Tỉnh Đồng Tháp có diện tích trồng xoài lớn nhất khu vực ĐBSCL với hơn 9.000ha, sản lượng xoài mỗi năm trên 75.000 tấn. Huyện Cao Lãnh và TP Cao Lãnh được xem là “thủ phủ” xoài với diện tích gần 6.000ha. Trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh cũng đã xác định xoài là một trong những ngành hàng chủ lực để tái cơ cấu.
Theo báo cáo của ngành nông nghiệp, sau 1 năm tái cơ cấu ngành hàng này, tỉnh đã xây dựng mô hình canh tác xoài an toàn, mô hình sản xuất xoài rải vụ với tổng diện tích là 50ha, hỗ trợ 40% chi phí bao trái xoài cho 100ha, qua đó tiết kiệm 6-8 lần phun xịt thuốc bảo vệ thực vật với giá trị 5,6 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, việc kết nối các doanh nghiệp nước ngoài đến khảo sát, nghiên cứu và hợp tác tiêu thụ xoài đang được ngành quan tâm thực hiện. Với kết quả trên cho thấy, ngành hàng xoài hiện chưa có sự chuyển biến nhiều, nhất là việc tổ chức lại sản xuất, tăng quy mô và liên kết tiêu thụ. Để “khơi thông” điểm nghẽn này, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dương vừa có buổi gặp gỡ, tiếp xúc với các hộ trồng xoài trên địa bàn huyện Cao Lãnh, TP Cao Lãnh và các chủ vựa, doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ xoài để tìm giải pháp phát triển bền vững ngành hàng này theo định hướng Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp đề ra.
Tình trạng “mạnh ai nấy làm”, không liên kết, không sản xuất theo quy trình, làm manh mún, nhỏ lẻ dẫn đến sản phẩm không đạt chất lượng, không đủ cung ứng cho doanh nghiệp theo hợp đồng, khó tiêu thụ, giá bán bấp bênh v.v... là những “cái khó” đã tồn tại nhiều năm và trong buổi gặp gỡ với lãnh đạo tỉnh, nhiều nông dân đã mạnh dạn nhìn nhận.
Nhược điểm của nhà vườn trồng xoài hiện nay, đó là thói quen bán xoài “giũ đệm” (bán không phân loại), trong khi đó, doanh nghiệp nước ngoài chỉ chọn xoài có mẫu mã đẹp để xuất khẩu. Ngoài ra, nhà vườn chưa mạnh dạn ký kết hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp thu mua xoài. “Nếu nhà vườn đoàn kết lại, cùng nhau làm ra những trái xoài đẹp, ngon, chất lượng thì việc tiêu thụ xoài sẽ không khó”, ông Huỳnh Thanh Bá, Phó Giám đốc Hợp tác xã Xoài Mỹ Xương, khẳng định.
Theo nhiều nhà vườn, chính việc nông dân không đồng loạt sản xuất theo hướng an toàn, không liên kết lại để có sản lượng lớn nên không thể hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp. Thậm chí có trường hợp nông dân đã thỏa thuận với doanh nghiệp thu mua là cách ly thuốc bảo vệ thực vật đúng thời gian quy định nhưng đến gần ngày thu hoạch lại sợ sản lượng không cao nên bón thêm phân, phun thêm thuốc. Khi doanh nghiệp kiểm tra lại chất lượng thì không đạt. Theo nhiều nông dân khác, mặc dù biết là trồng xoài theo hướng an toàn thì giá bán cao hơn nhưng chủ vườn kế bên không làm cũng đành “bó tay”. Bên cạnh đó, các chủ vựa thu mua xoài hiện nay cũng không yêu cầu xoài phải đạt chất lượng như thế nào, thậm chí lúc nhu cầu thị trường cần nhiều thì xoài chưa đạt độ già, mẫu mã không đẹp họ vẫn mua. Chính sự không đồng nhất này đã gây khó khăn cho nông dân.
Ghi nhận ý kiến của nhà vườn, vựa thu mua và doanh nghiệp tại buổi gặp gỡ, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương chỉ đạo ngành nông nghiệp nghiên cứu giải pháp phát triển ngành hàng xoài; đồng thời nhấn mạnh, chính quyền có vai trò kết nối doanh nghiệp với nông dân, tổ hợp tác và hợp tác xã trong việc liên kết tiêu thụ, nhân tố quan trọng đó là các nhà vườn phải liên kết lại với nhau trong sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng trái, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, đơn vị thu mua, có như vậy, ngành hàng xoài mới phát triển bền vững.
ÁNH NGUYỆT