Với lính nhà giàn DK1, đồng đội gắn bó thân thiết nhất với họ chính là lính tàu. Những lúc sóng to gió lớn, cán bộ chiến sĩ nhà giàn cảm thấy yên lòng hơn và không có cảm giác lẻ loi khi thấy bên mình có các hạm tàu trực chiến thân yêu.
Nói về sự chịu đựng gian khổ, hiểm nguy và lòng quả cảm thì lính hải đội so với lính nhà giàn cũng là một chín rưỡi, một mười. Mỗi khi đài báo bão, tàu bè từ ngoài khơi tìm về đất liền trú ẩn thì tàu của Đoàn M71 lại nhổ neo ra khơi làm nhiệm vụ cứu nạn cứu hộ xa bờ. Những con tàu gối sóng lao về phía bão, căng mắt tìm kiếm người, tàu thuyền gặp nạn trong mịt mù biển động. Bình thường, các hạm tàu của ta làm nhiệm vụ trực chiến, vận tải quân sự, tuần tiễu chung với hải quân một số nước trong khu vực...
Thời tiết mấy năm gần đây thất thường phức tạp ẩn chứa rất nhiều tai họa khó lường. Bão đôi khi không hình thành theo mùa và cường độ của nó cũng dữ dội hơn bội phần. Không hiếm những cơn bão, siêu bão vượt cấp 12. Có nhà giàn đã bị nghiêng, bị đổ trong bão và tàu cũng bị sóng gió quăng quật nhấn chìm bất ngờ.
Tôi được chỉ huy Hải đội 812 cho xuống tham quan tàu HQ 609. Lính tàu cũng chịu đựng gian nan thiếu thốn về vật chất lẫn tinh thần chẳng kém gì lính nhà giàn. Trên tàu, không trồng được rau, phải mang từ đất liền đi nhưng kho lạnh không có nên rất mau bị ủng. Thịt tươi cho vào tủ đá không đủ dùng cho hàng tháng trời lênh đênh trên biển nên món ăn thường xuyên vẫn là đồ hộp. Gặp phải lúc sóng to, nấu được bữa ăn chẳng dễ. Cơm, thức ăn bị nước biển tát vào mặn khé. Nồi canh ngọt lừ mì chính còn bị hắt đổ xuống sàn. Nhiều lúc anh em phải ăn cơm “nâu” canh như kiểu nói vui của lính thủy. Cốc, ca trên tàu phần lớn là đồ nhựa để khi gặp sóng cả có bị hất xuống sàn cũng không vỡ. Và, đừng nghĩ lính hải quân thì không say sóng nhé.
Thuyền trưởng Nguyễn Văn Dũng cười nói rằng: “Bọn em nhiều lúc phải ở trong tình cảnh biển một bên và xô một bên chứ không được biển một bên và em một bên như nhà thơ Trần Đăng Khoa viết đâu. Say sóng, có lúc nôn ra mật xanh mật vàng”.
Điều tôi bất ngờ nhất là anh em lo ế vợ. Những chàng trai khỏe khoắn điển trai đang ngồi trước mặt chúng tôi đây mà lại lo ế vợ ư? Quả không tin nổi. Nhưng đúng như thế. Với lính tàu, sống biển nhiều hơn sống bờ, khi cặp bến thì chịu sự quản lý rất nghiêm ngặt về thời gian nên anh em không có nhiều cơ hội để đi tìm một nửa của mình. Phần lớn lính trên tàu HQ 609 đang chưa có mảnh tình nào vắt vai. Người lấy vợ sớm nhất cũng vào độ tam thập. Có vợ cũng khổ, phải xa nhau triền miên.
Tôi vô cùng xúc động khi nghe được câu chuyện của một người lính nhà giàn đã từng được vớt lên từ mặt biển sùng sục. Người lính ấy bây giờ là thành viên của con tàu này nhưng cách đây 10 năm anh là chiến sĩ bám trụ trên nhà giàn thuộc cụm Phúc Nguyên 2, DK1. Anh là một trong 6 chiến sĩ bị hất xuống biển và may mắn sống sót trong cơn bão số 8 vào ngày 13-12-1998.
