Ngày 20-9, LHQ công bố báo cáo thúc giục các nước gia tăng viện trợ và sớm đạt được thỏa thuận thương mại toàn cầu để hoàn thành 8 mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG). Báo cáo tập trung nhiều nhất vào quan hệ đối tác toàn cầu vì phát triển (MDG8), một mục tiêu được xem là mơ hồ nhất.
Bức bách của thỏa thuận thương mại toàn cầu
MDG8 bao gồm viện trợ, thương mại và tiếp cận các loại dược phẩm thiết yếu giá cả phải chăng. Reuters dẫn phát biểu của Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon ví các MDG vẫn còn là “bức tranh lộn xộn”. Ông cho rằng cách tốt nhất để chuẩn bị cho thời kỳ sau năm 2015 (sau khi hoàn tất các MDG) là chứng minh rằng khi cộng đồng quốc tế cam kết thực hiện đối tác toàn cầu cho phát triển có nghĩa là phải hướng nguồn lực của mình đến nơi cần nhất.
Nhu cầu về thỏa thuận thương mại toàn cầu đang nóng dần trước hội nghị cấp bộ trưởng của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) diễn ra ở Bali, Indonesia vào tháng 12 tới. Các bộ trưởng đang tìm cách khai thông bế tắc các cuộc đàm phán thương mại toàn cầu Doha, được cho là để giúp các nước đang phát triển. Do việc chưa có Doha, hiệp định thương mại khu vực (RTA) đã tăng lên nhanh chóng (274 RTA đang hoạt động và đang xúc tiến thêm nhiều RTA khác), trong đó có Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và thỏa thuận liên kết giữa EU và Mercosur (khối thương mại của Mỹ Latinh). Bản báo cáo LHQ cho rằng kết thúc vòng đàm phán Doha theo đúng chủ trương ban đầu là cách tốt nhất để đảm bảo một vai trò lớn hơn đối với phát triển thương mại, giúp thúc đẩy triển vọng để thực hiện các MDG.
Giảm rào cản, tăng trợ giúp các nước đang phát triển
Cũng theo bản báo cáo của LHQ, với các RTA, nhiều nhà sản xuất tại những nước đang phát triển phải đương đầu với sự cạnh tranh từ các nhà sản xuất được trợ cấp tại những nước phát triển, như trong lĩnh vực nông sản và công nghệ cao. Trong năm 2012, hỗ trợ cho nông dân thông qua Tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển (OECD) lên đến 259 tỷ USD. Một nửa con số này liên quan trực tiếp đến sản xuất, gây nên cạnh tranh không lành mạnh trong thương mại. Đây cũng là cản ngại chính với thỏa thuận thương mại toàn cầu.
Về hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), LHQ một lần nữa kêu gọi các quốc gia tài trợ đảo ngược sự sụt giảm liên tục trong hai năm qua và phải nỗ lực nhiều hơn để đạt được mục tiêu của LHQ đề ra là chiếm 0,7% tổng thu nhập quốc dân (GNI). ODA đã giảm 4% trong năm 2012, còn 125,9 tỷ USD so với 134 tỷ USD vào năm 2011. Viện trợ song phương từ 25 quốc gia trong Ủy ban hỗ trợ phát triển (DAC) thuộc nhóm các nước giàu đến châu Phi cận Sahara đã giảm lần đầu tiên kể từ năm 2007 đến năm 2012, chỉ còn 26,2 tỷ USD. Tổng viện trợ của DAC chỉ tương đương với 0,29% GNI.
Báo cáo cho biết, giá các loại thuốc chữa bệnh thiết yếu ở các nước đang phát triển quá cao nhưng ghi nhận sự tiến bộ trong việc tiếp cận các loại thuốc để điều trị HIV và AIDS, cũng như gia tăng các loại thuốc thiết yếu sản xuất tại nước khác. Thuốc chữa bệnh thiết yếu vẫn không đầy đủ tại các nước đang phát triển, đặc biệt là ở các nước thu nhập thấp. Theo báo cáo, các loại thuốc này chỉ có sẵn tại 57% cơ sở y tế công và 65% các cơ sở y tế tư nhân trong năm 2012.
Giá thuốc tại các nước có thu nhập thấp lại cao hơn so với giá tham khảo quốc tế gấp 3 lần tại các cơ sở y tế công và gấp 5 lần tại các cơ sở y tế tư nhân. Báo cáo khuyến khích các công ty dược phẩm nên sản xuất các loại thuốc thiết yếu với giá cả phải chăng hơn và phát triển các loại thuốc mới.
THỤY VŨ (tổng hợp)