Lo ngại kinh tế suy thoái bởi dịch Covid-19, hệ thống tài chính quốc tế vào cuộc

Trong bối cảnh các công ty kinh doanh và chuỗi cung ứng chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19 đã xuất hiện nhiều biện pháp nhằm “phá” thế khó khăn. Cùng với sự tự thân của các doanh nghiệp, chính phủ và các tổ chức tài chính quốc tế đã bật tín hiệu hỗ trợ để vực dậy các nền kinh tế.  

“Cái khó ló cái khôn”

Trong lúc người tiêu dùng Trung Quốc đang hạn chế đi lại để tránh nguy cơ trở thành nạn nhân của dịch Covid-19, các doanh nghiệp ở quốc gia đông dân nhất thế giới này đang thử nghiệm các biện pháp mới để có thể đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng một cách dễ dàng hơn. 

Một điểm bán rau “không chạm” (zero-touch) của Công ty dầu khí Sinopec tại Trung Quốc.  Ảnh: Reuters    
Theo đó, Công ty dầu khí Sinopec đã triển khai chiến dịch bán rau “không chạm” (zero-touch) tại 6.000 trạm xăng của Sinopec ở 147 thành phố. Với sáng kiến này, người tiêu dùng có thể đặt hàng và thanh toán trước các đơn hàng trên ứng dụng di động Sinopec. Khi nhận hàng, người tiêu dùng chỉ việc lái xe đến các trạm xăng, sau đó nhân viên tại trạm xăng sẽ đặt những túi đồ đã soạn sẵn vào cốp xe khách hàng. 

Trong khi đó, hệ thống máy bán hàng tự động của Công ty sữa Mengniu Dairy cho phép khách hàng đặt mua các sản phẩm như sữa và sữa chua trực tuyến, sau đó có thể tới lấy trực tiếp từ các máy bán hàng tự động tại địa phương nơi họ sinh sống. Những cách thức trên có thể loại bỏ hoàn toàn các tiếp xúc trực tiếp giữa người với người mà vẫn mang lại hiệu quả thiết thực cho cả người bán lẫn người mua. 

Cũng như Trung Quốc, tại Hàn Quốc đã xuất hiện mô hình “bán buôn cộng đồng” bằng cách thực hiện giao hàng số lượng lớn cho các khu nhà ở và các cộng đồng dân cư khác giúp những người sống tại đây không phải di chuyển quá xa để mua sắm.

Ngoài ra, các nhà phát triển ứng dụng di động của Hàn Quốc đã tạo ra các ứng dụng phù hợp giúp người dân theo dõi bệnh dịch. Nở rộ nhất là ứng dụng có tên Corona 100m của nhà cung cấp Bae Won-Seok. Trong khi đó, Lee Jun-young, nhà phát triển ứng dụng Bản đồ Corona, cho biết, anh tạo ra ứng dụng vì thấy dữ liệu của chính phủ có phần khó hiểu. Trao đổi với CNN Business, các nhà phát triển ứng dụng cho biết, họ đang tự bỏ tiền để chạy ứng dụng.

G7 nhất trí nỗ lực hết mình

Ngày 3-3, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin tuyên bố, bộ trưởng tài chính cùng với thống đốc ngân hàng trung ương các nước thuộc Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã nhất trí làm hết mức có thể nhằm hạn chế tổn thất từ dịch Covid-19 đang lây lan nhanh chóng. Theo đó, tổ chức này sẽ sẵn sàng thực thi hành động, trong đó có các biện pháp tài chính thích hợp để hỗ trợ ổn định giá cả và tăng trưởng kinh tế nhằm đối phó dịch Covid-19. 

Cùng ngày, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định cắt giảm lãi suất khẩn cấp 0,5%, xuống còn biên độ từ 1,0%-1,25%, nhằm ứng phó với nguy cơ dịch Covid-19 tác động đến nền kinh tế đang tăng trưởng của mình. Đây là mức giảm lãi suất lớn nhất của FED kể từ năm 2008. 

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 2-3 khẳng định sẵn sàng hỗ trợ các quốc gia thành viên giải quyết thảm họa nhân đạo và tác động kinh tế do dịch Covid-19 gây ra. Hãng tin Bloomberg cho biết, IMF và WB sẽ sử dụng những công cụ sẵn có với khả năng cao nhất có thể, trong đó có tài trợ khẩn cấp, tư vấn chính sách và hỗ trợ kỹ thuật. 

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng cho biết sẵn sàng hành động do lo ngại những tác động gia tăng của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế toàn cầu. Dự kiến, Hội đồng Quản trị của ECB sẽ tổ chức họp về chính sách tiền tệ vào ngày 12-3 tới đây tại thành phố Frankfurt, Đức. Giới quan sát cho rằng diễn biến thị trường sẽ phụ thuộc vào mức độ an tâm mà thị trường nhận được từ các thông điệp của các ngân hàng trung ương.

Tin cùng chuyên mục