Từ nhiều năm qua, TPHCM đặc biệt chú trọng đến việc hợp tác, kết nối với các tỉnh, thành để tăng cường phối hợp đầu tư, tạo nguồn hàng ổn định cung ứng cho thị trường TP. Đặc biệt, trong bối cảnh 2 năm gần đây, an toàn vệ sinh thực phẩm đã trở thành vấn đề quan tâm của toàn xã hội, bởi lẽ giờ đây bên cạnh việc ăn ngon, người dân còn đòi hỏi nhu cầu được ăn những sản phẩm sạch. Hơn lúc nào, việc thực hiện sản xuất theo chuỗi cung ứng các mặt hàng thực phẩm thiết yếu được nhiều DN xác định là mục tiêu quan trọng hàng đầu để DN tồn tại và phát triển trong thời kỳ mới.
Nói cách khác, liên kết chuỗi trong cung ứng nông sản là con đường tất yếu, đưa lại sự sản xuất và tiêu thụ ổn định, từng bước nâng cao chất lượng và uy tín của các mặt hàng trên thị trường nội địa và xuất khẩu.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng và triển khai thực hiện mối liên kết giữa các bên, ngay từ năm 2002, Chính phủ đã ban hành Quyết định 80 với nội dung khuyến khích thực hiện mô hình liên kết “bốn nhà”. Theo thời gian, chúng ta còn thực hiện mô hình liên kết cung ứng trong sản xuất cá tra; mô hình liên kết cung ứng trong sản xuất lúa gạo; mô hình liên kết với DN và nông dân sản xuất nguyên liệu chè; mô hình liên kết trong sản xuất cà phê… Trên thực tế, việc triển khai liên kết theo chuỗi không hề đơn giản và chưa phát huy tốt hiệu quả.
Tổng giám đốc một công ty chế biến hàng đầu VN cho biết, là một DN sản xuất và chế biến thì công ty không thể tự đi nuôi heo được mà phải thực hiện ứng vốn, liên kết chặt chẽ với các vệ tinh, các trang trại để ổn định đầu vào. Tuy nhiên, không phải chủ trại nào cũng có tầm nhìn chiến lược trong hợp tác làm ăn lâu dài.
“Chúng tôi đã từng dở khóc dở cười vì một số đối tác đã không thực hiện đúng như hợp đồng. Trước khi hợp tác, công ty đều phải ứng trước một phần vốn, cung cấp thức ăn, hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi và mua lại sản phẩm với giá thị trường… Nhưng trong trường hợp thị trường hút hàng, tăng giá là họ sẵn sàng “đạp đổ” mọi thứ để chạy theo lợi nhuận. Thậm chí, có không ít lần công ty phải cử nhân viên đến các chuồng, trại để canh chừng đàn heo vì sợ họ bán mất!” - vị tổng giám đốc kể.
Trên bình diện rộng, nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta chưa thực hiện tốt việc liên kết chuỗi vì những nguyên nhân sau: thứ nhất, quy mô sản xuất, chăn nuôi trong nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa tạo ra được sản phẩm mang tính hàng hóa khiến cho việc thực hiện liên kết rất khó khăn. Thứ hai, chưa xác định đúng, đủ và hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan trong chuỗi làm cơ sở để phát triển sản xuất. Một khi chưa nhìn nhận đầy đủ các yếu tố tham gia vào chuỗi liên kết một cách khách quan thì khó có thể tạo ra sự liên kết chặt chẽ giữa các bên. Thứ ba, đến nay chúng ta vẫn chưa có được một hệ thống chính sách đầy đủ và đồng bộ để thực hiện các chuỗi liên kết cung ứng nông sản, nhất là thiếu một chiến lược dài hạn để phát triển và bền vững.
Một chuỗi cung ứng thực phẩm về cơ bản bao gồm các khâu sản xuất (gồm cả giống, thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi); chế biến; phân phối (bán buôn, bán lẻ). Để thực hiện chủ trương liên kết chuỗi đạt hiệu quả, vấn đề đặt ra hiện nay là cần xác định đầy đủ và quan trọng hơn là hài hòa được lợi ích của tất cả các bên liên quan trong chuỗi liên kết cung ứng nông sản. Đây là vấn đề mấu chốt trong việc hình thành các chuỗi liên kết trong điều kiện hiện tại. Cần nâng cao nhận thức về quyền lợi và lợi ích của các bên liên quan tham gia vào chuỗi, nhất là nhận thức của người nông dân sản xuất nguyên liệu và DN chế biến, tiêu thụ sản phẩm hướng đến sự phát triển bền vững.
Cuối cùng và điều quan trọng nhất là vai trò của nhà nước trong việc định hướng xây dựng và triển khai chuỗi. Đặc biệt cần chiến lược dài hạn để phát triển bền vững trong mối tương quan lợi ích của DN và người sản xuất, rộng hơn là sự cạnh tranh các mặt hàng nông sản chủ lực của VN trên các thị trường.
THÚY HẢI