Loại bỏ bệnh vô cảm, hành dân

Theo dõi mấy phiên chất vấn tại Quốc hội gần đây, có thể nhận thấy một điều, chưa bao giờ mà câu nói cửa miệng của người dân “hậu duệ, quan hệ, tiền tệ rồi mới đến trí tuệ” lại được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) dẫn giải nhiều như vậy để nói về thực tế nhức nhối hiện nay trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ, công chức.

Cũng đã từ lâu, vấn đề bộ máy công vụ cồng kềnh, ngày càng phình ra bất chấp các giải pháp tinh giản biên chế, sắp xếp bộ máy; vấn đề một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức kém chất lượng, ì ạch làm việc, thậm chí gây phiền nhiễu cho người dân, doanh nghiệp cũng đã bị xã hội kêu ca, phàn nàn nhiều. Điều này cũng đã được đặt ra từ lâu, nhiều lần trên nghị trường Quốc hội, thậm chí còn được định lượng bằng một con số khoảng 30% cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”. Ngay tại kỳ họp này, trong phần chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình, ĐB Đỗ Văn Đương (TPHCM) đã chỉ ra phản ánh của dư luận là ngày càng có nhiều người kém năng lực chui vào khu vực nhà nước, còn người giỏi thì tìm cách thoát ra. “Vì sao số công chức tận tâm với công việc và sáng tạo trong công tác ngày càng ít, nhưng số công chức lười nhác, chỉ một dạ hai vâng, lại ham muốn trở thành lãnh đạo ngày càng nhiều” - ĐB Đỗ Văn Đương nêu câu hỏi.

Đây không chỉ là trăn trở của riêng ĐBQH Đỗ Văn Đương, mà đáng tiếc, đây còn là thực tế đang xảy ra ở bất cứ cơ quan nhà nước nào. Và dĩ nhiên, người dân cho rằng, đó chính là nguyên nhân chính làm gia tăng bộ máy hành chính, cũng là nguyên nhân của nạn tham nhũng. ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) thậm chí cho rằng, một bộ phận cán bộ, công chức không muốn đơn giản hóa thủ tục hành chính, mà tìm mọi cách để hành dân và hành doanh nghiệp. “Đây là một nhận xét cách đây 20 năm nhưng vẫn còn đúng với ngày hôm nay. Nếu không có bước đột phá thì có thể 10 năm sau vẫn lặp lại nhận xét này”, ĐB Bùi Mạnh Hùng nói. Còn ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) thì không chỉ đau vì sự xuống cấp về đạo đức cũng như nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức. “Bây giờ lại thêm cái bệnh mà nhiều người gọi đó là bệnh vô cảm đang khá phổ biến hiện nay và ngày càng tăng”, ĐB Nguyễn Sỹ Cương nhận xét.

Dĩ nhiên, như ĐB Nguyễn Sỹ Cương cũng thừa nhận, để đòi hỏi một người cán bộ, công chức, viên chức phải biết đồng cảm trong thực thi công vụ là điều rất khó. Nhưng mà yêu cầu phải thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao thì không phải là điều khó. Chắc hẳn người dân cũng chỉ mong như vậy. Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm trong một lần phát biểu ở thảo luận tổ cũng đã phải thốt lên: “Chúng ta kêu gọi người dân thực thi pháp luật. Nhưng dân bảo chỉ cần các cơ quan nhà nước thực thi đúng pháp luật là tốt lắm rồi. Quá xấu hổ”. Còn ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) thì lý giải: Vì sao dân cứ đưa tiền cho cán bộ khi thực hiện các giao dịch. Vì họ mất lòng tin, vì họ sợ không đưa tiền thì không được việc. Đó chính là cái vòng luẩn quẩn khiến cho căn bệnh tham nhũng vặt cứ ngày càng nảy nở, còn lòng tin của người dân, doanh nghiệp vào bộ máy công vụ thì bị hao mòn đi.

Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, trước bức xúc của dư luận, trong năm 2013 đã tiến hành phân loại cán bộ, công chức trên cả nước. Kết quả tỷ lệ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là 34,33%; hoàn thành tốt nhiệm vụ là 58,08%...; không hoàn thành nhiệm vụ chỉ là 0,46%. Con số này ở lực lượng viên chức cũng rất “đẹp”, khi tỷ lệ không hoàn thành nhiệm vụ là chỉ là 0,24%. Có 23 bộ, ngành, địa phương báo cáo không có công chức nào bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ. Có 7 bộ, ngành, địa phương báo cáo không có viên chức nào bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ. Đối với khối bộ, ngành trung ương có số công chức không hoàn thành nhiệm vụ chỉ có 2 đơn vị. Đối với địa phương, chỉ có 4 đơn vị có cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ cao… Như vậy, mặc cho xã hội phàn nàn, con số báo cáo về chất lượng của bộ máy công vụ vẫn cứ “đẹp như mơ”. Khi con số này được đưa ra, không khí nghị trường có sự im lặng rất đáng kể. Sự im lặng đó thể hiện thái độ của Quốc hội, phần nào có lẽ cũng là thái độ của người dân. Bởi nó tỷ lệ nghịch với những gì mà dân đang kêu ca về thái độ tiếp dân, phục vụ dân của lực lượng công vụ.

Để nâng cao chất lượng công vụ, người dân chỉ mong các cơ quan nhà nước sử dụng cán bộ, công chức, viên chức đúng với phẩm chất, trình độ, năng lực của từng người. Ai có công thì được thưởng, ai có tội phải bị phạt nghiêm. Chế độ tiền lương, đãi ngộ và cách tuyển dụng cũng phải được thay đổi để hút được người có tâm, có tài. Nếu làm được điều đó thì chắc chắn chất lượng bộ máy công vụ sẽ được nâng lên, hiệu quả phục vụ nhân dân cũng sẽ tốt, niềm tin của dân với bộ máy công vụ cũng từ đó mà được bồi đắp. Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình, Bộ Nội vụ đang được Bộ Chính trị giao xây dựng đề án tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp suất sắc, các nhà khoa học trẻ. Theo đó, từ nay đến năm 2020, sẽ tuyển khoảng 1.000 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, các nhà khoa học trẻ vào làm việc ở các cơ quan của Đảng, Nhà nước. Có lẽ đó là một tin vui. Nhưng cùng với những đột phá trong công tác trọng dụng nhân tài, người dân cũng mong phải quyết liệt trong thực hiện chế độ miễn nhiệm, chuyển vị trí công tác, tinh giản biên chế đối với những người không đáp ứng được công việc. Chỉ khi làm được điều đó thì mới hy vọng hoàn thiện được hệ thống bộ máy nhà nước, chế độ công vụ, từ đó mà nâng cao chất lượng cán bộ công chức, loại bỏ bệnh vô cảm, hành dân.

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục