Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 21: Không ưu ái phim Nhà nước đặt hàng

Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Tạ Quang Đông khẳng định, chất lượng nghệ thuật sẽ được đặt lên hàng đầu và không có việc ưu ái dành cho phim nhà nước đặt hàng.
Tháng năm rực rỡ, một trong những phim có doanh thu cao của năm 2019, là ứng viên nặng ký của LHP Việt Nam lần thứ 21
Tháng năm rực rỡ, một trong những phim có doanh thu cao của năm 2019, là ứng viên nặng ký của LHP Việt Nam lần thứ 21

Ngày 14-11, tại Hà Nội, Bộ VH-TT-DL đã họp báo về Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 21 (LHP) diễn ra từ 23 đến 27-11 tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Sau nhiều kỳ vắng mặt, LHP năm nay đã xuất hiện trở lại dòng phim do Nhà nước đặt hàng. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Tạ Quang Đông khẳng định, chất lượng nghệ thuật sẽ được đặt lên hàng đầu và không có việc ưu ái dành cho phim nhà nước đặt hàng.

Với khẩu hiệu “Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam dân tộc, nhân văn, sáng tạo và hội nhập”, LHP là sự kiện nhằm biểu dương, giới thiệu đến công chúng các tác phẩm điện ảnh Việt Nam đậm bản sắc dân tộc, giàu tính nhân văn, có dấu ấn sáng tạo, đồng thời vinh danh các nghệ sĩ điện ảnh có thành quả nghệ thuật nổi bật trong 2 năm qua. Trong tổng số 74 tác phẩm tranh giải Bông sen vàng năm nay có 16 phim truyện thuộc hạng mục phim truyện điện ảnh, 29 phim tài liệu, 9 phim khoa học và 20 phim hoạt hình. Chia sẻ với báo chí, ông Tạ Quang Đông cho biết, theo điều lệ của LHP, những phim được cấp phép phát hành đều có quyền tham dự và 16 phim tham tranh tài trong hạng mục phim truyện điện ảnh đều là phim có sự nổi trội về nghệ thuật, doanh thu. 

Danh sách 16 phim truyện điện ảnh so với số lượng gần 70 phim được sản xuất và ra rạp trong 2 năm 2018-2019 không phải là nhiều, nhưng đây là mùa giải có sự xuất hiện trở lại của 4 bộ phim do Nhà nước đặt hàng và tài trợ, sau một mùa sen vàng vắng bóng. Trong số những phim còn lại, có nhiều ứng cử viên nặng ký từng oanh tạc doanh thu phòng vé Việt nửa đầu năm 2019 như: Cua lại vợ bầu (191,8 tỷ đồng), Hai Phượng (200 tỷ đồng), Lật mặt: Nhà có khách (117 tỷ đồng), Tháng năm rực rỡ (84 tỷ đồng)… hay những tác phẩm được giới chuyên môn đánh giá cao như: Song Lang, Người bất tử… Vì thế, nếu không có sự “ưu ái”, phân biệt giữa phim tư nhân và phim do Nhà nước tài trợ và đặt hàng thì cuộc cạnh tranh giải thưởng Bông sen vàng sẽ khá thú vị.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông khẳng định, sẽ không có chuyện trao giải Bông sen vàng bằng mọi giá. “Nếu như không tìm được phim thực sự xuất sắc thì cũng không trao giải Bông sen vàng”, ông khẳng định.

Cũng theo ban tổ chức, bên cạnh các hoạt động trình chiếu, giao lưu giữa khán giả và các đoàn làm phim, sẽ có 2 cuộc hội thảo: “Bối cảnh quay phim tại Việt Nam” và “Nâng cao chất lượng điện ảnh Việt Nam trong hội nhập quốc tế” nhằm giúp các nghệ sĩ, nhà quản lý và công chúng hiểu thêm về điện ảnh Việt Nam ở thời điểm hiện tại, cũng như nhìn nhận những nền tảng, cơ hội và cả thách thức trong việc hội nhập với sân chơi điện ảnh quốc tế. Thành phần ban giám khảo của LHP mặc dù đã được đăng tải rõ ràng trên cổng thông tin của Bộ VH-TT-DL nhưng cũng không được chính thức xác nhận. Lý do Thứ trưởng Tạ Quang Đông đưa ra là “tránh gây áp lực cho giám khảo”. Thông tin về chương trình khai mạc, bế mạc - 2 sự kiện được đón đợi của mỗi kỳ LHP - cũng được giữ kín và chỉ được thông báo sẽ do VOV thực hiện. 

Tin cùng chuyên mục