Lo ngại sự cố thang máy

Hầu hết chung cư, nhà cao tầng hiện nay đều lắp đặt thang máy, giúp người dân di chuyển thuận tiện. Song cùng với những tiện ích, việc sử dụng thang máy cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, sự cố. Làm gì để ngăn chặn tai nạn thang máy xảy ra? Khi xảy ra sự cố thang máy, nạn nhân, người xung quanh cần làm gì để hạn chế thiệt hại, hậu quả? 

Hậu quả khôn lường

Cảnh sát PCCC và CNCH từng đưa ra rất nhiều khuyến cáo, lưu ý để người dân sử dụng thang máy an toàn. Ngoài ra, khi cung cấp, lắp đặt thang máy, nhà sản xuất, đơn vị thi công cũng hướng dẫn chi tiết cách thức vận hành, sử dụng, cách khắc phục để hạn chế hậu quả khi xảy ra sự cố. Song các tai nạn, sự cố liên quan đến thang máy vẫn liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây.

Gần đây nhất, rạng sáng 5-6-2019, tại tòa nhà cao tầng số 33 Lê Duẩn (phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM) xảy ra sự cố kẹt thang máy ở vị trí giữa tầng 2 và tầng 3. Lúc này, trong buồng thang có 21 người, ai nấy đều hoảng sợ, kêu la thất thanh. Vì quá hoảng sợ và thiếu không khí để thở, một số nạn nhân đã ngất xỉu. Rất may, Cảnh sát PCCC và CNCH kịp thời có mặt, giải cứu tất cả những người mắc kẹt trong thang. 

Lo ngại sự cố thang máy ảnh 1 Cảnh sát PCCC - CNCH tác nghiệp sự cố kẹt thang máy tại tòa nhà 33 Lê Duẩn 
rạng sáng 5-6

Trước đó, ngày 23-9-2018, tại một nhà hàng ở quận Phú Nhuận xảy ra vụ tai nạn thang máy chết người. Nạn nhân tử vong là nam nhân viên (18 tuổi, quê Đắk Lắk). Khi người này tất bật chuyển hàng hóa vào buồng thang máy để chuyển lên tầng trên cho thực khách, bất ngờ thang đóng cửa, kẹp chặt. Dù lực lượng bảo vệ nỗ lực phá cửa thang, đưa nam thanh niên ra ngoài nhưng nạn nhân đã tử vong.

Thảm cảnh hơn, tại Đà Nẵng, đêm 29-1-2016, 6 công nhân của dự án khách sạn Royal Lotus Đà Nẵng vận chuyển vật liệu, sắt thép lên các tầng cao của công trình bằng thang máy. Khi thang lên gần đến tầng 5 thì bất ngờ buồng thang văng ra ngoài. Tai nạn làm 5/6 người có mặt trong thang tử vong tại chỗ, người còn lại bị thương rất nặng.   

Đó là 3 trong số hàng chục sự cố, tai nạn thang máy xảy ra trong cả nước chỉ trong vòng 3 năm qua. Qua xác minh, điều tra của lực lượng chức năng cho thấy, nguyên nhân phần lớn sự cố thang máy chủ yếu xuất phát từ cá nhân, đơn vị thi công lắp đặt, quản lý, sử dụng: Vận hành sai cách; lắp đặt không chuẩn; không bảo trì, bảo dưỡng thang máy theo quy định; thiếu kiến thức về sử dụng thang máy; không phối hợp kịp thời với lực lượng chức năng khi sự cố xảy ra…

Đơn cử như vụ rơi buồng thang máy làm 5 người chết tại Đà Nẵng, kết luận điều tra của cơ quan chức năng cho thấy, theo quy định, thang máy này chỉ cho phép chở người, không được phép chở hàng. Thế nhưng, người vận hành thang ngoài đưa người vào còn chở cả vật liệu xây dựng, dẫn đến thang bị quá tải, gây ra sự cố. 

Phải có kiến thức vận hành và xử lý sự cố thang máy

Theo Công an TPHCM, để ngăn chặn các sự cố, tai nạn thang máy xảy ra, trước hết cá nhân, tổ chức quản lý, vận hành thang máy phải có trách nhiệm bảo dưỡng, bảo trì thang máy đúng theo yêu cầu, quy định.

Bảo trì thang máy định kỳ là bảo vệ tính mạng cho khách hàng, người thân, người xung quanh và cho chính bản thân mình. Khi phát hiện thang máy “có vấn đề”, hư hỏng, cần phong tỏa không để người khác sử dụng thang máy; đồng thời phối hợp với nhà sản xuất hoặc ngành chức năng kiểm tra, khắc phục ngay sự cố.

Người sử dụng thang máy tuyệt đối không để thang máy bị quá tải. Mỗi thang máy đều có quy định mức tải trọng cho phép, khi quá tải, thang máy sẽ báo hiệu bằng âm thanh cảnh báo sau đó tắt, nếu người sử dụng thang máy cố tình chở quá tải, nguy cơ tai nạn là rất lớn. 

Thượng tá Đỗ Văn Kháng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (PC07) Công an TPHCM, nhấn mạnh khi đi thang máy gặp phải sự cố nạn nhân cần hết sức bình tĩnh, không hoảng loạn: “Chỉ một người mất bình tĩnh thì những người bên cạnh cũng sẽ hoảng theo, dễ dẫn đến xáo động, xô đẩy, kích động, gia tăng nguy hiểm. Thay vào đó, nạn nhân cần bình tĩnh, gọi điện thoại vào số 114, hoặc kêu cứu, truyền âm thanh ra ngoài để nhờ người bên ngoài can thiệp. Việc cứu nạn sẽ không gặp khó khăn nhiều nếu Cảnh sát PCCC - CNCH nhận tin sớm”.

Lãnh đạo PC07 Công an TPHCM cho biết, trong buồng thang máy, khi sự cố xảy ra, điện ngắt, máy lạnh ngưng hoạt động, nhưng vẫn có một lượng nhỏ ôxy để thở bởi buồng thang máy vẫn có khe hở. Áp suất trong thang máy và bên ngoài là như nhau, chỉ có khi lên tầng cao mới có sự chênh lệch áp suất. 

Đại diện PC07 cũng lưu ý, khi bị kẹt trong thang máy, nạn nhân không nên cố gắng cạy cửa. Việc này vừa khó, vừa làm tổn hao sức lực.

Trong trường hợp thang máy rơi tự do, hoặc đang bị kẹt trên tầng cao, nếu trong thang có 1 người hoặc ít người, nạn nhân hãy nằm ngửa chính giữa sàn; trường hợp có nhiều người trong thang máy, hãy ngồi ở tư thế bó gối. Như thế sẽ giảm chấn động cơ thể ở mức thấp.

Mỗi người cần tự trang bị, cập nhật cho mình những kiến thức cơ bản nhất về cách ngăn ngừa cũng như kỹ năng xử lý sự cố kẹt thang máy, để khi gặp sự cố, thiệt hại được kéo giảm ở mức thấp nhất.

Tin cùng chuyên mục