Lien Viet Bank hình thành tập đoàn tài chính

Lien Viet Bank hình thành tập đoàn tài chính

(SGGP-ĐTTC).- Năm 2009 đánh dấu bước phát triển khá thành công của Ngân hàng TMCP Liên Việt (LienVietBank) dù chỉ mới tham gia thị trường tài chính tiền tệ thời gian chưa lâu. Trước thềm Đại hội cổ đông năm 2010, phóng viên ĐTTC đã có cuộc trao đổi với ông Dương Công Minh (ảnh), Chủ tịch HĐQT LienVietBank.

PHÓNG VIÊN: - 2009 là một năm khó khăn đối với nền kinh tế và ngành ngân hàng. Trong bối cảnh đó và mới tròn 2 tuổi, nhưng LienVietBank vẫn đạt mức lợi nhuận năm 2009 vượt 16% so với kế hoạch. Lý do nào giúp LienVietBank vượt khó ngoạn mục như vậy?

Ông DƯƠNG CÔNG MINH: - Để đạt được những thành quả trên, theo tôi, LienVietBank đã giải quyết được 3 vấn đề mấu chốt của việc phát triển doanh nghiệp. Thứ nhất là nguồn nhân lực: LienVietBank có một đội ngũ quản trị và điều hành với kiến thức chuyên môn nghiệp vụ giỏi, tính chuyên nghiệp cao, nhiệt tình trong công việc và hết lòng vì quyền lợi của LienVietBank, của xã hội.

Thứ hai là công nghệ: HĐQT LienVietBank đã xây dựng được hệ thống công nghệ ngân hàng theo chuẩn mực quốc tế, đã đầu tư hệ thống công nghệ thông tin tiên tiến nhất để phục vụ tốt hoạt động sản xuất kinh doanh của ngân hàng. Thứ ba là tài chính: Khi mới thành lập ngân hàng đã có vốn điều lệ 3.300 tỷ đồng, hiện nay đã tăng lên 3.650 tỷ đồng, đồng thời đã đạt tổng tài sản gần 18.000 tỷ đồng.

LienVietBank được thành lập ngày 28-3-2008 với vốn điều lệ 3.300 tỷ đồng và chính thức đi vào hoạt động ngày 1-5-2008. Sau 2 năm hoạt động, LienVietBank đã đạt được những thành quả đáng khích lệ: Tổng tài sản đạt gần 18.000 tỷ đồng, lợi nhuận năm 2009 đạt 540 tỷ đồng, vốn điều lệ tăng từ 3.300 tỷ đồng lên 3.650 tỷ đồng, từng bước khẳng định được thương hiệu LienVietBank đối với cổ đông, khách hàng và xã hội.

- Năm 2010 nền kinh tế đã vượt qua đáy suy giảm và đang trên đà hồi phục. Ông đánh giá thế nào về thị trường ngân hàng trong năm nay? LienVietBank đặt ra phương án phát triển thế nào trong bối cảnh đó?

- LienVietBank ý thức được rằng nếu chủ quan, các ngân hàng và doanh nghiệp vẫn có thể vấp phải những khó khăn mới - vì sức khỏe nền kinh tế Việt Nam nói riêng, thế giới nói chung chưa hẳn đã mạnh. Ngân hàng là lăng kính phản ánh phần nào hoạt động của các doanh nghiệp và nền kinh tế, nếu các doanh nghiệp khó khăn thị trường ngân hàng cũng không thoát khỏi khó khăn. Tuy nhiên LienVietBank tin tưởng rằng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và các ngành chức năng sẽ có những cơ chế tháo gỡ phù hợp để phục vụ mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Vì vậy, theo tôi, ngành ngân hàng năm nay sẽ vẫn phát triển tốt.

Với quan điểm trên, LienVietBank đã xây dựng kế hoạch năm 2010 với các chỉ tiêu như sau: Tổng tài sản khoảng 60.000 tỷ đồng (tăng hơn 3 lần so với năm 2009), lợi nhuận 900 tỷ đồng (tăng gần 2 lần so với năm 2009), vốn điều lệ 4.460 tỷ đồng (tăng 810 tỷ đồng so với năm 2009). Để đạt được các chỉ số trên, LienVietBank đã xác định ba lĩnh vực cần tập trung:

Thứ nhất, tăng vốn điều lệ để tăng nội lực cho ngân hàng.

