Lo không đạt chỉ tiêu thu hút đầu tư

Lo không đạt chỉ tiêu thu hút đầu tư

Tính đến hết tháng 9-2016, tổng vốn thu hút đầu tư chỉ mới đạt 50,65% so với mục tiêu đặt ra (354,77 triệu USD). Tình hình này cũng được dự báo không mấy khả quan hơn trong những tháng còn lại cuối năm. Đó là khẳng định của đại diện Ban quản lý Khu chế xuất - Khu công nghiệp TPHCM (Hepza) tại cuộc họp thông báo về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư của các doanh nghiệp (DN) trong khu.

Không thu hút được dự án lớn

Ông Trần Việt Hà, Trưởng phòng Quản lý đầu tư Hepza, cho biết, mục tiêu đặt ra cho năm 2016, tổng vốn đầu tư thu hút kể cả cấp mới và điều chỉnh của toàn khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX-KCN) trên địa bàn thành phố phải đạt là 700 triệu USD. Với mức này, Hepza đã hạ hơn mức thu hút đầu tư so với năm 2015. Thế nhưng, tính đến nay chỉ mới đạt được 50,65%. Trong đó, với đầu tư nước ngoài có 14 dự án mới, 23 dự án điều chỉnh vốn, đạt tổng vốn đầu 161,17 triệu USD, giảm 67,4% so với cùng kỳ năm 2015. Với đầu tư trong nước, có 50 dự án mới, 18 dự án điều chỉnh vốn, đạt tổng vốn đầu tư 187,05 triệu USD, giảm 26,9% so với cùng kỳ năm 2015. Tổng mức đầu tư giảm đã kéo theo diện tích đất cho thuê tại các KCX-KCN giảm theo. Hiện tổng diện tích đất được cấp đạt 50,12ha, giảm 57,71%. Diện tích nhà xưởng cho thuê cũng chỉ đạt gần 40.000m2, giảm 25,52% so với cùng kỳ năm 2015.

Sản xuất linh kiện điện thoại di động tại doanh nghiệp Hoa Kỳ trong Khu chế xuất Linh Trung 2. Ảnh: CAO THĂNG

Rất nhiều nguyên nhân đã được đại diện Hepza đưa ra để lý giải cho vấn đề này. Cụ thể, liên quan đến lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, thành phố đang có chủ trương đẩy mạnh thu hút đầu tư loại hình DN này thế nhưng quy định gần đây về nhập khẩu trang thiết bị máy móc không quá thời hạn 10 năm sử dụng khiến nhiều DN Việt Nam và Nhật Bản nản lòng. Trong kiến nghị của các DN gửi các cơ quan chức năng liên quan cho biết, máy móc cơ khí chế tạo là loại hình máy móc rất đặc biệt, không được sản xuất đại trà và thời hạn sử dụng thường kéo dài vài chục năm. Thậm chí nhiều DN Nhật Bản cho biết, họ phải chuyển máy cái đang sử dụng tại Nhật Bản sang chứ không thể mua trên thị trường. Tuy nhiên, do vướng phải quy định trên nên những thủ tục liên quan đến nhập khẩu máy móc trên đành phải đình lại chờ xin ý kiến giải quyết. Chưa kể, các KCX-KCN của thành phố đã hình thành khá lâu nên hạ tầng có sự xuống cấp nhất định. Diện tích đất cho thuê không linh hoạt và đáp ứng đa dạng nhu cầu thuê của nhà đầu tư. Quan trọng hơn là việc kết nối hạ tầng giao thông giữa các khu với các khu và giữa các khu với hệ thống cảng trung chuyển hết sức khó khăn cũng gây tâm lý ngán ngại cho các nhà đầu tư khi chọn TPHCM làm điểm đến.

Một trở ngại khác liên quan đến luật đất đai. Theo Luật Đất đai 2013 quy định về thu tiền thuê đất, nếu chủ đầu tư hạ tầng KCX-KCN đóng tiền cho nhà nước một lần thì được thu tiền thuê đất của nhà đầu tư thứ cấp một lần hoặc hàng năm. Thế nhưng, trường hợp nhà đầu tư hạ tầng đã thu tiền thuê đất của nhà đầu tư thứ cấp một lần nhưng chưa đóng tiền thuê đất cho nhà nước một lần mà vẫn đóng hàng năm thì nhà đầu tư thứ cấp bị cắt toàn bộ quyền được thế chấp diện tích sổ đỏ để vay vốn ngân hàng mở rộng sản xuất. Chưa kể, nếu phải đóng tiền một lần thì chi phí đầu tư quá lớn gây khó cho các chủ đầu tư hạ tầng. Không những thế, những vướng mắc liên quan đến Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp… chậm được bộ ngành liên quan sửa đổi gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp.

Thiếu kết nối hạ tầng, KCX-KCN mất điểm với nhà đầu tư

Đại diện Hepza khẳng định, đơn vị đang nổ lực thực hiện nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư như giảm 30% thời gian làm thủ tục; khai thác quỹ đất mới. Cụ thể là tăng cường xây dựng nhà xưởng cao tầng tại KCX Tân Thuận và Hiệp Phước, hoàn thiện hạ tầng KCN Lê Minh Xuân 3, mở rộng KCN Cơ khí ô tô. Các dự án hạ tầng này cũng sẽ thực hiện chính sách cho thuê diện tích linh hoạt đáp ứng đa dạng nhu cầu của nhà đầu tư thứ cấp. Theo đó, nhà đầu tư thứ cấp có thể thuê diện tích từ 1.500m2 - 20ha.

Tuy nhiên, dù nhiều giải pháp thu hút đầu tư đang được triển khai nhưng khả năng đạt chỉ tiêu thu hút đầu tư đặt ra cho năm 2016 gần như rất khó đạt được. Trên thực tế, những giải pháp đang thực hiện trên chỉ mới giải quyết phần ngọn những bất cập trong hoạt động đầu tư. Còn những giải pháp căn cơ hơn chưa được thành phố tính đến một cách tổng thể và căn cơ. Theo nhiều DN đang và có ý định đầu tư tại thành phố, mất điểm lớn nhất của thành phố chính là kết nối giao thông. Đại diện KCX Tân Thuận cho biết, trước thời điểm hiện tại 5 năm, một xe vận chuyển container có thể quay vòng 4 - 5 chuyến/ngày. Thế nhưng hiện nay chỉ khoảng 2 tuyến/lần. Tình trạng kẹt xe, ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố ngày càng nghiêm trọng. Những kiến nghị liên quan đến tăng cường phát triển hệ thống cảng để tận dụng giao thông thuỷ thay cho giao thông đường bộ vẫn chưa được xem xét giải quyết. Chưa kể, giá thuê đất tại các KCX-KCN thành phố cao hơn rất nhiều so với những tỉnh thành lân cận… Do vậy, ngoài những giải pháp hỗ trợ vốn đầu tư, giảm nhũng nhiễu về thủ tục hành chính cho DN thì tăng tốc cho đầu tư hạ tầng, cải thiện hiện trạng giao thông của thành phố là yếu tố rất quan trọng để tạo sức bật trong thu hút đầu tư tại TP HCM trong thời gian tới.

MINH XUÂN

Tin cùng chuyên mục