Lo bị mất “sân nhà”

Lo bị mất “sân nhà”

Với tốc độ tăng trưởng bình quân 20% - 25%/năm, ngành nhựa Việt Nam là tầm ngắm của nhiều doanh nghiệp (DN) vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Thời gian gần đây, thị trường nhựa đang chứng kiến cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa DN nội và DN Thái Lan. Thay vì đầu tư xây dựng nhà máy, phát triển thị trường, các ông chủ lớn người Thái đã mua lại hoặc giữ đa số cổ phần trong nhiều DN nhựa lớn của Việt Nam.

Sở hữu công ty nội có thị phần lớn

Trao đổi với chúng tôi, Công ty cổ phần Bao bì Tín Thành (Batico) xác nhận, hiện Tập đoàn SCG Thái Lan đã nắm quyền điều hành công ty sau khi đã mua 80% cổ phần của Batico vào tháng 7 vừa qua. Batico là DN sản xuất bao bì nhựa mềm lớn tại Việt Nam, đã có thâm niên 20 năm hoạt động và chiếm đến 40% thị phần nội địa tại khu vực phía Nam. Hiệp hội Nhựa TPHCM cho biết, Batico sở hữu hệ thống khách hàng có tên tuổi trên thị trường như Nestle, Bayer, Henkel, Dupont, Kinh Đô, CP, Trung Nguyên, Walmart Gấu Đỏ, Vifon, Vinamit... Riêng về quy mô, Batico có nhà máy sản xuất trên khuôn viên đất 18.500m2 xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Nhà máy thứ hai của Batico cũng đang được xây dựng với quy mô lên đến 55.000m2.

Trước đó, SCG cũng đã nắm giữ cổ phần hai công ty nhựa lớn của Việt Nam là Công ty cổ phần nhựa Tiền Phong và Công ty cổ phần nhựa Bình Minh - vốn là hai thương hiệu lớn và có thị phần áp đảo trong ngành nhựa xây dựng. Nhựa Bình Minh có hơn 600 cửa hàng phân phối rộng khắp cả nước, sở hữu hai nhà máy lên đến hơn 90.000m2. Một nhà máy khác đang được phê duyệt đầu tư với quy mô rất lớn lên đến 150.000m2 và có công suất gấp 3 lần tổng công suất hiện nay. Còn Nhựa Tiền Phong có hệ thống phân phối mạnh tại nhiều nước như Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Campuchia và Myanmar. Trong nước, công ty cũng có gần 300 đại lý bán hàng, đặc biệt, thị phần của công ty tại khu vực phía Bắc chiếm hơn 70% toàn thị trường.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc nắm giữ cổ phần hai công ty nhựa hàng đầu Việt Nam, với tổng thị phần chiếm hơn 50% toàn thị trường và thâu tóm hoàn toàn một DN nhựa bao bì lớn khác, cho thấy rõ tham vọng Tập đoàn SCG trong việc chi phối thị trường tiêu thụ ngành nhựa Việt Nam trong thời gian tới.

Nguy cơ mất dần sân nhà 

Đại diện Công ty Nhựa Duy Tân băn khoăn, đáng lo ngại nhất là chính sách thâu tóm thị phần mà các công ty Thái Lan đang theo đuổi. Để phủ rộng thị phần tiêu thụ, họ sẽ thực hiện chính sách 3 - 5 năm không lãi, sản phẩm sẽ bán bằng hoặc dưới giá vốn sản xuất. Họ nhắm vào tâm lý thích giá rẻ, chuộng hàng ngoại của người tiêu dùng Việt, e rằng sẽ là đòn mạnh đánh vào thị phần tiêu thụ còn lại của các DN nhựa nội địa. Thị phần của các DN nội sẽ bị teo tóp và đến khi không còn sức chịu đựng, nhiều DN vừa và nhỏ sẽ phải từng bước bán cổ phần cho DN Thái hoặc sẽ trở thành cơ sở gia công sản phẩm cho các tập đoàn ngoại.

Sản xuất tại một doanh nghiệp Việt Nam có doanh nghiệp Thái Lan mua cổ phần. Ảnh: CAO THĂNG

Liệu các DN Việt ngành nhựa có trụ được trước làn sóng đầu tư ồ ạt của DN Thái Lan hiện nay? Phần lớn các câu trả lời đều không mấy lạc quan. Ông Nguyễn Hoàng Ngân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh cho biết, DN nội thiếu sức đề kháng trước những biến động của thị trường. Bởi xét về quy mô, thị phần tiêu thụ, dù được đánh giá là DN có quy mô lớn nhất nhì tại Việt Nam, nhưng nếu đem so với khu vực thì lại rất nhỏ. Ví dụ như việc Tập đoàn SCG bỏ ra 4 tỷ USD để xây dựng nhà máy sản xuất nguyên liệu nhựa, e là chưa DN Việt Nam nào có thể là đối thủ! Hiện Tập đoàn SCG đã sở hữu 20,4% cổ phần Nhựa Bình Minh, nhưng thời gian tới, họ có tăng lượng cổ phần sở hữu để nắm quyền điều hành công ty như đã làm với Batico hay không - là chuyện không thể nói trước. Điều đó hoàn toàn nằm trong tầm tài chính cho phép của họ và phụ thuộc vào cuộc ngã giá giữa SCG với cổ đông Nhựa Bình Minh.

Một thực tế đáng ngại khác, đó là nhiều năm qua, DN nhựa Việt Nam vẫn lệ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Với 80% nguồn nguyên liệu phải nhập khẩu cộng với biến động về tỷ giá ngoại tệ, các DN nhựa Việt Nam đang phải kinh doanh trong tình trạng chao đảo cùng giá dầu và tỷ giá. Chỉ tính trong năm 2015, DN nhựa tưởng chừng như mình có thể thắng lớn vì giá dầu thế giới giảm sâu kéo theo giá nguyên liệu giảm. Nhưng việc điều chỉnh tỷ giá ngoại tệ bất ngờ vừa qua đã khiến các DN nhựa gần như mất trắng khoản lợi nhuận quý cuối năm. Thông tin Tập đoàn SCG đang đầu tư 4 tỷ USD xây dựng nhà máy sản xuất nguyên liệu nhựa tại Long Sơn đang gia tăng thêm áp lực lên ngành nhựa nội địa, bởi lợi thế cạnh tranh sẽ nghiêng hẳn về phía DN ngoại!

Có thể thấy, ngành nhựa Việt Nam với mức tăng trưởng hấp dẫn 20% - 25%/năm đang là đích nhắm đến của các DN ngoại, đón đầu thời điểm Việt Nam mở cửa hội nhập Cộng đồng kinh tế Asean. Rồi sẽ có nhiều ngành sản xuất tăng trưởng mạnh của Việt Nam như chế biến thực phẩm, bia, thuốc lá… sẽ phải chịu những áp lực tương tự. Giải pháp để giúp DN nội có thể trụ vững trên thị trường nội địa là tăng cường xuất khẩu, chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất. Tuy nhiên, đây vẫn còn là ước mơ rất xa…

ÁI VÂN

Tin cùng chuyên mục