêm xuống còn 3 đêm để có thể lấp kín phòng. Giá phòng của khách sạn này là khoảng 295 USD/đêm nhưng vào thời điểm lễ nhậm chức diễn ra nếu đặt 3 đêm, khách sẽ phải trả giá khởi điểm là 1.195 USD.
Bầu không khí chuẩn bị cho lễ nhậm chức năm nay của Tổng thống Obama được giới truyền thông Mỹ cho rằng “không náo nhiệt”. Còn nhớ, vào năm 2009, số lượng khách đổ về quá đông khiến toàn bộ các khách sạn bị quá tải và làm nảy sinh chuyện cho thuê chỗ trọ của các hộ gia đình với giá cả ưu đãi. Còn năm nay, trên website rao vặt hàng đầu ở Mỹ là Craigslist người ta cũng chỉ thấy lác đác vài chục lời rao cho thuê nhà trong dịp lễ nhậm chức của ông Obama.
Bản thân Tổng thống Obama và các quan chức Nhà Trắng đang cố gắng lên kế hoạch tiết kiệm nhất cho lễ nhậm chức. Đa số dư luận đều đồng tình và cho rằng, đó là cách làm phù hợp bởi ông Obama hiểu rằng mình không nên tổ chức hoành tráng và phô trương trong khi rất nhiều người dân Mỹ đang phải vật lộn với tình trạng tình hình tài chính tồi tệ và mức sống sụt giảm.
Các nhà tài trợ vẫn hào phóng
Năm nay, tuy kinh tế khó khăn nhưng ông Obama vẫn nhận được khoản tài trợ từ 400 nhà tài trợ gồm các doanh nghiệp và cá nhân. Năm 2009, Ủy ban gây quỹ Obama chỉ chấp nhận những khoản quyên góp tối đa là 50.000 USD nhưng năm nay “trần đóng góp” đã được tăng gấp 5 lần, lên mức 250.000 USD. Nếu quyên góp với số tiền tối đa, khách mời sẽ được hưởng một số ưu đãi như được đón tiếp long trọng theo nghi thức khách VIP, được giữ sẵn chỗ ngồi xem lễ nhậm chức và xem lễ diễu hành.
Như những dịp lễ nhậm chức trước, chi tiết các khoản tài trợ không được công bố. Trong danh sách đóng góp năm nay vẫn xuất hiện những “đại gia” như tập đoàn công nghệ Microsoft, tập đoàn điện thoại AT&T, Genentech, thuộc sở hữu của hãng dược phẩm Roche Thụy Sĩ, công ty quảng cáo Financial Innovations - doanh nghiệp đã kiếm 1,8 tỷ USD từ những sản phẩm lấy ý tưởng từ chiến dịch vận động tranh cử của ông Obama... Nhưng chưa rõ liệu số tiền tài trợ có lên đến con số kỷ lục là 50 triệu USD như cách đây 4 năm hay không vì rõ ràng sức hút của Tổng thống Obama đã không còn được như trước. Điều này thể hiện rõ qua chiến dịch vận động tranh cử đầy cam go của ông Obama và ứng viên đảng Cộng hòa Mitt Romney vào năm ngoái.
Theo thông báo, bốn cựu tổng thống còn sống gồm Jimmy Carter George W.Bush, Bill Clinton, George Bush sẽ là chủ tịch danh dự của Ban tổ chức lễ nhậm chức tổng thống. Các đồng chủ tịch của ban tổ chức bao gồm nữ diễn viên Eva Longoria, người thu được hơn 500.000 USD cho quỹ tranh cử của ông Obama, ông Matthew Barzun, người phụ trách tài chính của ban vận động tranh cử và bà Jane Stetson, người phụ trách tài chính của Ủy ban Toàn quốc đảng Dân chủ. Giám đốc ban vận động tranh cử Jim Messina sẽ là phụ trách tổ chức lễ diễu hành ở đại lộ Pennsylvania.
An ninh là vấn đề được đặt lên hàng đầu. Ngay từ tháng 11, Cục Điều tra Liên bang (FBI) đã tích cực lên kế hoạch ứng phó trước kịch bản tấn công của những phần tử riêng lẻ, không thuộc các nhóm khủng bố có tổ chức. Những đối tượng như thế được gọi là “sói đơn độc”. Để đảm bảo an toàn cho lễ nhậm chức sắp tới, FBI đang phối hợp với quân đội, Bộ An ninh nội địa và lực lượng mật vụ chuyên bảo vệ các yếu nhân.
Thông thường sẽ có hàng chục ngàn cảnh sát và binh sĩ được triển khai trong ngày trọng đại trên. Những tay súng bắn tỉa chuyên nghiệp cũng được bố trí trên các nóc nhà dọc theo tuyến đường diễu hành. Việc FBI lo ngại là không thừa khi giới chức Mỹ gần đây phá được nhiều âm mưu tuyển dụng công dân nước này làm phần tử của các tổ chức khủng bố. Gần đây nhất là vụ bắt 4 phần tử dự định tấn công công dân Mỹ và đánh bom các căn cứ quân sự của Washington tại nước ngoài.
THANH HẰNG (tổng hợp)