Lo lắng với “thảm họa nhạc Việt”

Thời gian qua, công chúng yêu nhạc bức xúc vì sự xuất hiện liên tục của các sáng tác tự nhiên chủ nghĩa, thiếu tính thẩm mỹ, thể hiện bằng ngôn từ đường phố, thô tục, mô tả sự trần trụi của đời sống… Tất cả được nhồi nhét trong các sáng tác mới và được rộng rãi tung hê.
Lo lắng với “thảm họa nhạc Việt”

Thời gian qua, công chúng yêu nhạc bức xúc vì sự xuất hiện liên tục của các sáng tác tự nhiên chủ nghĩa, thiếu tính thẩm mỹ, thể hiện bằng ngôn từ đường phố, thô tục, mô tả sự trần trụi của đời sống… Tất cả được nhồi nhét trong các sáng tác mới và được rộng rãi tung hê.

  • Những làn sóng chỉ trích

Khởi mào của dòng nhạc… thảm họa chính là sản phẩm Da nâu do người mẫu P.T.V. trình diễn. Trong một thời gian dài, công chúng, giới chuyên môn đã chỉ trích ca khúc này mạnh mẽ vì sự phản cảm của ca khúc, sự thiếu tôn trọng công chúng và kém ý thức nghề nghiệp trong quá trình sáng tác, trình diễn. Tuy nhiên, sau Da nâu, người sáng tác, biểu diễn vẫn bất chấp những phê phán, tiếp tục tạo sóng gió với Tâm hồn là vĩnh cửu. Công chúng lại một phen bật ngửa, sốc với sản phẩm mới này. Nhiều nhạc sĩ lắc đầu: “Miễn bình luận. Đó là một hạt sạn trong nghệ thuật, sau năm bữa nửa tháng, ắt nó sẽ bị đào thải”.

Live show Tự tình quê hương 2 của ca sĩ Cẩm Ly với những bài dân ca có ca từ trong sáng.

Live show Tự tình quê hương 2 của ca sĩ Cẩm Ly với những bài dân ca có ca từ trong sáng.

Thế nhưng không hẳn thế, khi ca khúc thảm họa ra đời, được sự quan tâm khá đặc biệt của dư luận, hàng loạt sản phẩm âm nhạc khác xuất hiện a dua theo xu hướng này. Những Nói dối, Không bao giờ bó tay 1, Đừng yêu em… lần lượt phô diễn sự thiếu ý thức, bất chấp dư luận. Khi bị phê phán, giọng ca mới toanh P.M. còn thừa nhận: “Trước đây, tôi chỉ là một ca sĩ trẻ, không tên, không tuổi, vật lộn kiếm từng show diễn để chứng tỏ năng lực của mình. Nhưng sau khi được gắn cái biệt danh “thảm họa”, là mọi thứ trở nên suôn sẻ với tôi hơn…”.

Gần đây nhất là vụ ồn ào của ca khúc Rắc rối khi lọt vào tốp đầu ở một giải thưởng âm nhạc. Sáng tác nhạc rap này có nội dung châm biếm mặt trái của giới showbiz Việt. Tuy nhiên, rapper K. đã sử dụng ca từ nhảm nhí, đậm đặc chất đường phố mang tính bạo lực, lời lẽ thô tục, thiếu văn hóa gây phản cảm…

  • Định hướng văn hóa đại chúng

GS-NS Ca Lê Thuần nhận định: “Văn học nghệ thuật không phải là sân chơi, đó là thánh đường”. Nhưng, nhìn vào những sản phẩm âm nhạc hôm nay sẽ thấy quá nhiều cảnh đời thường, sự nhếch nhác về tâm hồn, sự dung tục bản năng… ngập tràn trong các sản phẩm mới, như vậy, “thánh đường” nghệ thuật bị biến thành sân chơi không dấu ấn, thiếu giá trị của nhiều tác giả, người biểu diễn trẻ.

Quan trọng hơn, khi một bộ phận công chúng trẻ không thận trọng trong việc chọn lọc sản phẩm nghệ thuật để cổ vũ đã dẫn đường cho những người sáng tác, biểu diễn đi theo những thị hiếu lạc lõng. Điều này, thế giới gọi là tai hại của văn hóa đại chúng.

Trong tình hình hiện nay cần nhấn mạnh đến trách nhiệm của cơ quan quản lý văn hóa do đã ít nhiều buông lỏng kiểm soát và một số cơ quan ngôn luận, những người làm công tác tuyên truyền (nhất là báo mạng) dù vô tình hay cố ý đã góp phần tung hê cho các sản phẩm kém chất, phản cảm đến với công chúng.

Riêng các đơn vị kinh doanh nhạc chuông, nhạc chờ… vì lợi nhuận đã ủng hộ các ca khúc “thảm họa” nhằm hốt bạc. Tất cả các vấn đề trên cần phải được chấn chỉnh và định hướng lại với những quy định pháp luật ràng buộc chặt chẽ để răn đe và ngăn chặn sự bùng phát của những hạt sạn trong nhạc Việt.

Nhìn toàn cảnh, cái gốc của những vấn đề bất cập trong lĩnh vực âm nhạc hiện nay, đặc biệt thể hiện trên các sân khấu ca nhạc như trang phục hở hang, phong cách biểu diễn phản cảm, hát sai lời, sai nhạc, hát nhép, ca khúc nhạt nhẽo… tồn tại quá lâu là do trình độ kiến thức chuyên môn của người làm nghề còn thiếu cái tâm và trách nhiệm.

Một khi thị trường âm nhạc còn nhan nhản những ca khúc nhảm nhí và những màn trình diễn phản thẩm mỹ, kém chất lượng mà vẫn được một bộ phận công chúng, nhà kinh doanh, báo mạng cổ vũ, ủng hộ, thì sự phát triển nghệ thuật âm nhạc sẽ tụt dốc và làm lu mờ các giá trị văn hóa chính thống – văn hóa nghệ thuật dân tộc. 

THÚY BÌNH

Tin cùng chuyên mục