Chương trình Hợp tác thương mại (CTHTTM) giữa TPHCM và 20 tỉnh, thành Đông và Tây Nam bộ (giai đoạn 2011-2015) được xem là chương trình hợp tác chuyên ngành đầu tiên của thành phố trong lĩnh vực thương mại, nhằm thiết lập mối quan hệ, xác định thế mạnh, tiềm năng và hỗ trợ nhau giữa các địa phương. Sau 5 năm thực hiện đã có hàng chục dự án hợp tác giữa doanh nghiệp TPHCM và các tỉnh, thành được triển khai thành công, mang lại hiệu quả thiết thực, tạo sự lan tỏa đến nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Người dân mua hàng tại siêu thị ở TPHCM
27.428 tỷ đồng thực hiện 75 dự án đầu tư
Ngày 12-12-2011, Sở Công thương TPHCM đã ký bản thỏa thuận CTHTTM với Sở Công thương 7 tỉnh miền Đông và 13 tỉnh, thành miền Tây Nam bộ. Nội dung của chương trình gói gọn trong các nội dung như thường xuyên trao đổi thông tin về tình hình cung cầu hàng hóa, giá cả thị trường, nguồn cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, kinh nghiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại, quy hoạch phát triển hệ thống phân phối, công tác xúc tiến thương mại, cải cách hành chính. Đồng thời, các địa phương xác định tiềm năng, thế mạnh của mình, đưa ra nhiều cơ chế, chính sách thu hút, mời gọi đầu tư, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp (DN) phát triển sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh phát triển hệ thống phân phối, mở rộng trang trại, nhà xưởng, cơ sở sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa đảm bảo, đạt chất lượng VietGAP, GlobalGAP, ISO, HACCP, phối hợp triển khai nhiều giải pháp liên kết tiêu thụ hàng hóa nông sản cho bà con nông dân.
Kết quả, chỉ sau 5 năm, chương trình đã thực hiện 75 dự án đầu tư sản xuất, liên kết đầu tư với tổng vốn 27.428 tỷ đồng, gồm các dự án nuôi trồng, chế biến thực phẩm, xây dựng nhà máy, trang trại, trung tâm thương mại, siêu thị… Trong đó, việc liên kết cung ứng vốn cho nông dân chăn nuôi, phát triển trang trại rau sạch đạt khoảng 2.500 tỷ đồng.
Có thể kể đến các dự án điển hình như Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TPHCM (Saigon Co.op) đầu tư 4 trung tâm phân phối, kho lưu trữ tại các tỉnh Bình Dương, Hậu Giang và Bắc Ninh với tổng diện tích 60.000m², đảm bảo hàng hóa cung ứng cho nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng. Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn đưa vào hoạt động kho lạnh hiện đại tại chợ đầu mối Bình Điền với tổng diện tích 11.000m², công suất chứa 21.000 tấn hàng hóa. Công ty TNHH Ba Huân đầu tư 390 tỷ đồng xây dựng Nhà máy Thực phẩm Đức Hòa (Long An), đầu tư 180 tỷ đồng cho Nhà máy Xử lý và chế biến trứng gia cầm công nghệ cao tại Hà Nội. Công ty Vinamilk đầu tư và đưa vào hoạt động 2 nhà máy sản xuất sữa hiện đại đặt tại tỉnh Bình Dương, với tổng vốn 4.600 tỷ đồng. Công ty Sữa Nutifood đầu tư 700 tỷ đồng xây dựng 2 nhà máy chế biến sữa tại tỉnh Gia Lai và Hưng Yên…
Trong khuôn khổ của chương trình hợp tác, các DN tham gia Chương trình Bình ổn thị trường (CTBOTT) của TP đã đầu tư 38 nhà máy, cơ sở sản xuất; 54 trang trại, cụm trang trại nuôi trồng; 53 siêu thị, trung tâm thương mại; 55 cửa hàng chuyên doanh tại các tỉnh, thành Đông và Tây Nam bộ, với tổng vốn đầu tư trên 14.000 tỷ đồng. Ngoài ra, 3 chợ đầu mối của TPHCM cũng tiếp nhận bình quân mỗi ngày khoảng 8.000 tấn hàng nông sản, thực phẩm từ các tỉnh, thành nêu trên.
