Loạn giá thuốc vào bệnh viện

Mỗi nơi mỗi giá
Loạn giá thuốc vào bệnh viện

Bất cập chuyện đấu thầu thuốc vô bệnh viện theo kiểu “mỗi nơi mỗi giá” gây bức xúc dư luận nhiều năm qua vẫn chưa được giải quyết triệt để. Cái “túi” ngân sách và của người bệnh tiếp tục thâm thủng. Kể cả thông tư hướng dẫn đấu thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế có hiệu lực từ 1-6 tới vẫn không mấy thay đổi tình hình.

Bảo hiểm y tế “cắn răng” thanh toán giá thuốc cho mỗi bệnh viện mỗi giá. Ảnh: Bệnh nhân lãnh thuốc BHYT tại Bệnh viện Nhân dân 115.

Bảo hiểm y tế “cắn răng” thanh toán giá thuốc cho mỗi bệnh viện mỗi giá. Ảnh: Bệnh nhân lãnh thuốc BHYT tại Bệnh viện Nhân dân 115.

Mỗi nơi mỗi giá

Với 15.149 loại thuốc được trúng thầu vào các bệnh viện (BV) tuyến trung ương năm 2011 cho thấy số lượng thuốc vô BV đã tăng lên rất nhiều so với các năm trước đó (năm 2010 chỉ trên 13.000 loại). Tuy nhiên, điều đáng quan ngại, phần lớn số đó được trúng thầu với giá “trái khoáy” khi cùng loại thuốc nhưng trúng vô mỗi BV mỗi giá.

Thuốc Acetylcystein chứa hoạt chất N-acetylcysteine với hàm lượng 200mg của Công ty Dược phẩm Tipharco (Việt Nam) trúng thầu vào BV Thống Nhất giá 690 đồng/gói. Nhưng với hoạt chất và hàm lượng tương tự nhưng thuốc Mekomucosol của Công ty Dược phẩm Mekophar trúng thầu vào BV C Đà Nẵng giá 726 đồng/gói. Hay như cùng thuốc Paracetamol 500mg nhưng của Công ty Nadyphar trúng thầu vào BV Thống Nhất giá 124 đồng/viên nhưng của Công ty cổ phần Dược phẩm 3/2 trúng thầu vào BV Chợ Rẫy 137 đồng/viên.

Thậm chí 2 loại thuốc tương tự nhau đều trúng thầu vào một một bệnh nhưng giá lại khác nhau. Đó là cùng hoạt chất Acetylleucine với hàm lượng 50mg nhưng thuốc Aleucin 500mg có số đăng ký VD-10076-10 của Công ty Bidiphar (Việt Nam) có quy cách đóng gói hộp 3 vỉ x 10 viên với giá trúng thầu vào BV Bạch Mai 1.260 đồng/viên. Nhưng cùng loại thuốc với hoạt chất và hàm lượng tương tự có tên Tanganil 500mg có số đăng ký VN-0556-06 của Công ty Pierre Fabre (Pháp) trúng thầu vào BV Bạch Mai chỉ giá 4.193 đồng/viên (cao gấp gần 4 lần thuốc nội cùng loại). Tương tự, cùng trúng thầu vào BV Bạch Mai nhưng thuốc Aspilets EC81mg của Công ty United có giá 455 đồng/viên nhưng thuốc Aspirin 81mg của Công ty Pharimexco chỉ có giá 147 đồng/viên, mặc dù cả 2 loại thuốc này đều chứa hoạt chất Acetylsalicylic Acid với hàm lượng tương đương.

Điều đáng nói hơn, cùng loại thuốc, cùng hàm lượng, cùng số đăng ký của một công ty sản xuất nhưng thuốc trúng thầu vào mỗi BV mỗi giá. Đó là thuốc Midakacin chứa hoạt chất Amikacin có số đăng ký VNA -4716-05 của Công ty dược Pharbaco (Việt Nam) trúng thầu vào BV Hữu Nghị giá 9.000 đồng/lọ, nhưng trúng thầu vào BV Phổi Trung ương lại 10.500 đồng/lọ. Thế nhưng, cũng với hoạt chất Amikacin, với cùng hàm lượng 500mg/2ml nhưng thuốc Union Amikacin của Công ty Union Korea (Hàn Quốc) trúng thầu vào BV Bệnh nhiệt đới Trung ương và BV Hữu Nghị lên tới 18.900 đồng/lọ (gấp đôi giá thuốc cùng loại trong nước). Những nghịch lý trên đã xảy ra nhiều năm nhưng không khắc phục được, quả là điều rất khó hiểu!

“Móc túi” bảo hiểm y tế

Một lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã từng lên tiếng phản ứng vì sau những lần vỡ Quỹ Bảo hiểm y tế, nguyên nhân chính vẫn do phải thanh toán tiền thuốc chiếm hơn 60% chi phí. “Cùng loại thuốc, cùng hàm lượng nhưng Bảo hiểm y tế thanh toán cho BV A 5 đồng nhưng lại thanh toán cho BV B tới 10 đồng. Đó là một bất cập không thể chấp nhận được”, một lãnh đạo Bảo hiểm xã hội cho biết.

Mặt khác, phần lớn BV tư nhân hiện nay cũng có ký hợp đồng với Bảo hiểm xã hội để thanh toán bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, hội đồng phê duyệt giá thuốc trúng thầu cũng là ban giám đốc BV tư nhân. Cho nên việc trúng thầu giá thuốc cao chính là một cách “móc túi” Bảo hiểm y tế. Qua tìm hiểu với gần 20 BV công lập trực thuộc Bộ Y tế trúng thầu giá thuốc năm 2011 cho thấy, hầu như có loại thuốc trong nước sản xuất được, có hoạt chất tương đương lại đi cho thuốc của nước ngoài trúng thầu, hoặc cùng loại thuốc, hoạt chất nhưng giá thuốc trúng thầu của thuốc ngoại lại cao gấp bội thuốc nội…

Xảy ra những bất cập trên là Thông tư 10 hướng dẫn đấu thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế công lập ban hành năm 2007. Theo đó, việc thiếu những tiêu chuẩn kỹ thuật chung về chất lượng thuốc, thiếu yếu tố lý tính để lựa chọn, khiến giá cả cũng trở nên chênh vênh, thiếu căn cứ để lựa chọn. Thế nhưng, mới đây Thông tư liên tịch Bộ Tài chính-Bộ Y tế số 01/2012/ TTLT-BYT-BTC về hướng dẫn đấu thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế có hiệu lực từ ngày 1-6 (thay thế Thông tư 10/TTLT-BYT-BTC năm 2007) cũng không có gì đột biến để giải quyết những bất cập trên. Theo đó, thẩm quyền phê duyệt hồ sơ mời thầu, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc đều thuộc về thủ trưởng các đơn vị công lập (tức giám đốc BV). Mặc dù Thông tư 01/2012 có đề cập đến đấu thầu tập trung nhưng lại trao quyền quyết định cho chủ tịch UBND cấp tỉnh. Theo đó, chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định việc tổ chức đấu thầu mua thuốc ở các đơn vị thuộc quyền... Như vậy, việc quyết định tổ chức đấu thầu mua thuốc tập trung hay riêng lẻ đều nằm trong tay chủ tịch UBND cấp tỉnh. Đó là một động thái mở mà Thông tư 01 đã để ngỏ. Trong khi đó, đấu thầu thuốc vô các BV Trung ương vẫn chưa được Thông tư 01 đề cập tới việc đấu thầu tập trung. Trong khi, các hàng rào, tiêu chuẩn kỹ thuật vẫn chưa được nói tới. Do đó, giá thuốc trúng thầu vô mỗi BV mỗi giá sẽ còn tiếp diễn.

Lãnh đạo một số BV cho rằng chưa có chuẩn chung để BV lựa chọn mặt hàng thuốc nào tối ưu về chất lượng và giá cả cho bệnh nhân nên thấy thuốc nào bác sĩ dùng quen, hiệu quả, giá chấp nhận được thì cho trúng thầu. Nhiều ý kiến khẳng định hội đồng lựa chọn thuộc BV nên khó tránh khỏi tiêu cực, thiên vị. “Thuốc này giá cao nhưng trúng thầu, thuốc kia giá thấp, có chất lượng ngang bằng nhưng rớt thầu không phải chuyện lạ”, giám đốc một công ty dược băn khoăn.

Tường Lâm

Tin cùng chuyên mục