Linh hoạt phương án mở cửa trường học

TPHCM sẽ thí điểm mở cửa trở lại trường học từ ngày 13-12. Hiện tại, các trường đang hoàn tất kế hoạch và phương án phòng chống dịch Covid-19 khi học sinh (HS) trở lại trường. Trong đó, vấn đề an toàn cho HS và giáo viên được đặt lên hàng đầu.  
Tiến hành khử khuẩn, vệ sinh phòng học tại Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) chiều 1-12
Tiến hành khử khuẩn, vệ sinh phòng học tại Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) chiều 1-12

Linh hoạt thời khóa biểu

Sáng 2-12, thầy Hà Hữu Thạch, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3) cho biết, hiện các lớp đều có sĩ số không quá 35 HS/lớp nên không cần tổ chức tách lớp khi HS trở lại trường. Tuy nhiên, nhằm đảm bảo an toàn cho HS, bàn ghế sẽ được sắp xếp lại đảm bảo quy định về giãn cách. Trong 2 tuần thí điểm dạy học trực tiếp với HS khối 12, thời khóa biểu được thiết kế không quá 4 tiết/buổi, dạy cả sáng thứ bảy. Tất cả buổi chiều trong tuần HS học trực tuyến. Giáo viên chủ yếu triển khai lý thuyết, giao nhiệm vụ học tập trong các buổi học trực tuyến.

Thời gian dạy học trực tiếp trên lớp được dùng để sửa bài tập, củng cố kiến thức cho HS, giáo viên dành thời gian ôn tập kiến thức trọng tâm của chương trình. Song song đó, nhà trường bố trí đầy đủ dung dịch rửa tay, khẩu trang y tế cho tất cả phòng học, lắp đặt thêm đèn khử khuẩn ở nhà vệ sinh, bố trí 1 phòng cách ly y tế gần cổng trường để thuận tiện xử lý khi phát hiện trường hợp nghi nhiễm. 

Tương tự, tại Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1), Hiệu trưởng Vũ Thị Ngọc Dung cho biết, nhà trường tổ chức dạy học 1 buổi/ngày trong 2 tuần thí điểm dạy học trực tiếp cho HS khối 12. Nếu tình hình dịch khả quan mới tổ chức dạy học 2 buổi/ngày trong học kỳ 2.

Các lớp sĩ số không quá 35 HS/lớp, giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn sắp xếp chỗ ngồi cho HS đảm bảo giãn cách. Những lớp có sĩ số cao hơn sẽ được bố trí học tại các phòng bộ môn, thư viện với diện tích rộng hơn để đảm bảo an toàn cho HS. Ngoài ra, nhà trường đã chuẩn bị đầy đủ thuốc bổ gồm vitamin C, D, kẽm để phát cho HS uống khi trở lại trường nhằm tăng cường sức đề kháng. Hiện nay, tỷ lệ HS tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid-19 toàn trường đạt hơn 98%.

Cô Vũ Thị Ngọc Dung bày tỏ: “Hiện, ưu tiên hàng đầu của nhà trường là giáo dục ý thức tự giác cho HS. Trường hợp phát hiện HS hoặc giáo viên nghi nhiễm trong lớp học, sẽ cho những người tiếp xúc gần ở nhà theo dõi sức khỏe chứ không buộc tất cả HS trong lớp quay lại học trực tuyến vì sẽ làm xáo trộn quá trình học tập của các em”. 

Một cách làm khác, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (quận 1) bố trí xen kẽ 1 phòng học và 1 phòng trống, mỗi tầng lầu chỉ hoạt động 50% công suất phòng học. Tới đây, nhà trường đón HS khối 9 và 12 trở lại, trong đó bố trí cả hai hình thức dạy học 1 buổi/ngày và 2 buổi/ngày, có tổ chức bán trú theo nhu cầu của phụ huynh.

