Liên hoan thơ châu Á - Thái Bình Dương lần thứ I : Nhiều thông điệp ý nghĩa

(SGGP).- Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, liên hoan thơ châu Á – Thái Bình Dương sẽ được tổ chức  tại Quảng Ninh với chủ đề: “Vì một châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, hợp tác và phát triển”.

(SGGP).- Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, liên hoan thơ châu Á – Thái Bình Dương sẽ được tổ chức  tại Quảng Ninh với chủ đề: “Vì một châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, hợp tác và phát triển”.

Liên hoan thơ sẽ là sự hội ngộ thi ca của các vùng di sản thế giới, mang đậm nét văn hóa truyền thống độc đáo của mỗi dân tộc trong nước và khu vực, là dịp để các nhà thơ và bạn đọc gặp gỡ, trao đổi. Nơi đây cũng là nơi quần tụ những nhà thơ danh giá trong khu vực, có đóng góp cho sự phát triển thơ ca Việt Nam mà Hội Nhà văn Việt Nam đã biết từ lâu hoặc thông qua sự giới thiệu của các tổ chức thi ca trên thế giới, hay Đại sứ quán các nước tại Việt Nam.

Tới thời điểm này, đã có hơn 80 nhà thơ quốc tế được mời và đăng ký tham dự trong đó có nhiều nhà thơ có tên tuổi trong nước và quốc tế như Kim Jung Hwan, Kim Jae Hong (Hàn Quốc); Ed Tick, ERC Wendy (Mỹ); Jidi Majia, Điền Tiểu Hoa (Trung Quốc)…

Ban tổ chức cho biết, do kinh phí có hạn nên đại biểu trong nước chính thức được mời dự liên hoan sẽ gói gọn khoảng 40-50 người là các nhà thơ trong Hội đồng thơ, các nhà thơ trực tiếp tham gia sự kiện và các nhà thơ đã được Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước.

Dự kiến, Liên hoan thơ châu Á – Thái Bình Dương sẽ được tổ chức từ 1-2 đến 4-2 (từ 11 đến 14 tháng giêng) với nhiều nội dung như dâng hương di tích bài thơ cổ dưới chân núi Bài Thơ của Hoàng đế - thi sĩ Lê Thánh Tông; lễ thả thơ Quảng Ninh lần thứ II; Hội thảo “Thơ ca vì một châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, hợp tác và phát triển”, các chương trình dạ hội thơ...

Hội Nhà văn Việt Nam cũng chuẩn bị một đội ngũ phiên dịch hùng hậu là sinh viên xuất sắc ở Học viện Quan hệ quốc tế và Đại học Ngoại ngữ làm tình nguyện viên, để đảm bảo tất cả các đoàn của các nước đều có phiên dịch. Các nhà văn, nhà thơ có khả năng sử dụng ngoại ngữ tốt như Phan Triều Hải, Di Li, Nguyễn Phan Quế Mai... cũng tham gia vào công tác tổ chức, dịch thuật.

V.Xuân

Tin cùng chuyên mục