Thứ hai, tăng trưởng huy động vốn, chủ yếu tập trung vào 2 mảng chính là huy động từ dân cư và từ các định chế tài chính để tạo tính ổn định cho nguồn vốn của ngân hàng.

Thứ ba, hiện nay tín dụng hiệu quả thấp, rủi ro cao, vì vậy quan điểm của LienVietBank là chỉ tăng trưởng tín dụng phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước, còn lại phải thực hiện kinh doanh vốn theo hướng đầu tư và tập trung kinh doanh vào các dịch vụ tài chính ngân hàng.

Bên cạnh đó, năm 2010 cũng là năm LienVietBank hình thành mô hình tập đoàn tài chính phù hợp với dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng, tách hoạt động ngân hàng thương mại và hoạt động ngân hàng đầu tư. Tập đoàn Tài chính Liên Việt sẽ thành lập một số công ty bên cạnh LienVietBank như các công ty: chứng khoán, quản lý quỹ, cho thuê tài chính, mua bán nợ, kinh doanh bất động sản, sàn giao dịch
hàng hóa…

- Hiện nay có rất nhiều nhà đầu tư quan tâm đến kế hoạch niêm yết cổ phiếu của LienVietBank trong thời gian tới. Xin ông cho biết vài thông tin cụ thể và kế hoạch tăng vốn của LienVietBank trong năm nay?

- Năm 2010 HĐQT đã được Đại hội cổ đông ủy quyền quyết định việc niêm yết cổ phiếu của LienVietBank. Thời điểm cụ thể của việc niêm yết sẽ được HĐQT đưa ra trên cơ sở chấp hành đúng luật pháp của Việt Nam, sự thuận lợi của thị trường chứng khoán nhằm đem lại kết quả tối ưu nhất cho cổ đông. Chúng tôi luôn hướng tới sự minh bạch, công khai trong mọi hoạt động nên việc niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán cũng góp phần thực hiện mục tiêu đó.

Ngày 24-3-2010, LienVietBank hoàn thành việc phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi VNĐ. Một điều đặc biệt là rất nhiều đối tác đã đăng ký mua trái phiểu chuyển đổi của LienVietBank, vượt quá con số 2.000 tỷ đồng, nhưng theo quy định chúng tôi chỉ phát hành 2.000 tỷ đồng. Như vậy, vốn khả dụng của LienVietBank sẽ tăng lên đáp ứng nhu cầu kinh doanh của ngân hàng và khách hàng.

Năm 2009, Đại hội cổ đông LienVietBank đã quyết định từng bước hình thành mô hình Tập đoàn Tài chính Liên Việt với việc ra đời các công ty thành viên, công ty liên kết hoạt động trong các lĩnh vực như chứng khoán, quản lý quỹ, bảo hiểm, đầu tư tài chính…

- Với việc sáp nhập hệ thống tiết kiệm bưu điện vào LienVietBank, ngân hàng sẽ có lợi thế nào?

- Điều cốt lõi của hoạt động ngân hàng thương mại ở Việt Nam và thế giới là phát triển hệ thống mạng lưới, vì ngân hàng thực chất là những “siêu thị, cửa hàng bán lẻ” chuyển tải các sản phẩm, dịch vụ tài chính-ngân hàng đến khách hàng. Việc sáp nhập công ty dịch vụ tiết kiệm bưu điện vào LienVietBank là một thuận lợi rất lớn cho chính hoạt động ngân hàng thương mại.

Chúng tôi sẽ được quyền khai thác 13.000 chi nhánh, điểm giao dịch trên toàn quốc, hệ thống mạng lưới của LienVietBank sẽ vươn tới từng xã, phường trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Đây cũng sẽ là “cánh tay” nối dài hoạt động của các đơn vị trong Tập đoàn Tài chính Liên Việt trong tương lai vì các công ty con của tập đoàn cũng cần có mạng lưới hoạt động sâu rộng để đầu tư và khai thác dịch vụ. Điều đó cũng là cơ sở tốt, tạo được nhiều sản phẩm bán chéo giữa ngân hàng, khách hàng và các công ty con. đây là một thuận lợi lớn để chúng tôi thực hiện mục tiêu bán lẻ, kết hợp bán buôn và kinh doanh đa năng có hiệu quả.

- Xin cảm ơn ông.

Nguyên Quân

Tin cùng chuyên mục