Linh hoạt hình thức hướng nghiệp cho học sinh thời dịch bệnh

Sáng 21-12, khoảng 700 cán bộ quản lý, giáo viên đến từ các trường THPT trên địa bàn TPHCM đã tham gia Hội thảo “Nâng cao năng lực tổ chức hoạt động định hướng nghề nghiệp cho học sinh năm học 2021-2022” do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức.

Mở đầu hội thảo, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu cho biết, trong từng thời điểm và bối cảnh xã hội, trường học có nhiều hình thức tổ chức hoạt động hướng nghiệp phù hợp, đem lại hiệu quả cho học sinh.

Trong bối cảnh xã hội thay đổi liên tục, bản thân giáo viên cần thay đổi cách tiếp cận và tổ chức các hoạt động hướng nghiệp nhằm trang bị cho học sinh kiến thức, kỹ năng lựa chọn nghề nghiệp, tránh lãng phí thời gian, tiền bạc và công sức của người học nếu chọn nghề nghiệp không phù hợp. 

Ở góc độ khác, theo ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT, khi trường học thay đổi, hình thức dạy học thay đổi mà giáo viên không thay đổi sẽ bị đào thải trong chính nghề nghiệp của mình.

Cụ thể, do ảnh hưởng của dịch bệnh, dạy học chuyển qua hình thức trực tuyến, nếu giáo viên bám những cách làm cũ như bê nguyên xi giáo án dạy học trực tiếp để tổ chức dạy học trực tuyến cho học sinh sẽ không đáp ứng nhu cầu tìm hiểu kiến thức của người học.

Như vậy, trong giai đoạn hiện tại, bản thân giáo viên đang gặp thử thách nghề nghiệp. Đây vừa là thử thách song cũng là cơ hội để qua đó giáo viên biết cách chuẩn bị kỹ năng, tâm lý cho học sinh vượt qua khủng hoảng trong lựa chọn nghề nghiệp. Vì vậy, hướng nghiệp trong thời điểm hiện tại đòi hỏi người dạy kỹ năng và tâm huyết nhiều hơn.

Theo ThS. Nguyễn Thị Thu Hà, để học sinh lựa chọn được công việc phù hợp với năng lực và sở thích bản thân thì các em phải trả lời 4 câu hỏi: việc gì mình thích, việc gì mình có thể làm tốt, việc gì xã hội cần và việc gì mang lại thu nhập cho bản thân.

Tuy nhiên, cả 4 yếu tố nói trên đều không mang tính chất cố định mà liên tục thay đổi.  Do đó, việc chọn nghề có thể không chỉ một lần và không phải lựa chọn duy nhất. Ở giai đoạn từ 15-24 tuổi là giai đoạn khám phá, học sinh tự do lựa chọn những khóa học phù hợp. Giai đoạn từ 25-44 tuổi là giai đoạn thiết lập nghề nghiệp, trong đó từ 25-30 tuổi là giai đoạn thử thách bản thân có phù hợp công việc hay không, từ 30-40 tuổi là giai đoạn thăng hoa trong công việc, phát triển chuyên sâu lĩnh vực đã chọn hoặc bắt đầu mở rộng ra các lĩnh vực khác.

Linh hoạt hình thức hướng nghiệp cho học sinh thời dịch bệnh ảnh 1 Học sinh Trường THPT Võ Thị Sáu (quận Bình Thạnh) tham gia buổi tư vấn hướng nghiệp tại sân trường trong năm học trước

Hiện nay, học sinh tập trung vào việc học trong 3 môi trường chính là trường học, gia đình và lớp học thêm; đánh giá năng lực và sở trường của bản thân qua khía cạnh môn học nhưng thực tế khi ra làm việc không chỉ dựa trên môn học mà còn đòi hỏi thêm về kiến thức, kỹ năng giải quyết vấn đề trong thực tế.

Yêu cầu nói trên đòi hỏi học sinh phải mở rộng trải nghiệm qua các hoạt động câu lạc bộ trong nhà trường, dự án học tập, việc làm thêm bán thời gian phù hợp lứa tuổi…

"Nếu tính theo thang bậc đánh giá tầm quan trọng thì kiến thức chỉ được đánh giá hệ số 1, kỹ năng chiếm hệ số 2 bởi kỹ năng sẽ quyết định mức độ áp dụng kiến thức vào thực tiễn. Nhưng quan trọng hơn cả, chiếm hệ số 3 là thái độ, nhận thức của người học vì nhận thức và thái độ đúng đắn mới giúp người học có sự chủ động trong việc áp dụng kiến thức và kỹ năng vào công việc", chuyên gia Nguyễn Thị Thu Hà phân tích.

Nhiều học sinh hiện nay có xu hướng muốn tìm kiếm những công việc nhẹ nhàng, lương cao nhưng không biết rằng đó là cạm bẫy mang tên “nhàn hạ”, bởi tuổi càng lớn nhưng kinh nghiệm và trình độ chỉ ở mức thấp thì khi có biến động của thị trường lao động, các em sẽ là những người bị đào thải đầu tiên.

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội giáo dục nghề nghiệp, từ năm 2020 đến nay, học sinh cứ loay hoay bởi những câu hỏi đại dịch Covid-19 khi nào kết thúc, lo sợ kỹ năng, kiến thức được tiếp cận không bằng các anh chị đi trước, việc làm sẽ thay đổi thế nào sau dịch bệnh…

Các hoạt động định hướng nghề nghiệp cũng chuyển đổi từ hình thức trực tiếp sang trực tuyến với yêu cầu người học phải chủ động tìm hiểu kiến thức, có kỹ năng tự học, tự nghiên cứu để phát triển toàn diện bản thân.  

Dự báo trong giai đoạn 2021-2030, một số nhóm ngành nghề cần nhiều nhu cầu nhân lực gắn với sự phát triển kinh tế số gồm: khoa học máy tính, kỹ thuật cơ khí, kiến trúc, khoa học môi trường, công nghệ sinh học…

Riêng tại TPHCM, từ năm 2021 đến năm 2040, thành phố cần bổ sung từ 330.000-350.000 nhân lực/năm, trong đó nhân lực qua đào tạo giáo dục nghề nghiệp chiếm tỷ trọng trên 75%, trong đó trình độ cao đẳng, đại học 20%, trung cấp 30% và sơ cấp 25%.

Các chuyên gia đều cho biết, đi cùng với sự thay đổi của hình thức dạy học (dạy học trực tuyến, kết hợp giữa dạy học trực tuyến và trực tiếp) thì hoạt động hướng nghiệp cũng cần linh hoạt hơn, kết hợp đa dạng nhiều hình thức như tham quan trải nghiệm, kết nối trường phổ thông, đại học và doanh nghiệp tạo ra hệ sinh thái hướng nghiệp, tạo cơ hội cho học sinh tham gia các dự án nghề nghiệp... nhằm nâng cao chất lượng hướng nghiệp cho học sinh phổ thông.  

Tin cùng chuyên mục