Liệu có dẹp được nạn ăn xin?

Từ tháng 3-2016, việc dẹp nạn ăn xin lại được đặt ra. Sở LĐTB-XH TPHCM và các sở cùng 24 quận, huyện một lần nữa đã cùng họp bàn, đưa ra các biện pháp giải quyết tình trạng người ăn xin. Sau buổi họp, các quận - huyện, phường - xã - thị trấn mang mục tiêu ra về và bắt đầu tổng rà soát, xử lý người ăn xin.

Vấn đề người dân quan tâm là: Nhiệm vụ này được thường xuyên trong bao lâu? Hay chỉ mỗi khi nhắc mới làm, làm theo phong trào? Các “tiền lệ” đánh trống bỏ dùi trước đây về dẹp nạn ăn xin cho thấy lo ngại trên có cơ sở. 9 năm trước, cuối tháng 3-2007, Sở LĐTB-XH TPHCM đã đưa ra kế hoạch “Giải quyết tình trạng người lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng trên địa bàn TP”. Mục tiêu: đến năm 2010, TP sẽ cơ bản không còn tình trạng ăn xin. 3 năm sau kế hoạch trên, việc có còn người ăn xin không, cả TP đều rõ. Đến tháng 9-2011, sở lại trình UBND TPHCM kế hoạch giải quyết tình trạng ăn xin. Mục tiêu: đến năm 2013, các quận trung tâm của TP sẽ không còn người ăn xin. Đến năm 2015, giải quyết tình trạng này trên toàn địa bàn TP. Có lẽ, kế hoạch đưa ra chỉ để… vỡ kế hoạch! Thế nên, từ ngày 28-12-2014, TP lại rầm rộ bước vào đợt đưa người lang thang ăn xin, sinh sống nơi công cộng vào các trung tâm để chăm sóc (cùng với việc đưa người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định vào cơ sở xã hội). Mục tiêu tiếp tục được “nuôi”: Đến dịp Tết Ất Mùi 2015, cơ bản hết người lang thang xin ăn. Và giờ đây, tháng 3-2016, một kế hoạch mới lại sắp được sở trình lên UBND TP, mục tiêu: Đến 30-4, giải quyết triệt để tình trạng ăn xin ở khu vực trung tâm TP; các quận, huyện khác sẽ giải quyết cơ bản tình trạng này.

Nhiều giải pháp được đưa ra. Tuy nhiên, ngoại trừ đề xuất chi 200.000 đồng động viên người dân báo tin và giúp địa phương tập trung người ăn xin (theo cách làm của Đà Nẵng), có thể thấy rằng, các giải pháp còn lại đưa ra đều là giải pháp được hâm nóng lại, chứ không mới. Công việc cũ, cách làm không mới; ngoài trông cậy vào yếu tố mới “mắt thần” phát hiện người ăn xin, vậy điều nào hứa hẹn sẽ là bước đột phá, là mấu chốt tạo sự chuyển biến trong lần ra quân này?

Về yếu tố mới “mắt thần” phát hiện người ăn xin, chưa chắc yếu tố mới này sẽ giúp việc dẹp nạn ăn xin được hoàn toàn. Nhiều người dân rất nhiệt tình, thông tin xong còn đứng chờ khi nào phường xuống tập trung người ăn xin thì họ mới đi. Nhưng rồi, có được bao nhiêu trường hợp sau khi nhận các tin báo đó, cán bộ ngay lập tức xuất hiện để xử lý? Hay đa phần là “nhiều khi xuống thì đối tượng đã di chuyển rồi” như ông Lê Chu Giang, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở LĐTB-XH, trần tình. Như vậy, sở và quận - huyện, phường - xã - thị trấn có làm quyết liệt, có “phản ứng nhanh” để tận dụng hết nguồn tin báo của người dân hay không? Nếu không thì “mắt thần” cũng “bó tay”!

MẠNH HÒA

Tin cùng chuyên mục