Lên non săn đào rừng

Mặc dù còn tới 1 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán Ất Mùi, nhưng những ngày này đã có khá nhiều thương lái đổ lên các tỉnh miền núi phía Bắc để săn đào rừng.
Lên non săn đào rừng

Mặc dù còn tới 1 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán Ất Mùi, nhưng những ngày này đã có khá nhiều thương lái đổ lên các tỉnh miền núi phía Bắc để săn đào rừng.

Vẻ đẹp của những cây đào rừng từ nhiều năm nay đã và đang được người miền xuôi “chuộng” để trưng trong nhà ngày tết. Vì thế, đào rừng đang lên hương và nghề săn cũng như buôn bán đào rừng hiện được xem là công việc hốt bạc. Sự cạn kiệt của những cây đào rừng qua từng năm khiến cho những người đi săn đào phải vất vả hơn, vì thế họ thường đi trước tết khá lâu mới mong tìm được những cành đào và mối hàng như ý.

Vườn đào tại huyện Phù Yên (Sơn La) đã được đặt mua sớm

Lặn lội lên non

Theo chân một thương lái tên Nam, quê ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội), người đã có 5 năm trong nghề buôn đào rừng, chúng tôi có mặt tại huyện Phù Yên (Sơn La) vào những ngày đầu năm 2014. Dù các vạt đào rừng vẫn khẳng khiu do vừa được tuốt lá nhưng Nam đã đi tìm hiểu và khảo giá trước. Nam bảo: “Chẳng biết thế nào mà định giá vì không có chuẩn mực nào cho giá đào vào dịp tết sắp tới. Không thể lấy mức giá của hoa đào năm trước để bán, mua cho đào của tết nay, vì thế chủ trương của tôi là đặt một chút tiền cọc cho gia chủ rồi hôm nào cắt đào về mới tính tiếp”. Bí quyết của anh Nam là ngắm cành nào dáng tự nhiên, đẹp thì đặt cọc tiền trước. Trung bình mỗi cành anh đặt trước 20.000 - 50.000 đồng. Đến cận tết, nếu hoa không kịp nở thì chủ hoàn trả lại tiền đặt cọc như thỏa thuận. Nam cho biết, mấy năm nay cứ giáp tết, anh lại “nằm vùng” ở Sơn La để săn đào rừng. Năm trước, anh chở gần 500 cành đào về xuôi bán. Dịp ấy, do đào trồng tại các làng hoa ở Hà Nội mất mùa nên anh Nam thu lãi gần 50 triệu đồng. Năm nay, anh dự định sẽ tầm khoảng 500 cành loại to, đẹp mang về xuôi trước ngày 23 tháng Chạp.

Những ngày ở Sơn La, tôi gặp khá nhiều thương lái đi buôn đào là người ngoại thành Hà Nội. Anh Trần Văn Đạt ở huyện Đông Anh, người có thâm niên 6 năm chở đào rừng về phố, kể: “Tôi săn hoa đào và cả mai, mận. Mặc dù đặt tiền trước nhưng khi nào cây có hoa đẹp tôi mới trả tiền. Bà con dân tộc cũng vui vẻ đồng ý. Không như một số người tham cành to, tôi chỉ chọn những cành nhỏ, dáng thon đẹp vì nhà dưới phố thường có diện tích không lớn”. Đào rừng mấy năm nay quả là có giá khi những gia chủ có những cây đào cổ thụ tha hồ thu hoạch khi dịp tết đến. Tuy vậy, để đảm bảo nguồn cung đang ngày càng cạn kiệt do năm nào cũng cưa cây đốn cành, một số bà con dân tộc ở Sơn La, Lạng Sơn… đã chuyển qua trồng đào ở vườn nhà cũng như đất rừng.

Anh Lê Văn Tám, một thương lái đào rừng, quê Hà Nam kể rằng việc đi săn đào rừng của anh cũng không đến nỗi vất vả cho lắm vì anh đã “đặt” trước với mấy gia đình ở Hữu Lũng (Lạng Sơn) và cứ tới đầu tháng Chạp là anh lên ngắm đào sau đó đặt cọc tiền và đến cận tết mới lên cắt mang về. Đặc biệt là những gia đình này đều trồng nhiều đào vì thế năm nay cắt đi, năm sau lại có chứ không hết như các gia đình khác chỉ biết tận thu mà không trồng kế tiếp.

