Liên kết nâng cao an toàn thực phẩm

Trong năm 2018, nhiều doanh nghiệp đã liên kết với nhà sản xuất để kiểm soát chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP). Nhờ vậy, cơ quan chức năng cũng thuận tiện trong việc giám sát; đồng thời hạn chế thực phẩm “bẩn” ra thị trường. Năm 2019, nhằm đẩy mạnh công tác ATTP, chính quyền nhiều tăng cường các chính sách phù hợp, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất…
Hàng năm, UBMTTQVN TPHCM tổ chức đoàn khảo sát, kiểm tra an toàn thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp
Hàng năm, UBMTTQVN TPHCM tổ chức đoàn khảo sát, kiểm tra an toàn thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp

Thực hiện theo chuỗi

Sản xuất nông nghiệp tại TPHCM chỉ đáp ứng khoảng 20% - 30% nhu cầu thực phẩm của người dân trên địa bàn, phần còn lại phải đưa từ các tỉnh về. Theo Ban quản lý ATTP TPHCM, trung bình hàng năm thành phố tiêu thụ khoảng 825.000 tấn gạo, 330.000 tấn thịt các loại, thủy sản trên 450.000 tấn, nông sản các loại 1.800.000 - 1.900.000 tấn, trứng gia cầm 900 triệu quả.

Nhận thức được tầm quan trọng về ATTP, Ban quản lý ATTP TPHCM đã phối hợp chặt chẽ với nhiều tỉnh thành khác trong việc cung ứng, tạo nguồn thực phẩm cho thành phố, không chỉ về số lượng mà cả chất lượng. Thực phẩm phải kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất ban đầu đến khâu sơ chế, chế biến, kinh doanh và truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ. Đến nay, Ban quản lý ATTP TPHCM đã cấp 369 giấy chứng nhận cho 230 trang trại, cơ sở sản xuất, sơ chế, kinh doanh vào chuỗi trên địa bàn thành phố.

Song song đó, TPHCM đã xây dựng được các mô hình, đạt hiệu quả tốt trong công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn như chương trình gắn kết thu mua sản phẩm, xây dựng và mở rộng các mô hình sản xuất theo quy trình thực hành sản xuất tốt; kết nối tiêu thụ sản phẩm trong “chuỗi thực phẩm an toàn” đến các siêu thị, cửa hàng kinh doanh sản phẩm an toàn; xây dựng chợ truyền thống đạt tiêu chí ATTP… Tuy nhiên, vẫn còn một số mặt hạn chế khi sản xuất, chế biến thực phẩm vẫn chủ yếu là nhỏ lẻ, manh mún nên phần lớn trang thiết bị, nhà xưởng không đảm bảo điều kiện ATTP.

Là “thủ phủ” nông sản cung cấp cho nhiều địa phương lân cận, theo Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, nhờ hỗ trợ từ nhiều sở ngành mà nông dân đã liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi khép kín từ sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo tiêu chuẩn ATTP đáp ứng nhiều thị trường. Tính hết năm 2018, toàn tỉnh có 125 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản với sự tham gia của 75 doanh nghiệp; 40 hợp tác xã (HTX); 42 tổ hợp tác, cơ sở nhỏ lẻ và 33.027 hộ cam kết sản xuất nông nghiệp đảm bảo ATTP; sản xuất được chứng nhận theo VietGAP, GlobalGAP khoảng 59.127ha; 4 vùng chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP với 718 hộ, quy mô 67.882 con heo.

Để người tiêu dùng dễ nhận biết nguồn gốc sản phẩm, tránh tình trạng làm giả thương hiệu nông sản Lâm Đồng, tỉnh đã có 21 đơn vị áp dụng công nghệ tem truy xuất điện tử. Đại diện lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết, nhờ vậy nông sản tiêu thụ tại các siêu thị đã tăng giá trị sản phẩm từ 20% - 25% so với bình thường; đồng thời sản lượng tiêu thụ của các doanh nghiệp có nhãn hiệu chứng nhận tăng 25% - 30% so với khi chưa có. Năm 2019, tỉnh Lâm Đồng tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất an toàn, đảm bảo có trên 98% số mẫu nông sản được phân tích chất lượng, đáp ứng các điều kiện ATTP.

Tiếp tục mở rộng diện tích được chứng nhận theo các tiêu chuẩn an toàn, bền vững lên khoảng 65.000ha; toàn bộ nông sản tiêu thụ qua hợp đồng trong chuỗi đạt 100%. Đến năm 2020, toàn tỉnh xây dựng mới 160 chuỗi liên kết giá trị, năm 2023, xây dựng 200 chuỗi liên kết giá trị, trong đó có ít nhất 70% chuỗi được chứng nhận các tiêu chuẩn về ATTP, đảm bảo 40% diện tích sản xuất nông nghiệp sản xuất theo chuỗi đạt các tiêu chuẩn ATTP và bền vững.

