Định hướng quản trị
Phát biểu chủ trì cuộc họp với tư cách Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an LHQ trong tháng 7-2023, Ngoại trưởng Anh James Cleverly cho rằng, AI sẽ thay đổi căn bản mọi khía cạnh trong đời sống, như hỗ trợ con người giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển các nền kinh tế.
Tuy nhiên, theo Ngoại trưởng Cleverly, AI cũng có thể bị lợi dụng để lan truyền những thông tin sai lệch và trở thành công cụ phục vụ cho các phần tử bạo lực, tăng cường hoặc phá vỡ sự ổn định chiến lược toàn cầu.
Tương tự, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nhận xét, AI ngày càng phổ biến trong các lĩnh vực đời sống. Việc sử dụng loại công nghệ này mang tới nhiều lợi ích như giúp xóa đói giảm nghèo hoặc chữa bệnh ung thư, song cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cộng đồng thế giới.
Ông Antonio Guterres bày tỏ sự ủng hộ đối với lời kêu gọi của một số nước về việc LHQ sẽ thành lập một cơ quan mới nhằm hỗ trợ các nỗ lực tập thể trong việc quản trị công nghệ có sức mạnh đặc biệt vượt trội này. Dự kiến, cơ quan mới này có thể được thành lập theo mô hình các cơ quan trực thuộc LHQ hiện nay như Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (IACO) hay Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC).
Trong khi đó, Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Trương Quân mô tả AI là “con dao hai lưỡi”, đồng thời khẳng định Bắc Kinh ủng hộ vai trò trung tâm của LHQ trong việc xây dựng các nguyên tắc sử dụng AI, nhằm ngăn chặn nguy cơ công nghệ này trở thành “con ngựa bất kham”.
Cuộc họp về AI tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc |
Phó Đại sứ Mỹ tại LHQ Jeffrey DeLaurentis cho rằng, các quốc gia cần hợp tác cùng nhau trong các nỗ lực quản lý AI và các công nghệ mới nổi khác, nhằm giải quyết các vấn đề về quyền con người, những nguy cơ đe dọa hòa bình và an ninh.
Tác động tới người lao động
Trước đó, trong Báo cáo triển vọng việc làm 2023, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã cảnh báo các quốc gia giàu có nhất trên thế giới phải khẩn trương chuẩn bị cho tác động của cuộc cách mạng AI đang diễn ra sôi động, có thể tạo ra những việc làm mới trong khi khiến một số việc làm trở nên lỗi thời.
Theo OECD, các nền kinh tế OECD có thể đang cận kề cuộc cách mạng AI. OECD đánh giá, dù có nhiều lợi ích tiềm năng nhưng AI cũng gây ra những nguy cơ đáng kể cần được quan tâm sớm.
Tổ chức quốc tế có 38 nền kinh tế thành viên này cho rằng, cần tập hợp thêm nhiều dữ liệu về tình hình phát triển AI và ứng dụng công nghệ này trong lực lượng lao động; có các thông tin như việc làm nào sẽ thay đổi, được tạo ra hay mất đi và những kỹ năng cần thiết cho quá trình chuyển đổi.
Theo đó, những công việc có nguy cơ cao nhất bị thay thế khi AI được ứng dụng chiếm 27% số đầu việc. Việc sử dụng AI cũng gây ra một số thách thức đạo đức nghiêm trọng liên quan vấn đề bảo vệ và bảo mật dữ liệu, minh bạch và giải trình, phân biệt và thiên vị, quy trình đưa ra quyết định tự động và quy trách nhiệm.