Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ vừa tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2015, triển khai nhiệm vụ 2016. Nhiều vấn đề phát triển kinh tế - xã hội, tái cơ cấu nông nghiệp… đã được lãnh đạo các tỉnh, thành trong vùng bàn thảo. Đầu ra cho lúa, gạo, trái cây, thủy sản… vẫn là nỗi lo trong năm tới.
Nông sản vẫn khó đầu ra
Ông Nguyễn Phong Quang, Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cho biết: Trong năm 2015, tình hình kinh tế-xã hội của vùng ĐBSCL tiếp tục có bước phát triển trên tất cả các ngành, lĩnh vực. Tuy nhiên, ĐBSCL vẫn còn hạn chế như việc giải quyết đầu ra cho nông sản còn gặp nhiều khó khăn, thiếu ổn định, nhất là với ba sản phẩm chủ lực là lúa gạo, cá tra và tôm. Trong sản xuất lúa, sản lượng cả năm 2015 ước đạt 25,7 triệu tấn, tăng hơn 400.000 tấn so với cùng kỳ, xuất khẩu gạo tăng 3,6% về sản lượng nhưng giảm 4,9% về giá trị. Bên cạnh đó, hệ thống kết cấu hạ tầng thủy lợi phục vụ nông nghiệp và đầu tư các công trình ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng còn hạn chế, yếu kém.
ĐBSCL có nhiều loại trái cây ngon nhưng khó xuất khẩu do nhiều nơi chưa sản xuất theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực Ảnh: VINH HIỂN
Bổ sung vấn đề này, ông Vương Bình Thạnh, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết: “Từ năm 2008 tới nay, An Giang đều được mùa nhưng mất giá, với cả lúa gạo và cá tra”. Lý do chính, theo ông Vương Bình Thạnh, là vì thiếu thị trường tiêu thụ. Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Nghị, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Kiên Giang, cho biết, ba năm qua xuất khẩu của Kiên Giang không đạt chỉ tiêu; riêng năm nay tỉnh sản xuất được hơn 4,64 triệu tấn lương thực, hơn 677.000 tấn thủy sản “nhưng tiêu thụ khó khăn, giá cả thấp, đời sống người dân chưa được cải thiện”. Ông Nguyễn Thanh Nghị nhìn nhận, sản xuất của Kiên Giang chưa bài bản từ quy hoạch đến thị trường và cho biết “Kiên Giang rất muốn sản xuất lớn nhưng hạ tầng điện, nước, thủy lợi… chưa đáp ứng”.
Theo ông Trần Công Chánh, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hậu Giang, có bốn việc đang ảnh hưởng lớn tới sản xuất và đời sống người dân Hậu Giang, nhất là nông dân, gồm biến đổi khí hậu, liên kết vùng, đầu tư nước ngoài (FDI) và đào tạo nghề. Tại Hậu Giang, địa phương đã báo động về tình hình thiếu nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt và xâm nhập mặn sớm hơn mọi năm; liên kết vùng thì chưa có chính sách cụ thể.
Lãnh đạo các tỉnh, thành trong vùng đều cho rằng, nhìn tổng quan, tái cơ cấu nông nghiệp ở ĐBSCL diễn ra chậm; huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới còn nhiều khó khăn, nhất là các xã nghèo, đông đồng bào dân tộc thiểu số. Hệ thống kết cấu hạ tầng thủy lợi còn hạn chế, yếu kém. Một số cơ chế chính sách đặc thù về liên kết hợp tác kinh tế, về nông nghiệp cho vùng chưa được ban hành; đời sống của một bộ phận người dân còn nhiều khó khăn...
Thiếu liên kết, hết đường ra
Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp và liên kết vùng được xem là giải pháp quan trọng nhất trong thời điểm hiện nay. Ông Võ Thành Hạo, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre nêu quan điểm: Tái cơ cấu nông nghiệp là liên kết đã có chủ trương rồi, thống nhất rồi, vấn đề còn lại là “kỹ thuật”. Chúng ta phải “định nghĩa” rõ tái cơ cấu nông nghiệp là làm cụ thể những gì. Ở cấp cơ sở, ai cũng nói được nhưng tái cơ cấu như thế nào thì không biết. Vừa rồi, Ủy ban Kinh tế Quốc hội phối hợp với Báo SGGP, Bộ NN-PTNT và Tỉnh ủy Bến Tre tổ chức hội thảo về phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững, qua đó, chúng ta thấy rằng vấn đề chuỗi giá trị hiện nay rất rời rạc. Nếu thiếu liên kết, nông dân sẽ rất khó khăn. Nhưng liên kết như thế nào? Ở tầm vĩ mô, các bộ, ngành làm gì?; ở địa phương, các tỉnh, thành liên kết ra sao? Ông Võ Thành Hạo nhấn mạnh: ở địa phương nên đặt vấn đề liên kết kinh tế, không phải cứ liên kết hết với nhau mà phải song phương, tam giác. Để làm được vấn đề này, cần phải có Hội đồng liên kết vùng trong khuôn khổ của Ban chỉ đạo Tây Nam bộ.
Bí thư Thành ủy Cần Thơ Trần Quốc Trung đề nghị các bộ, ngành Trung ương tăng cường hỗ trợ trong việc tìm đầu ra cho lúa - cá, hai sản phẩm chủ lực của ĐBSCL, bởi đây là yếu tố ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng. Bên cạnh đó, ông cho rằng hạ tầng vùng ĐBSCL nói chung, hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp nói riêng còn hạn chế, không thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn, cần được sự quan tâm đầu tư hơn nữa của trung ương trong thời gian tới.
Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Tháp Lê Minh Hoan cho biết, ông rất tâm đắc với ý kiến của một doanh nghiệp Hàn Quốc khi tìm cơ hội đầu tư tại Đồng Tháp: “Mọi sự hỗ trợ của nhà nước đều vô nghĩa nếu người nông dân không thay đổi”. Ông Lê Minh Hoan cho biết Đồng Tháp đang làm thí điểm nhiều mô hình nhằm giúp nông dân “tự chủ, tự lực có kiến thức thay vì đào tạo nghề cho nông dân như cách Bộ NN-PTNT đang làm ở các trường nghề”. “Đồng Tháp cũng có mô hình hợp tác xã thuê đất của nông dân và cho doanh nghiệp mua cổ phần trong hợp tác xã”. Những việc làm này, theo ông Lê Minh Hoan, gần như chưa có chủ trương từ trung ương vì chưa có luật, nhưng tất cả nhằm giúp nông sản tiêu thụ được nông sản sao cho có lợi nhất.
Vấn đề này cũng được lãnh đạo tỉnh Kiên Giang, Sóc Trăng và Hậu Giang đồng tình, cho rằng cơ chế thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp còn kém hấp dẫn là một trong những nguyên nhân chính khiến việc liên kết sản xuất theo chuỗi trong nông nghiệp hiện nay chưa được phát huy và thiếu chặt chẽ; đề nghị có cơ chế đặc thù giúp ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu và lồng ghép nội dung biến đổi khí hậu vào các chương trình tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
HÀM LUÔNG