Tình trạng phân bón giả xuất hiện tràn lan từ lâu khiến nông dân không biết đâu mà lường, phải trả giá đắt khi trót sử dụng. Vì sao? Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, cả nước có hơn 1.000 cơ sở sản xuất phân bón, với khoảng 7.000 loại phân bón đang lưu hành trên thị trường. Hàng năm, cả nước sử dụng hơn 10 triệu tấn phân bón các loại, trong đó hơn 80% là phân bón vô cơ, còn lại là phân bón hữu cơ và phân bón khác. Trong đó có đến khoảng 30% - 50% các loại phân bón lưu thông trên thị trường là giả, kém chất lượng… Phân bón giả gây thiệt hại khoảng 2 tỷ USD mỗi năm đối với nền kinh tế, còn góp phần làm cho một số sản phẩm nông nghiệp chất lượng thấp, thiếu tính cạnh tranh, thua thiệt trên thương trường quốc tế…
Là người phát hiện nhiều vụ phân bón giả xuất hiện trên địa bàn, ông Trần Ngọc Thể, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Hậu Giang bức xúc cho biết phân bón giả đang len lỏi khắp các vùng nông thôn, nhất là ở vùng sâu vùng xa, điều kiện đi lại khó khăn nên nông dân chủ yếu mua tại chỗ. Hầu hết phân bón giả là do các công ty nhỏ, không tên tuổi, không thương hiệu… sản xuất, rồi đưa thẳng xuống các tổ hợp tác nông nghiệp hoặc chọn một vài nông dân nào đó làm “đầu mối” giới thiệu sản phẩm và bán cho nông dân sử dụng.
Bặm trợn hơn, công ty còn lừa cả các tổ chức đoàn thể địa phương, như phối hợp tổ chức hội thảo, bán phân bón cho hội viên, người dân; ai mua từ 10 bao phân trở lên sẽ được khuyến mãi đi du lịch Đà Lạt, Vũng Tàu… Đây là những chiêu thức khiến nông dân nhẹ dạ dễ mắc bẫy. Theo lãnh đạo Sở Công thương thành phố Cần Thơ, phần lớn nông dân mua phân bón thiếu nợ, tới mùa mới trả, nên dễ bị đại lý bán giá cao và giao phân kém chất lượng.
Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cho biết, mỗi năm phát hiện và xử lý khoảng 3.000 vụ vi phạm về phân bón giả, kém chất lượng. Trong đó năm 2015, bắt giữ hơn 1.000 tấn phân bón giả. Riêng 8 tháng đầu năm 2016, đã thực hiện kiểm tra 1.800 hộ kinh doanh phân bón, phát hiện tới 421 hộ vi phạm, xử phạt hơn 8 tỷ đồng. Bên cạnh đó, lấy khoảng 786 mẫu phân bón đưa đi kiểm nghiệm thì có đến 31% mẫu không đạt chất lượng…
Dẹp loạn phân bón giả, kém chất lượng, lập lại trật tự thị trường phân bón đang là vấn đề bức thiết đặt ra. Muốn vậy, phải có biện pháp quản lý tốt các đại lý bán hàng, bởi nếu đại lý không hám lợi, không tiếp tay thì các công ty sản xuất phân bón giả sẽ khó lòng đưa sản phẩm tới nông dân. Song song đó, cần tổ chức lại mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết, quy tụ nông dân vào hợp tác xã để mua phân bón trực tiếp từ nhà máy với số lượng lớn và giá cả cũng tốt hơn. Hiện tại, vùng ĐBSCL có khoảng 1,6 triệu hécta đất lúa, nhưng đến 1,3 triệu hécta canh tác nhỏ lẻ. Do đó, cần đẩy nhanh việc thực hiện mô hình cánh đồng lớn, góp phần đẩy lùi phân bón giả. Mặt khác, ngành chức năng cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn nông dân nhận diện phân bón giả để phòng tránh.
Theo các chuyên gia, những nước có nền nông nghiệp hiện đại chỉ tồn tại vài chục hoặc vài trăm loại phân bón, nhưng rất chất lượng. Vì vậy, các ngành chức năng nên tính toán cho phép sản xuất bao nhiêu loại phân bón là hợp lý. Ngoài ra, khắc phục ngay việc chồng chéo trong quản lý giữa Bộ Công thương (quản lý phân vô cơ) và Bộ NN-PTNT (quản lý phân hữu cơ và phân bón khác) nhằm tránh đùn đẩy trách nhiệm. Mới đây, Chính phủ đã ban hành nghị định chế tài mạnh đối với các cơ sở vi phạm trong sản xuất phân bón giả và các đại lý kinh doanh vi phạm; trong đó quy định tước giấy phép hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây là biện pháp mạnh để chấn chỉnh thị trường phân bón vốn được quản lý rất lỏng lẻo thời gian qua.
HUỲNH LỢI