(SGGP).- Ngày 3-4, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức hội thảo “Liên kết vùng trong quá trình tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Việt Nam”.
Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, nhận định dù đạt được một số kết quả trong thực hiện chủ trương, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế vùng nhưng vẫn chưa có sự nhận thức đầy đủ phát triển kinh tế vùng như một quy luật tự thân của kinh tế thị trường theo không gian kinh tế. Bên cạnh đó, cách phân vùng kinh tế - xã hội còn nhiều mặt hạn chế để phát huy lợi thế so sánh từng vùng; các vùng kinh tế trọng điểm chưa thực sự phát huy vai trò đầu tàu, có tác dụng lan tỏa, hiệu quả đầu tư chưa thực sự vượt trội; thiếu thể chế quản trị, điều phối vùng hiệu quả... Do vậy, hội thảo là cơ hội để làm rõ những vấn đề như: Có phải liên kết vùng là biện pháp khắc phục cơ cấu kinh tế “khép kín” của địa phương và khai thác tối đa nguồn lực của xã hội? Loại bỏ sự chồng lấn trong phân vùng, ban hành rõ thẩm quyền, quyền hạn trong phân vùng và quản trị vùng, hoàn thiện quy hoạch phát triển vùng trên cơ sở lợi thế so sánh của từng địa phương, khắc phục không gian kinh tế bị chia cắt bởi địa giới hành chính... Kết quả của hội thảo sẽ được tổng kết trình Bộ Chính trị và Thường trực Ban Bí thư.
TS Nguyễn Đình Cung và Th.S Trần Thị Thu Hương, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương cho rằng, thời gian qua, cơ cấu kinh tế vùng đã được quan tâm và có sự chuyển dịch theo hướng phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương. Chẳng hạn, vùng Tây Nguyên có cà phê, cao su, hoa và rau sạch; vùng ĐBSCL có lúa gạo, thủy sản và trái cây; vùng đồng bằng sông Hồng có sản phẩm phần mềm tin học, dược phẩm… Tuy nhiên, kết quả chưa thực sự tương xứng và nhiều địa phương vẫn phát triển theo “phong trào”, chia cắt, tách biệt. Các địa phương và vùng còn tỏ ra lúng túng trong hình thành cơ cấu kinh tế có hiệu quả ở mỗi vùng, vì vậy đều có xu hướng đưa ra định hướng phát triển kinh tế với cơ cấu công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp khá tương đồng, chưa có sự phân công, chuyên môn hóa sản xuất giữa các địa phương và giữa các vùng.
Với tiêu đề “Từ khu kinh tế đến phát triển và liên kết vùng: Tạo đột phá thể chế”, nhóm nghiên cứu của Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright và Viện Chính sách công (Đại học Kinh tế TPHCM) cho rằng, thiếu liên kết vùng và cát cứ địa phương là một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất cản trở Việt Nam khai thác các tiềm năng một cách tối ưu. Mới đây nhất, vấn đề này đã được nhấn mạnh trong Báo cáo Việt Nam 2035 do Chính phủ cùng với Ngân hàng Thế giới thực hiện. “Có nhiều nguyên nhân gây ra vấn đề này, tuy nhiên, theo chúng tôi, tư duy và cách thức phát triển mô hình khu công nghiệp, khu kinh tế trong ba thập kỷ qua là một trong những nguyên nhân cơ bản gây ra vấn đề này. Những “bức tường” quanh các khu công nghiệp và khu kinh tế rất thích hợp cho cát cứ và chia cắt.
Do vậy, các cơ chế chính sách trong thời gian tới cần phải phá bỏ chúng nhằm tạo ra sự liên kết và hợp tác giữa các địa phương với nhau. Chìa khóa chính là cơ chế phân chia lợi ích và trách nhiệm của các bên liên quan một cách thực chất để tạo động cơ khuyến khích”, các chuyên gia nghiên cứu nhận xét.
NGỌC QUANG