Ưu tiên hỗ trợ hàng nông sản
Theo nhận định của Sở Công thương TPHCM, việc liên kết đầu tư, phát triển sản xuất tại các tỉnh, thành trong 5 năm qua đã giúp DN thành phố chủ động hơn trong việc tạo nguồn nguyên liệu, hàng hóa, kiểm soát chất lượng, ổn định giá cả thị trường, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.
Trên tinh thần đó, tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện CTHTTM giữa TPHCM và 20 tỉnh, thành Đông và Tây Nam bộ, tổ chức ngày 22-3 vừa qua, Sở Công thương TPHCM tiếp tục phối hợp với sở công thương các địa phương ký kết Chương trình Hợp tác Công thương giai đoạn 2016 - 2020. Mục tiêu chính trong giai đoạn này, tiếp tục đẩy mạnh công tác trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực công thương, thông tin thị trường, tìm hiểu tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, các mặt hàng, thế mạnh của từng địa phương; tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện CTHTTM, thông qua triển khai hiệu quả CTBOTT và Chương trình kết nối cung cầu hàng hóa tại mỗi địa phương; tạo điều kiện cho DN TPHCM và các tỉnh, thành gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội hợp tác, mở rộng sản xuất kinh doanh, hướng tới mở rộng tiêu thụ hàng hoá, xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp, tiêu dùng, gia dụng như may mặc, nhựa…
Trong giai đoạn này, chương trình sẽ tập trung ưu tiên hỗ trợ các mặt hàng nông sản, đặc sản tiêu chuẩn an toàn thực phẩm theo quy trình VietGAP, GlobalGAP. Hướng đến xây dựng thương hiệu các mặt hàng nông sản, đặc sản từng địa phương, vùng, miền nhằm phục vụ tốt hơn cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Kết nối các ngân hàng tại TPHCM với các tỉnh, thành. Trong đó, trọng tâm kết nối 3 bên: Ngân hàng - DNBOTT - Chuỗi cung ứng BOTT tại các địa phương nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DN, các bên đầu tư, xây dựng vùng nguyên liệu, tạo nguồn hàng. Gắn kết các tỉnh, thành về phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu (chế biến lương thực thực phẩm, hóa chất, cao su - nhựa, cơ khí chế tạo và điện tử - công nghệ thông tin) và công nghiệp hỗ trợ; phát triển nguồn nhân lực liên kết vùng xây dựng nhà máy sản xuất nguyên vật liệu chuyên dụng theo hướng quy hoạch chuyên ngành phục vụ cho công nghiệp phụ trợ thông qua các hội nghị kích cầu, kết nối ngân hàng - DN, kết nối cung cầu vật liệu - linh kiện…
Thay mặt lãnh đạo UBND TPHCM, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa nhìn nhận, để thực hiện hiệu quả các cam kết, Sở Công thương TPHCM cần tích cực phối hợp sở công thương các tỉnh, thành tập trung thực hiện một số nội dung trọng điểm. Thứ nhất, đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung - cầu hàng hóa, hướng đến xây dựng chuỗi cung ứng tối ưu, xây dựng thương hiệu, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, trong đó ưu tiên hàng nông sản, đặc sản. Thứ hai, tăng cường phối hợp thực hiện CTBOTT, kịp thời cập nhật, chia sẻ thông tin, điều phối hàng hóa, phối hợp xử lý biến động thị trường. Thứ ba, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN liên kết đầu tư sản xuất, kinh doanh, trọng tâm là phát triển hệ thống phân phối, xây dựng vùng nguyên liệu. Cuối cùng là tăng cường phối hợp, kiểm tra, kiểm soát hàng hóa lưu thông giữa các địa phương, chống buôn lậu và gian lận thương mại, đảm bảo an toàn thực phẩm và thúc đẩy hoạt động sơ chế tại nguồn đối với hàng nông sản.
Theo đồng chíh Lê Văn Khoa, chặng đường 5 năm của CTHTTM không phải là dài, nhưng đó là chặng đường của tâm huyết, sáng tạo, sự đồng lòng, chung sức hợp tác giữa các tỉnh, thành. CTHTTM và hoạt động kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TPHCM và các tỉnh, thành là công cụ thực hiện có hiệu quả vai trò của nhà nước trong lĩnh vực thương mại và xúc tiến thương mại, vì lợi ích chung của các địa phương.
| |
NHUNG NGUYỄN - HẢI HÀ