Về nội dung giảng dạy, nhà trường bố trí không quá 24 tiết/tuần, kết hợp dạy học trực tiếp và trực tuyến, vừa triển khai chương trình còn lại của học kỳ 1 vừa hệ thống hóa kiến thức các tuần trước đó cho HS.

Thầy Nguyễn Minh, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ, trường ưu tiên dạy học trực tiếp đối với các môn cơ bản, phục vụ tuyển sinh đầu cấp, riêng một số môn như công nghệ, mỹ thuật, âm nhạc tiếp tục triển khai theo hình thức trực tuyến. 

Cần sự phối hợp của phụ huynh

Thầy Nguyễn Thành Phát, Hiệu trưởng Trường THCS Lạc Hồng (quận 10), cho rằng, các phương án phòng chống dịch bệnh cần được tiến hành theo tinh thần bình tĩnh nhưng không chủ quan.

“Dịch bệnh đã thay đổi so với năm học trước nên một số phương án phòng chống dịch hiện tại không còn phù hợp. Để đảm bảo an toàn cho HS, tôi nghĩ cần quan tâm theo dõi sức khỏe đầu giờ cho HS, rà soát các trường hợp có biểu hiện bất thường, quán triệt tinh thần đã sốt thì không đến trường, đến trường thì phải đảm bảo 5K”, thầy Phát chia sẻ.

Đồng quan điểm, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) Huỳnh Thanh Phú cho biết, để công tác phòng chống dịch đạt hiệu quả, cần sự phối hợp tốt giữa nhà trường và cha mẹ HS trong việc khai báo y tế, thông tin các trường hợp nhiễm bệnh trong gia đình, đặc biệt kiên quyết không để HS có biểu hiện bất thường về sức khỏe đến trường học. 

Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Dương Trí Dũng cho biết, mỗi cơ sở giáo dục có đặc thù riêng về địa bàn trú đóng, HS và giáo viên. Do đó, tùy tình hình thực tế, trường học xây dựng phương án phòng chống dịch phù hợp, trong đó phải tính toán kịch bản có thể xảy ra nếu phải chuyển đổi trạng thái hoạt động.

Riêng với những HS chưa tiêm vaccine vì nhiều lý do như chưa đủ tuổi, phụ huynh chưa đồng ý tiêm hoặc nhóm nguy cơ cao, có bệnh nền, thừa cân, béo phì… vẫn được đảm bảo quyền lợi tới trường. Tuy nhiên, những em này sẽ được xem là nhóm đối tượng cần hỗ trợ đặc biệt không chỉ trong vấn đề học tập mà còn sức khỏe, tinh thần để đảm bảo an toàn cho HS.

Theo văn bản hướng dẫn của Sở GD-ĐT TPHCM, trường THPT hoạt động theo cấp độ dịch của TPHCM, cơ sở giáo dục còn lại (mầm non, tiểu học, THCS) hoạt động theo cấp độ dịch của TP Thủ Đức hoặc quận, huyện nơi trú đóng.

Trong đó, cơ sở giáo dục ở địa bàn cấp độ 1 (nguy cơ thấp), tổ chức dạy học trực tiếp không quá 30 tiết/tuần. Cơ sở giáo dục ở địa bàn cấp độ 2 (nguy cơ trung bình) dạy học trực tiếp không quá 18 tiết/tuần, riêng các khối 6, 9 và 12 bố trí học trực tiếp không quá 24 tiết/tuần.

Với cơ sở giáo dục ở địa bàn cấp độ 3 (nguy cơ cao), tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến, trên truyền hình, dạy học trực tiếp không quá 12 tiết/tuần; riêng khối 6, 9 và 12 học trực tiếp không quá 18 tiết/tuần, không tổ chức chương trình nhà trường và dạy học 2 buổi/ngày. Riêng cơ sở giáo dục ở địa bàn cấp độ 4 (nguy cơ rất cao) chỉ tổ chức dạy học trực tuyến, trên truyền hình và giao bài cho HS tự học tại nhà.

Tin cùng chuyên mục