Ngày 1-9, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Tài chính phối hợp tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế (7 luật). Mục đích là tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp trong hội nhập, cải cách thủ tục hành chính thuế, nhưng một số ý kiến cho rằng, dự thảo vẫn bộc lộ nhiều bất cập, tạo sự thiếu ổn định.
Băn khoăn chuyện khống chế vay
Tại điều khoản sửa đổi quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp, dự thảo đã bổ sung quy định về khống chế chi phí lãi tiền vay không được trừ vào chi phí đối với khoản vay vượt quá nhiều lần chủ sở hữu (vốn mỏng). Đó là chi phí lãi tiền vay không được vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu (5:1) đối với lĩnh vực sản xuất, vượt quá 4 lần (4:1) đối với các lĩnh vực còn lại. Từ 1-1-2019, tỷ lệ này tương ứng là 4:1 và 3:1. Lý giải dự kiến trên, Bộ Tài chính cho biết, nguyên nhân khiến doanh nghiệp bị lỗ một phần do chi phí tài chính (vay). Bên cạnh đó, kinh nghiệm từ Mỹ, Pháp, Đức, Canada... và các thống kê từ tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp khác thì tỷ lệ vốn vay/vốn chủ sở hữu cũng nằm trong tỷ lệ nêu trên. Chính vì vậy, quy định như vậy là cần thiết nhằm phản ánh đúng chi phí lãi vay phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần đảm bảo an toàn tài chính, tăng tính lành mạnh, chống chuyển giá... Bà Đặng Thị Bình An, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Tư vấn thuế C&A đồng tình có quy định này bởi lẽ, thực tế nhiều doanh nghiệp khai không đúng vốn của mình, độ tin cậy thấp, trong khi đối tác thường nhìn vào vốn doanh nghiệp đăng ký nhưng con số đó không có thật. Để tạo sự tin cậy trong giao dịch của các doanh nghiệp cần có quy định như vậy để tạo sự tin cậy khi các doanh nghiệp giao dịch với nhau.
Ở quan điểm ngược lại, ông Phạm Ngọc Long, Giám đốc cấp cao Phòng Tư vấn thuế, Công ty Grant Thornton Việt Nam, cho rằng, dù có thực tế nêu như Bộ Tài chính nhưng điều này không hoàn toàn đúng. Bởi lẽ, tổ chức tài chính cho doanh nghiệp vay thì phải đánh giá khả năng thu hồi vốn vay và lãi vay. Nếu dự án khả thi thì tổ chức tài chính sẵn sàng cho vay và chịu rủi ro về vốn này. Đó cũng là quyền tự chủ của doanh nghiệp. Còn giả sử lãi vay làm doanh nghiệp phát sinh lỗ thì doanh nghiệp cho vay lại có thu nhập từ lãi vay và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Như vậy không thể cho rằng vì lãi vay làm thất thu ngân sách. Còn việc Bộ Tài chính cho rằng doanh nghiệp lỗ triền miên trong khi doanh thu luôn tăng trưởng, doanh nghiệp mở rộng quy mô kinh doanh mà nguyên nhân là do chi phí tài chính. Theo ông Long, lý do này không hợp lý vì đó là vấn đề chuyển giá. Số chi phí vay có thể lớn, nhỏ căn cứ vào quy mô doanh nghiệp, khoản vay và dự án đầu tư, do vậy không nên căn cứ vào lãi vay trả vài ngàn tỷ đồng/năm mà làm khó cho hoạt động doanh nghiệp.
Chia sẻ quan điểm của mình, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, cho biết, chúng ta đã có Luật Đầu tư, trong đó đã quy định rõ vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu để ngăn tình trạng kinh doanh không có vốn, đầu tư an toàn. Do vậy, ban soạn thảo cần cân nhắc. Mặt khác, sản xuất từng ngành nghề như: công nghệ cao, điện thì tỷ lệ vay cũng khác nhau.
Thay đổi cách tính thuế TTĐB
Dự thảo sửa đổi đã quy định giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với hàng hóa sản xuất trong nước là giá do cơ sở sản xuất bán ra; đối với hàng hóa nhập khẩu (trừ xăng các loại) là giá do cơ sở nhập khẩu bán ra. Trường hợp bán hàng qua các công ty con hoặc bán hàng qua công ty con khác trong cùng công ty mẹ thì giá tính thuế TTĐB là giá do các công ty con bán ra thị trường (trừ ô tô dưới 24 chỗ ngồi). Quan hệ công ty mẹ - con được xác định theo quy định của Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành. Minh chứng cho sự bất cập này, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam cho rằng, dự thảo quy định “đối với hàng hóa nhập khẩu (trừ xăng các loại) là giá do cơ sở nhập khẩu bán ra” là không hợp lý, nhất là với rượu nhập khẩu. Bởi lẽ, nếu tính như vậy sẽ làm tăng số thuế TTĐB vì hàng hóa sẽ bị nộp thuế tại 2 khâu: khâu nhập khẩu và khâu bán hàng ra trong nước. Theo tính toán của các doanh nghiệp nhập khẩu rượu sẽ làm tăng thuế TTĐB tới 15%, như vậy “thuế TTĐB sẽ là 60% - 65% chứ không phải 55%” như Luật Thuế TTĐB sửa đổi, bổ sung sẽ có hiệu lực từ 1-1-2016 tới. Việc mức thuế đánh cao sẽ dẫn đến hiện tượng trốn thuế, nhập lậu, hàng giả... gia tăng, khó kiểm soát, làm thất thu ngân sách. Đại diện Nhóm các nhà công nghiệp quốc tế - hội viên của Tiểu ban rượu vang và rượu mạnh thuộc Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam - cũng cho rằng, quy định nêu trên sẽ làm cho doanh nghiệp nhập khẩu rượu gặp khó khăn về dòng tiền do phải đóng thuế tại khâu nhập khẩu sau đó một thời gian mới được khấu trừ thuế TTĐB ở khâu bán ra cho nhà phân phối. Điều này là vô lý, tạo gánh nặng về tài chính và hành chính không cần thiết cho doanh nghiệp.
Đánh giá cao việc sửa đổi để phù hợp với việc các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam cam kết cũng như hỗ trợ doanh nghiệp nhưng bà Nguyễn Thị Cúc cho rằng, chính sách cần phải hướng tới tính dài hơi và ổn định hơn. Bởi lẽ, có những điểm trước kia khi sửa đổi, hiệp hội kiến nghị nhưng không được thay đổi, nay dự thảo luật này lại đưa vào khiến cho thiếu sự ổn định khi luật mới ban hành đã phải sửa, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Mặt khác, nếu không sửa có hệ thống các hướng dẫn cũng sẽ tạo sự khác nhau trong cách hiểu giữa cơ quan thuế và doanh nghiệp.
HÀ MY