Liên tiếp trẻ bị ngộ độc chì do thuốc cam - Phản ứng quá chậm

Quá nguy hiểm

Cả trăm mẫu thuốc cam được xét nghiệm đều phát hiện có chì, thậm chí có mẫu hàm lượng chì lên tới 85%. Cùng với đó, hơn một nửa số trẻ ngộ độc chì nhập viện có hàm lượng chì trong máu rất cao. Tuy nhiên, Bộ Y tế đã phản ứng quá chậm trước thực trạng đáng báo động trên khi đến nay vẫn chưa có phác đồ điều trị ngộ độc chì và thuốc giải độc.

Quá nguy hiểm

TS Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết số trường hợp trẻ nhỏ bị ngộ độc chì do sử dụng thuốc cam phải nhập viện bắt đầu có chiều hướng gia tăng từ cuối năm ngoái, nhưng thực sự tăng cao từ đầu năm 2012. Tính trong 4 tháng qua, Trung tâm chống độc, đã tiếp nhận tới gần 130 trường hợp đến khám và điều trị vì ngộ độc chì, trong đó gần 94% là trẻ em.

Trong khi đó, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, số bệnh nhi ngộ độc chì tới khám và nhập viện tăng mạnh. Mới đây nhất một bé gái 8 tháng ở tuổi ở Hà Nội đã tử vong do nhiễm độc chì trong thuốc cam và đây là trường hợp bệnh nhi thứ 4 tử vong vì nhiễm độc chì trong thuốc cam kể từ cuối năm ngoái đến nay. Theo các bác sĩ ở Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh nhi tử vong mới nhất đã từng sử dụng thuốc cam lâu ngày và có hàm lượng chì trong máu lên tới hơn 200microgam trên 100ml, gấp 10 lần hàm lượng cho phép.

Đáng lo ngại hơn, qua điều tra và xét nghiệm máu 117 bệnh nhi ngộ độc chì được điều trị ở Trung tâm Chống độc, phát hiện gần 50% số trường hợp có hàm lượng chì trong máu rất cao. Đặc biệt, các bệnh nhân đến từ 15 tỉnh thành ở khu vực phía Bắc và phần lớn đều được gia đình cho uống thuốc cam mua của ông lang bà mế, người bán dạo không rõ nguồn gốc. Không chỉ vậy, qua kiểm nghiệm của Viện Hóa học phát hiện có tới 98/100 mẫu có hàm lượng chì cao, đặc biệt có mẫu chứa 85% hàm lượng kim loại nặng này nên rất nguy hiểm đối với người sử dụng.

Trách nhiệm ở đâu?

* Thuốc cam là một loại thuốc y học cổ truyền, thường ở dạng bột có màu nâu đỏ. Loại thuốc này thường được dùng cho trẻ em trong trường hợp biếng ăn, còi cọc hay trẻ bị lở loét miệng. Tuy nhiên, đến nay cả nước mới chỉ có 2 sản phẩm thuốc được cấp số đăng ký chứng nhận chất lượng.

Theo đánh giá của Vụ Y dược cổ truyền, phần lớn các trường hợp trẻ nhỏ ngộ độc chì đều do gia đình mua và sử dụng thuốc cam không rõ nguồn gốc. Tuy nhiên, điều đáng nói, mặc dù tình trạng trẻ bị ngộ độc chì do thuốc cam đã có chiều hướng diễn biến phức tạp từ cuối năm ngoái. Thế nhưng khá lâu sau, đến tháng 3-2012, Vụ Y dược cổ truyền, Bộ Y tế mới có phản ứng trước vấn đề này bằng biện pháp đề nghị cơ quan y tế chức năng ở các địa phương tăng cường kiểm tra các cơ sở hành nghề y dược học cổ truyền và lấy các mẫu thuốc cam xét nghiệm, cũng như thu hồi các loại thuốc cam không rõ nguồn gốc.

Tuy nhiên, bất cập nảy sinh khi tới thời điểm này, Cục Quản lý dược, Bộ Y tế chưa có quy định về giới hạn chì trong dược liệu, thuốc từ dược liệu. Vì thế, vấn đề đặt ra, nếu cơ quan y tế ở các địa phương kiểm tra, lấy mẫu thuốc xét nghiệm thì phải dựa vào quy định nào để kết luận hàm lượng chì trong sản phẩm thuốc cam  đạt hay không đạt. Trong khi đó, thời điểm này, Bộ Y tế vẫn chưa có được phác đồ điều trị bệnh nhân ngộ độc chì, cũng như thuốc giải độc chì đặc hiệu. Việc điều trị các ca bệnh ngộ độc chì vẫn dựa vào kinh nghiệm chuyên môn của bác sĩ ở Trung tâm Chống độc.

Không chỉ vậy, trước tình trạng trẻ bị ngộ độc chì do thuốc cam gia tăng, cuối tháng 1-2012, Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam đã có thư gửi Bộ Y tế với nhận định sự gia tăng các trường hợp nhiễm độc chì do dùng thuốc cam cần được xem như mối đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, phải tới ngày 18-4, lãnh đạo Bộ Y tế mới chủ trì cuộc họp với các đơn vị chức năng để bàn các biện pháp chấn chỉnh việc quản lý hành nghề y học cổ truyền và ngăn chặn các ca ngộ độc mới do thuốc cam gây ra.

Tại cuộc họp này, Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang mới yêu cầu Cục Quản lý khám chữa bệnh và Bệnh viện Bạch Mai khẩn trương hoàn chỉnh phác đồ điều trị xử lý ngộ độc chì cấp tính và ngộ độc trường diễn. Đồng thời tham gia kế hoạch tập huấn các Sở Y tế trọng điểm như: Bắc Giang, Phú Thọ, Hà Nội, Thái Nguyên về điều trị bệnh nhân ngộ độc chì. Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương tăng cường lấy mẫu kiểm tra các loại thuốc cam trên thị trường. Hội đồng Dược điển Việt Nam có kế hoạch xây dựng chuyên luận về chỉ tiêu giới hạn kim loại nặng trong dược liệu, thuốc từ dược liệu.

Nguyễn Quốc

Thông tin liên quan

- Gần 100 mẫu thuốc cam có kim loại nặng

- Đình chỉ nhiều cơ sở đông y bán thuốc cam trộn chì

- Nhiều loại thuốc cam có hàm lượng chì tới 60%

Tin cùng chuyên mục