Thời gian qua, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khi tham gia đầu tư tại Việt Nam đã gặp không ít khó khăn khi xin cấp giấy chứng nhận đầu tư do thủ tục hành chính nhiêu khê. Điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động thu hút đầu tư FDI của Việt Nam.
Tại Diễn đàn đối thoại chính quyền - doanh nghiệp FDI diễn ra mới đây ở TPHCM, đại diện Công ty luật LNT & Partners cho rằng, do hiện nay không có thời hạn cụ thể cho việc xử lý hồ sơ cấp phép nên có những trường hợp mất hơn 1 năm mới được cấp phép và đó chỉ là những giấy phép thương mại thông thường, không có yêu cầu gì đặc biệt. Có những nội dung luật đã quy định rõ nhưng bắt buộc hỏi ý kiến các bộ ngành làm ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà đầu tư. Đó là chưa kể, hiện nay khi thẩm định hồ sơ của nhà đầu tư, cơ quan cấp phép hỏi tới hỏi lui nhiều lần làm mất thời gian của nhà đầu tư và gây phiền phức, nhũng nhiễu.
Cũng tại diễn đàn này, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà cho biết, các khó khăn khi cấp giấy chứng nhận đầu tư là do phải lấy ý kiến các bộ, ngành; thêm thủ tục; thiếu quy định hướng dẫn; các luật không thống nhất . Cụ thể, việc lấy ý kiến các bộ theo quy định 15 ngày làm việc nhưng phần lớn trả lời trên 1 tháng, không ít trường hợp trên 2 tháng. Thậm chí, nhiều hồ sơ TP hỏi nhưng bộ không trả lời hoặc trả lời chung chung. Trước tình trạng trên, để giảm bớt thủ tục, tạo thông thoáng cho nhà đầu tư, TPHCM đã có cách tiếp cận vấn đề một cách linh hoạt trong việc giải quyết hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đầu tư. Cụ thể, UBND TPHCM chỉ xin ý kiến các bộ, ngành khi cần thiết; công khai quá trình xử lý hồ sơ trên internet và cấp giấy chứng nhận đầu tư tại nhà. Với việc công khai quá trình xử lý hồ sơ trên internet, hồ sơ sẽ được quản lý từ khi tiếp nhận đến khi nhận giấy chứng nhận đầu tư. Toàn bộ quá trình xử lý này sẽ được tự động gửi email đến nhà đầu tư, giảm rất nhiều thời gian chờ đợi giải quyết hồ sơ.
Trong giai đoạn đất nước đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư, nhà nước cần đơn giản hóa thủ tục cấp phép. Trong đó, đối với các văn bản luật cần phải minh bạch để tránh tình trạng mỗi địa phương có những cách hiểu khác nhau trong việc giải quyết hồ sơ cho nhà đầu tư. Đồng thời, cần có những quy định hướng dẫn thực hiện rõ ràng và sự thống nhất giữa luật chính và các luật chuyên ngành liên quan. Đối với các địa phương, có những vấn đề không quy định trong luật thì không nhất thiết phải xin ý kiến bộ, ngành mà phải mạnh dạn bảo vệ quan điểm. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin vào việc xử lý hồ sơ cấp phép nhằm tạo sự thuận lợi cho nhà đầu tư.
ĐÌNH LÝ