“Em tên là Hoàng Văn Thủy, quê ở Đô Lương, Nghệ An”. Dòng chảy của một hồi ức bi tráng đã được khởi nguồn giản dị như thế. “Em không thế nào quên được cơn bão số 8 năm đó… 6 giờ tối, trước sức mạnh của gió giật, gió xoáy, những đợt sóng vỗ ầm ầm như bom nổ nhà giàn đã rung lên, lắc lư chao đảo. Sóng, từng đợt nối nhau, cao lớn như tòa nhà 3 - 4 tầng phủ trùm mù mịt qua mái nhà giàn. Người, đồ vật nghiêng ngả. Em vừa che chắn vừa mở máy gọi đài canh báo cấp cứu. 3 giờ sáng hôm sau, nhà giàn bị nghiêng. Bão vẫn không ngớt. Lúc này, em vẫn bám ở phòng báo vụ. Em điện báo vào tổng đài. Đúng phiên trực của chị kết nghĩa. “Chị ơi. Bọn em đang ở trong tình thế rất nguy hiểm. Nhà giàn đã bị nghiêng…”. “Thủy ơi, em hãy bình tĩnh, đất liền và chị luôn ở bên cạnh em…”. “Chị ơi. Nhà giàn đang sắp đổ. Chúng em sẽ đi… Chắc em không còn được gặp chị. Nhờ chị báo cho gia đình em theo địa chỉ…”. “Thủy ơi, còn nước còn tát em ạ, thủ trưởng đang đứng bên cạnh chị đây… Em nói chuyện với thủ trưởng nhé…”. “Chào các thủ trưởng. Nhà giàn đã bị đổ. Chúng em đi đây…”.
3 giờ 30 phút, nhà giàn sập. Tất cả mọi người nhảy ra ngoài. Chỉ kịp mang phao cứu sinh. Sóng dữ ập xuống. Mọi người bị dìm trong biển nước đen ngòm. Nước biển mặn chát xộc vào miệng, vào mũi. Ngột ngạt, tức thở. Cố ngoi lên. Năm anh em bám vào một chiếc phao bè. Ai cũng rách tươm, bợt bạt, tím tái. Đói. Rét. Mệt. Vẫn động viên nhau. Chia nhau từng củ tỏi, miếng gừng, mẩu lương khô. Hy vọng được cứu sống rất mong manh. 7 giờ tối hôm đó tàu trực chiến vớt được 6 anh em khi mọi người đang ở vào lằn ranh của sống - chết. Ba anh Chương, Hồng, An hy sinh”.
Trên vùng thềm lục địa thiêng liêng đã được xác lập chủ quyền của Tổ quốc, luôn luôn có những nhà giàn, những con tàu, những người lính hải quân trụ bám, trông coi, gìn giữ. Không phải không có những mưu mô đổi trắng thay đen, những tham vọng xâm lấn chiếm đoạt vùng biển giàu có này của đất nước ta. Và, thiên nhiên trong sự biến đổi khí hậu toàn cầu mang những hiểm họa, bất trắc khó lường. Nói như thế cũng có nghĩa những người lính nhà giàn, những người lính tàu của chúng ta còn phải đối mặt với muôn vàn gian khó hiểm nguy.
Vâng, chỉ có lòng yêu nước sâu thẳm ngấm sâu vào từng giọt máu Việt mới giúp ta vượt qua phong ba bão táp, vượt qua những cám dỗ hỏa mù để gìn giữ vẹn tròn từng tấc đất, từng khoảng trời, từng ô biển thân yêu của Tổ quốc. Từng ngày, từng đêm những người lính Hải đội đang can trường làm nhiệm vụ thiêng liêng đó.
Nguyễn Hữu Quý