Những ngày qua, giá dầu thô và xăng dầu thành phẩm trên thế giới giảm mạnh. Hiện giá dầu thô thế giới chỉ nằm quanh mức 40 USD/thùng. Ở trong nước, nếu tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã giảm 6 lần, tổng cộng 4.420 đồng/lít và có 4 lần tăng giá, tổng cộng 5.040 đồng/lít. Giá xăng dầu khi tăng, khi giảm nhỏ giọt khiến các doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng phải chịu thiệt. Đây cũng thể hiện sự bất hợp lý trong việc điều hành xăng dầu.
Gần đây nhất, giá xăng RON 92 và xăng sinh học E5 đồng loạt được điều chỉnh giảm gần 800 đồng/lít. Đây cũng là lần đầu tiên trong vòng 3 tháng qua, giá xăng RON 92 xuống dưới ngưỡng 19.000 đồng/lít, còn 18.900 đồng/lít. Thực tế, giá xăng đáng lẽ phải giảm sâu hơn nếu cơ quan quản lý yêu cầu xả quỹ bình ổn hoặc dừng trích quỹ. Bởi hiện quỹ bình ổn vẫn còn ở mức cao, dư hơn 1.300 tỷ đồng. “Cơ chế quỹ bình ổn giá xăng dầu vận hành chưa ổn và không có tác dụng, thậm chí còn để các doanh nghiệp lợi dụng ăn gian, lạm dụng. Trong khi đó, cơ chế thị trường vẫn chưa vận hành đầy đủ do thị trường thiếu cạnh tranh”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Minh Hải, Đại học Quốc gia TPHCM, nhận định. Một nguyên nhân nữa khiến giá xăng dầu trong nước luôn giảm nhỏ giọt, kể cả khi giá thế giới xuống khá thấp như hiện nay là do các khoản thu cho ngân sách luôn tăng.
Mặt khác, các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu hiện đang để mức lãi định mức quá cao lên tới 1.300 đồng/lít. Con số này quá cao so với thông báo đưa ra chỉ khoảng 800 đồng/lít. Cụ thể, với giá dầu giảm mạnh, hiện giá xăng A92 nhập từ Singapore chỉ còn khoảng 62,76 USD/thùng, tương đương 8.858 đồng/lít (nếu tính theo tỷ giá USD bán ra tại Ngân hàng Vietcombank ngày 20-8 là 22.440 đồng/USD). Như vậy, ngay sau khi điều chỉnh giá xăng dầu trong nước thì các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tiếp tục lãi lớn nhờ giá xăng dầu nhập khẩu giảm xuống mức thấp kỷ lục. Do vậy, các cơ quan chức năng phải có biện pháp để doanh nghiệp đầu mối giảm giá xăng dầu theo sát giá thị trường hơn nữa.
Trước những bất cập trên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, vấn đề đặt ra trước mắt là cần phải sửa đổi lại cơ chế chính sách trong Nghị định về quản lý xăng dầu để kích thích sản xuất, tiêu dùng. Bởi giá xăng dầu giảm giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, từ đó giảm giá bán sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa, tạo ra vòng lan tỏa kéo dài trong nền kinh tế, kích thích tổng cầu, khiến nền kinh tế được kích hoạt và mở rộng.
LẠC PHONG