Loạn… thanh-kiểm tra, xử phạt môi trường

Loạn vì nhiều cơ quan kiểm tra
Loạn… thanh-kiểm tra, xử phạt môi trường

Đó là ý kiến được nhiều quận huyện và cơ quan chức năng TPHCM đồng thuận tại cuộc họp góp ý dự thảo thanh kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm môi trường do Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM tổ chức. Nguyên nhân là do dự thảo thông tư đưa ra mang tính chủ quan và thiếu khả thi.

Nhân viên môi trường lấy nước thải một nhà máy về kiểm tra (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: KIM NGÂN

Nhân viên môi trường lấy nước thải một nhà máy về kiểm tra (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: KIM NGÂN

Loạn vì nhiều cơ quan kiểm tra

Hai rối rắm lớn nhất là sự chồng chéo trong công tác thanh tra, kiểm tra và biện pháp chế tài đối với những doanh nghiệp không chấp hành quyết định xử phạt không được đề cập đến. Ông Vũ Đăng Bộ, Chánh thanh tra Khu chế xuất, khu công nghiệp TPHCM cho biết, trường hợp doanh nghiệp chây ì, không chấp hành quyết định xử phạt đối với hành vi vi phạm môi trường của mình thì các cơ quan chức năng không biết phải làm sao. Biện pháp chế tài bằng cách cưỡng chế thì chưa có. Do vậy mà không ít doanh nghiệp cho đến nay vẫn không chịu chấp hành quyết định xử phạt của thanh tra môi trường.

Không dừng lại đó, bà Nguyễn Thị Hồng, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Củ Chi cho biết, tuy cũng là cơ quan có chức năng kiểm tra môi trường nhưng không khỏi bức xúc thay cho doanh nghiệp. Vì hiện có quá nhiều cơ quan có chức năng thanh tra môi trường doanh nghiệp. Đơn cử tại một doanh nghiệp của huyện, trong 2 tháng có gần 20 đoàn đến kiểm tra về môi trường. Nội dung kiểm tra đều giống nhau, chỉ có điều kết quả kiểm tra mỗi đoàn mỗi khác và không đoàn nào chịu kế thừa kết quả kiểm tra của đoàn nào. Kết quả là doanh nghiệp... rối.

Ông Nam, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường quận 8 nhấn mạnh thêm, cần phân biệt rõ quyền hạn giữa thanh tra và kiểm tra. Cấp nào thì được thanh tra, còn cấp nào thì chỉ được kiểm tra. Việc thanh - kiểm tra cần có kế hoạch trước và nhất là phải có sự phối hợp giữa các cấp để tránh sự nhũng nhiễu đối với doanh nghiệp. Cùng một nội dung nhưng doanh nghiệp phải báo cáo với quá nhiều đoàn.

Theo ông Nam, hiện đang có sự nhập nhằng giữa công tác kiểm tra và thanh tra môi trường. Bản thân doanh nghiệp không hiểu đâu là thanh tra, kiểm tra nên việc tiếp quá nhiều đoàn thanh kiểm tra môi trường đã gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Điều đáng nói là trong dự thảo thông tư về kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm môi trường lại chưa giải quyết được hai bất cập trên.

Chọn đồng bộ, chuyên nghiệp hay manh mún tự phát

Không dừng lại đó, nhiều ý kiến của các quận còn cho rằng việc quy định các cơ quan chức năng phải đầu tư trang thiết bị kỹ thuật phục vụ cho công tác đo đạc, phân tích mẫu là chưa phù hợp với thực tế, gây lãng phí trong đầu tư.

Từ trước đến nay, đoàn thanh tra khi đi kiểm tra thường thuê một đơn vị độc lập chịu trách nhiệm lấy mẫu, phân tích và đưa ra kết quả cuối cùng. Vậy nếu đoàn thanh tra tự kiểm tra, tự lấy mẫu và phân tích mẫu thì kết quả có khách quan. Đó là chưa kể, trường hợp doanh nghiệp cũng lấy mẫu chất thải đối chứng, rồi thuê một đơn vị độc lập khác phân tích và đưa ra kết quả trái chiều với đoàn kiểm tra. Vậy thì ai sẽ là trọng tài phân giải? Không chỉ vậy, chất lượng thiết bị phân tích mẫu chất thải hiện cũng đang là vấn đề rất đáng lo ngại.

Dù các tỉnh thành đã kiến nghị nhiều lần nhưng cho đến nay, