Liên kết để ra khơi

Với ngư trường rộng lớn, đánh bắt xa bờ là thế mạnh của các địa phương ven biển vùng ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung. Thời gian qua, các ngành chức năng đã quan tâm đầu tư cho ngư dân phát triển nghề đánh cá trên biển. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên nghề cá phát triển chưa như mong muốn.
Liên kết để ra khơi

Với ngư trường rộng lớn, đánh bắt xa bờ là thế mạnh của các địa phương ven biển vùng ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung. Thời gian qua, các ngành chức năng đã quan tâm đầu tư cho ngư dân phát triển nghề đánh cá trên biển. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên nghề cá phát triển chưa như mong muốn.

Trúng thất… bất thường

Là một thuyền trưởng sống trong gia đình có 3 thế hệ hành nghề biển, ông Lê Tấn Cui (47 tuổi, ở thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau), cho biết: “Những năm gần đây, nghề đi biển thu nhập rất thất thường, nhiều khi ra khơi đánh bắt cả tháng dài nhưng doanh thu không đủ chi phí. Nguyên nhân do ngư trường biển Tây trở nên quá tải, nguồn lợi thủy sản giảm mạnh và cũng vì chén cơm manh áo nên không ít chủ tàu mạo hiểm đưa tàu đi khai thác ở những ngư trường mới, thậm chí vào cả vùng biển chồng lấn giữa các quốc gia...”.

Ông Trương Minh Tân, người có thâm niên trong nghề đánh cá ở huyện Đông Hải (Bạc Liêu), trăn trở: “Nghề đi biển bây giờ không còn dễ “ăn” như các năm trước, bởi chi phí cao nhưng nguồn cá bắt được có khi nhiều, khi ít nên chuyện lời lỗ là vô chừng”.

Các tàu đánh cá trên vùng biển Côn Đảo

Các chủ tàu cá ở ĐBSCL cho biết, tùy theo loại hình đánh bắt khác nhau nên chi phí cho mỗi chuyến ra khơi cũng khác nhau. Đối với tàu đi đánh bắt xa bờ, hiện chi phí thấp nhất là câu mực; kế đến là lưới đèn, lưới vây và chi phí cao nhất là cào đôi.

Ông Lê Quốc Tài, chủ nhiều cặp cào đôi ở TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, tính toán: “Một cặp cào đôi chi phí cho mỗi chuyến ra khơi trong vòng 1 tháng phải tốn từ 700 - 800 triệu đồng. Trong đó, nhiều nhất là tiền dầu (khoảng 35.000 lít), kế đến là nước đá (từ 3.000 - 3.500 cây)… Để tiết kiệm chi phí, khi đánh đầy cá thì các chủ tàu kêu tàu khác ra chi viện dầu, thực phẩm và tải cá vào bờ, còn các cặp cào đôi tiếp tục ở lại ngư trường đánh bắt thêm 3 - 4 tháng nữa mới vào đất liền”.

Hỗ trợ ngư dân bám biển

Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau cho biết, đánh bắt thủy hải sản xa bờ rất được tỉnh quan tâm. Toàn tỉnh hiện có khoảng 5.000 tàu cá lớn nhỏ, sản lượng khai thác thủy hải sản hàng năm hơn 150.000 tấn. Về cơ bản tỉnh khuyến khích phát triển đánh bắt xa bờ nhưng luôn cảnh báo ngư dân về những vùng biển chồng lấn, nguy hiểm không nên tự ý đến khai thác. Bên cạnh việc bảo vệ an toàn cho ngư dân, tới đây cũng cần tính toán các giải pháp để tiết giảm chi phí của mỗi chuyến ra khơi nhằm giúp ngư dân khai thác có hiệu quả.

Thu mua cá từ các tàu ở huyện đảo Kiên Hải - Kiên Giang

Ông Bùi Minh Túy, Chủ tịch UBND huyện Đông Hải (Bạc Liêu), bộc bạch: “Để các tàu hoạt động hiệu quả, huyện đã xúc tiến thành lập các tổ liên kết, tổ an ninh trật tự trên biển… và giao công an huyện tổ chức, hỗ trợ ngư dân. Các tổ này có nhiệm vụ tương trợ, giúp đỡ nhau trong mỗi chuyến ra khơi”.

Các chủ tàu cá ở ĐBSCL cho biết, nếu như ngày trước khi đánh cá xong thì các tàu đều chạy vào bờ để bán, nay nhiều tàu liên kết lại và giao cho 1 tàu làm đại diện chuyển cá đi bán, các tàu khác tiếp tục đánh bắt. Như vậy vừa giảm chi phí, vừa không mất thời gian. Ông Lê Quốc Tài, ở TP Rạch Giá (Kiên Giang) nhìn nhận, để giảm chi phí và giảm rủi ro khi đánh bắt trên biển thì việc liên kết lại với nhau là giải pháp tối ưu. Do đó, các chủ tàu nên hợp tác để đi thành một đội từ 4 - 6 tàu và sẵn sàng tương trợ lẫn nhau khi gặp tình huống xấu. Bởi giữa biển khơi mênh mông, nếu đánh bắt riêng lẻ và gặp những tình huống bất ngờ sẽ không ứng phó kịp.

Theo sở NN-PTNT các tỉnh ven biển ở ĐBSCL, cùng với phát triển mô hình liên kết để đánh cá trên biển, tới đây sẽ phối hợp chặt chẽ hơn với 4 lực lượng gồm: Kiểm ngư, Biên phòng, Cảnh sát biển và Hải quân nhằm tăng cường quản lý và bảo vệ ngư dân, ngư trường. Trong đó, Kiểm ngư và Biên phòng sẽ quản lý và tuần tra tuyến gần bờ, những tàu thuyền không trang bị phương tiện đầy đủ sẽ không được ra khơi; lực lượng Cảnh sát biển và Hải quân đẩy mạnh tuần tra các vùng giáp ranh để vừa bảo vệ, vừa hỗ trợ ngư dân bám biển.

Ông Đỗ Chí Sĩ, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Cà Mau, cho biết: “Ngư trường biển Tây hiện đã quá tải, bởi nơi đây không chỉ đội tàu của tỉnh Kiên Giang và Cà Mau mà còn nhiều tàu của các tỉnh khác đến khai thác. Điều đáng nói, có nhiều tàu khai thác kiểu tận thu như cào bay, rồi tình trạng ô nhiễm môi trường, quản lý chưa tốt… dẫn đến nguồn lợi thủy sản giảm mạnh và dần cạn kiệt. Những vấn đề này cần được quan tâm nhiều hơn trong thời gian tới nhằm phát triển bền vững nghề đánh bắt xa bờ”.

HUỲNH LỢI - NGỌC CHÁNH

Tin cùng chuyên mục