Với địa hình đặc thù chủ yếu nuôi thủy sản, tỉnh Đồng Tháp tập trung giám sát dư lượng các chất độc hại trong sản phẩm, năm qua, cơ quan chức năng đã lấy 403 mẫu thủy sản nuôi để kiểm tra dư lượng hóa chất, kháng sinh; kết quả, xác định 6 mẫu có dư lượng kháng sinh, hóa chất cấm. Đã hỗ trợ 484.848 tem điện tử truy xuất nguồn gốc và quảng bá chuỗi sản xuất kinh doanh ATTP. Nông nghiệp của tỉnh đang áp dụng công nghệ cao nhưng vẫn còn một số hạn chế như trình độ của nông dân sản xuất không đồng đều, thiếu kỹ năng ghi chép; cơ sở sản xuất kinh doanh chủ yếu ở hộ gia đình.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang, tính đến nay có 153.655 cơ sở sản xuất trong tỉnh ký cam kết sản xuất ATTP. Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng, Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang đề xuất, kiến nghị Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Y tế sớm ban hành danh mục các loại chất, hóa chất được phép sử dụng để làm chín trái cây và hướng dẫn thủ tục xuất khẩu trái cây theo đường chính ngạch sang thị trường Trung Quốc và các thị trường khác cho doanh nghiệp.

Mạnh tay với thực phẩm bẩn

Năm 2018, theo Bộ NN-PTNT, toàn ngành nông nghiệp đã kiểm tra theo kế hoạch và kiểm tra đột xuất 70.592 cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp, nông lâm thủy sản; phát hiện 5.223 cơ sở vi phạm và xử phạt vi phạm với số tiền 39,8 tỷ đồng; xác nhận 65.369 cơ sở đạt điều kiện đảm bảo chất lượng ATTP, chiếm tỷ lệ 93%, tăng 10,2% so với tỷ lệ 83,5% năm 2017. Lý giải về vấn đề vẫn còn thực phẩm chưa an toàn, đại diện Bộ NN-PTNT nêu ra các vấn đề tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý chất lượng như chậm hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong công tác quản lý, kiểm soát chất lượng, ATTP...

TPHCM có 170 cơ sở kinh doanh sản phẩm chuỗi

Theo Ban quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) TPHCM, tính đến hết năm 2018, TPHCM có 170 cơ sở kinh doanh được quản lý theo chuỗi thực phẩm an toàn và kết nối tiêu thụ sản phẩm tại các siêu thị, cửa hàng kinh doanh sản phẩm an toàn trên địa bàn.

Bên cạnh đó, đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo đã tổ chức kiểm soát, quản lý từ khi heo được xuất bán tại 1.532 trang trại và vận chuyển đến 48 cơ sở giết mổ, kinh doanh tại các chợ đầu mối, 520 siêu thị và cửa hàng kinh doanh, 23 chợ lẻ. Đối với đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt gia cầm đã kiểm soát 54 trang trại gà giống, 674 trang trại gà lấy thịt; 24 cơ sở giết mổ, đóng gói, 1.749 điểm bán tại chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, nhà hàng, bếp ăn. Với đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc trứng gia cầm kiểm soát, đã quản lý 673 trang trại; 14 cơ sở xử lý, đóng gói trứng; 1.211 điểm bán tại chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi.

THANH HẢI

Bên cạnh đó, các địa phương không đồng nhất trong tổ chức bộ máy quản lý, kiểm soát chất lượng, nguồn lực chưa đáp ứng để triển khai đầy đủ nhiệm vụ. Tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất kinh doanh rau, quả, thủy sản vẫn còn. Trong nông sản phát hiện 18/1.270 mẫu vi phạm chỉ tiêu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chiếm 1,41%, tăng so với tỷ lệ 0,6% năm 2017; 46/3.018 mẫu thủy sản vi phạm chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh, chiếm 1,5%, tăng so với tỷ lệ 0,89% năm 2017.

Tuy nhiên, có tín hiệu đáng mừng là trong năm 2018, các địa phương đã giám sát chặt chẽ về điều kiện đảm bảo ATTP của cơ sở và nhóm sản phẩm chủ lực. Đơn cử, các mẫu thịt không phát hiện dương tính với chất cấm Salbutamol. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng thành công trong việc tổ chức chuỗi cung ứng nông sản ATTP quy mô lớn như ở các đơn vị: Vingroup, Dabaco, Hùng Nhơn, San Hà, Ba Huân... Liên minh HTX Việt Nam cũng tổ chức hệ thống siêu thị kết nối với hơn 100 HTX nông nghiệp, hình thành các chuỗi cung ứng nông sản ATTP. Bộ NN-PTNT hướng dẫn, giải quyết kịp thời các rào cản kỹ thuật về kiểm dịch và ATTP; duy trì xuất khẩu nông, thủy sản sang các thị trường truyền thống như EU, Hàn Quốc, Trung Quốc... và mở rộng một số sản phẩm sang thị trường Hoa Kỳ... 

Năm 2019, Bộ NN-PTNT phấn đấu tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản đáp ứng quy định đảm bảo ATTP tăng 10% so với năm 2018. Song song đó, tập trung hoàn thiện chính sách, pháp luật theo hướng hài hòa với các quy định, thông lệ quốc tế; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản an toàn; xây dựng, mở rộng các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn nhiều sản phẩm quốc gia, sản phẩm vùng; ứng dụng công nghệ cao, thực hành nông nghiệp tốt; phát triển HTX, liên kết chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản truy xuất được nguồn gốc gắn với xúc tiến thương mại, phát triển thị trường.

Tin cùng chuyên mục