Qua trò chuyện với dân chuyên săn đào rừng tôi cũng được biết nhiều “thợ săn” đào còn phiêu bạt kỳ hồ lên tận Điện Biên, Hà Giang, Lai Châu… xa xôi, bởi ở những nơi đó nguồn đào rừng còn nhiều và giá cả thì rẻ hơn. Tuy vậy, cái bất lợi là đường đất xa xôi nên công xá vận chuyển cũng nhiều… Có những người bỏ công cả tháng ở trên vùng rừng núi để săn đào, tìm hoa và đợi cắt được đào mới trở về xuôi.

Một vốn bốn lời

Được mục sở thị địa chỉ buôn tận gốc và nơi bán tận ngọn là Hà Nội, tôi mới thấy lợi nhuận người buôn đào rừng thu được là khá lớn. Giá mua một cành đào dáng đẹp, được thỏa thuận là 100.000 - 200.000 đồng, nhưng mang về Hà Nội có khi lên tới 2 - 4 triệu đồng. Thực tế đúng là như vậy, khi năm ngoái, nhiều gia đình có nhà rộng, thích vẻ đẹp hoang dã của hoa đào rừng đã mua 1 cành giá lên tới 10 triệu đồng. Các cành đào rừng đẹp có giá 1 đến 2 triệu đồng là bình thường… Như vậy, nếu may mắn chở được một xe đào rừng về xuôi, thương lái đã có một cái tết dư dả.

Mấy năm nay, do đào rừng về xuôi quá nhiều nên các vạt đào rừng ở vùng núi phía Bắc ngày càng thưa thớt. Hiện đào rừng được bà con các dân tộc nhân giống canh tác trên vườn nhà, sườn đồi, bởi giá trị kinh tế của nó cũng cao so với nhiều cây trồng khác, trong khi lại không quá tốn công, vất vả... Chị Lý A Mùa, người Mông ( Mộc Châu, Sơn La), bảo: “Tôi trồng gần trăm gốc đào trên núi, tết nào cũng bán cho người Kinh mang về chơi. Năm ngoái bán được hơn 6 triệu đồng. Năm nay, người ta vừa đặt mua hết và trả trước 3 triệu đồng”.

Khác với những thương lái nhanh chân đi săn đào rừng từ trước tết cả tháng, anh Nguyễn Hà Bắc ở huyện Thường Tín (Hà Nội) lại chưa hề động tĩnh gì. Anh bảo: “Đi mua đào sớm thế này chỉ là tù mù. Tôi thì cứ đợi tới sau ngày 23-12 âm lịch mới khăn gói lên đường. Tôi sẽ lên Lạng Sơn hoặc Cao Bằng, gặp cành đào rừng nào đẹp thì chọn mua. Năm ngoái, chỉ lên có 2 ngày tôi đã gom đủ 300 cành loại đẹp mang về bán hết trước 28 tết, chứ đi gom sớm, chở về sớm đôi khi cũng bất lợi, bởi dân ta giờ cứ đợi sát tết mới mua, chứ ít người chơi sớm... Năm nay, tôi cũng chỉ buôn khoảng 300 cành thôi…”. Tôi hỏi anh Bắc, liệu giá đào rừng năm nay có sốt như năm ngoái, anh khẳng định: “Chắc chắn là không có chuyện sốt giá như năm ngoái vì năm nay diện tích đào vườn đã được mở rộng tại các huyện ngoại thành Hà Nội. Nếu thời tiết không thuận, đào vườn nở sớm thì giá đào rừng cũng chỉ nhích lên đôi chút”.

Vì đường sá xa xôi nên thương lái buôn đào rừng thường chỉ cắt cành gom lên xe ô tô chở về xuôi chứ không mấy ai bứng cả cây để vận chuyển. Tuy nhiên, một số đại gia giàu có, với không gian biệt thự rộng nên đặt hàng hẳn một cây đào rừng nguyên thủy chơi cho sang. Anh Nam cũng gặp hên khi có đơn đặt hàng của một đại gia như thế. Anh kể đã ngắm được một cây và chỉ đợi xem nụ, hoa thế nào, chờ ngày chở về xuôi là thu tiền bạc triệu...

Có cầu ắt có cung, khi những loại hoa chơi tết gần như bão hòa thì vẻ đẹp mong manh của những bông hoa đào rừng khiến nhiều người ưa thích. Nhưng nếu cứ kiểu tàn phá như thế, nếu cứ tận thu như vậy, không trồng mới thì liệu mai này đào rừng Tây Bắc có còn “cười trước gió đông”?

NGUYỄN VĂN TUẤN

Tin cùng chuyên mục