Liên kết tạo chỗ đứng cho hàng Việt

Sau đại dịch, người tiêu dùng Việt ngày càng chú trọng và chọn lựa sản phẩm do doanh nghiệp (DN) Việt sản xuất. Do vậy, những DN quan tâm đến xây dựng thương hiệu cũng như đặt nền móng tại các kênh phân phối sẽ dễ dàng tạo được niềm tin với người tiêu dùng.
Liên kết tăng độ phủ cho hàng Việt trong các kênh phân phối
Liên kết tăng độ phủ cho hàng Việt trong các kênh phân phối

Hàng Việt có thương hiệu được lựa chọn

Theo Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC), kết quả cuộc khảo sát người tiêu dùng bình chọn HVNCLC năm 2022 cho thấy, có trên 40% người mua hàng chú trọng chọn sản phẩm do DN Việt có thương hiệu và uy tín sản xuất. Đáng chú ý, nhu cầu sử dụng các sản phẩm đạt chất lượng, an toàn đối với sức khỏe đang là xu hướng nổi bật, bởi người tiêu dùng ngày càng quan tâm và sẵn sàng chi trả nhiều hơn để mua các sản phẩm đảm bảo “xanh” và “sạch”.

Cũng theo khảo sát, ngoài hệ thống các kênh phân phối hiện đại, kênh phân phối truyền thống như chợ, tiệm tạp hóa chiếm 40% trong việc lựa chọn nơi mua hàng của người tiêu dùng. Đặc biệt, cùng với chọn lựa sản phẩm có thương hiệu, trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, người tiêu dùng có xu hướng chọn lựa sản phẩm của những DN có hoạt động chăm sóc khách hàng, thường xuyên thực hiện các chương trình khuyến mãi, giảm giá.

Từ khảo sát trên có thể thấy, trong giai đoạn phục hồi hậu Covid-19 như hiện nay, nâng sức cạnh tranh cho hàng Việt để những sản phẩm làm ra đủ sức “vượt bão” và cạnh tranh sòng phẳng với hàng nhập, không còn con đường nào khác là phải xây dựng thương hiệu. Cụ thể, bên cạnh việc đa dạng mẫu mã, áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, DN cần xây dựng chỉ dẫn địa lý, logo, nhãn mác. Yêu cầu trước mắt tập trung xây dựng thương hiệu ở các mặt hàng có thế mạnh, có số lượng đủ lớn, ổn định, chất lượng tốt đồng đều, giá bán cạnh tranh. Quan trọng hơn, DN phải chú trọng liên kết để đưa hàng vào các kênh phân phối hiện đại.

Liên kết để nâng tầm hàng Việt

Là DN đã và đang tận dụng hệ thống kênh phân phối hiện đại để tiếp cận người tiêu dùng, đại diện Công ty CP Công nghệ thực phẩm Lương Gia cho biết, để có chỗ dứng trên thị trường, DN đã xây dựng vùng nguyên liệu nhằm kiểm soát chặt từ đầu vào đến quy trình chế biến an toàn, đáp ứng những tiêu chuẩn cao của thị trường nội địa, xuất khẩu. Chăm chút về chất lượng, hoàn thiện về quy trình sản xuất không chưa đủ, DN còn tích cực tham gia các chương trình hội chợ trong nước và quốc tế để quảng bá cho sản phẩm. Nhờ vậy, các sản phẩm của Lương Gia hiện có mặt trên các hệ thống, siêu thị lớn trong nước như: Co.opmart, Co.opXtra, Co.opFood… và được xuất khẩu đến hơn 20 quốc gia trên thế giới.

Thực tế, câu chuyện của Lương Gia chính là cách làm hiện nay của nhiều DN, HTX trên cả nước. Theo đó, nhiều HTX khẳng định, việc xây dựng được chuỗi liên kết từ sản xuất đến toàn bộ các công đoạn khác cũng như quảng bá thương hiệu, tăng độ phủ tại các kênh phân phối hiện đại sẽ giúp sản phẩm được người tiêu dùng chú ý hơn. Bên cạnh đó, nhiều DN cũng khẳng định việc liên tục đưa ra chính sách hậu mãi, khuyến mãi sẽ góp phần giúp sản phẩm duy trì sức hút với người tiêu dùng. Không chỉ khuyến mãi vào dịp lễ, tết như trước đây, các DN hiện đang phối hợp chặt chẽ với nhà phân phối để tổ chức khuyến mãi với tần suất nhiều hơn, quy mô hơn.

Với kinh nghiệm nhiều năm đồng hành và trở thành bệ đỡ cho hàng Việt, đại diện HTX Thương mại TPHCM - Saigon Co.op cho biết, nhà bán lẻ này đã và đang liên kết chặt chẽ với các DN, HTX trên khắp cả nước để tạo chỗ đứng cho sản phẩm thương hiệu Việt. Theo đó, nhiều năm qua, Saigon Co.op luôn ưu tiên mua hàng, bố trí diện tích, vị trí trưng bày, truyền thông, khuyến mại… dành cho hàng Việt. Ngoài ra, Saigon Co.op còn phối hợp với địa phương hỗ trợ vốn, kỹ thuật để DN cung ứng đầu tư sản xuất các mặt hàng chất lượng cao cho hệ thống, liên tục mở rộng mạng lưới phân phối, nhằm đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng Việt mỗi lúc một gần hơn, hiệu quả hơn. “Nhờ sự chủ động tích cực hiện có hơn 80% hàng hóa và dịch vụ thương hiệu Việt được người dân chọn lựa khi mua sắm tại các siêu thị Co.opmart, Co.op Food, Co.opXtra… của Saigon Co.op”, đại diện của Saigon Co.op chia sẻ.

Song song với các hướng phát triển trên, nhiều ý kiến cho rằng, hàng Việt và các DN Việt cần quy trình kinh doanh linh hoạt để có thể liên tục ứng phó với sự thay đổi, đồng thời nhanh chóng phục hồi sau đại dịch. Đặc biệt, DN Việt cần rà soát lại những quy trình hoạt động, loại bỏ quy trình không hiệu quả, cải tổ để các quy trình trong công ty vận hành một cách hiệu quả nhất trong mọi hoàn cảnh.

Tin cùng chuyên mục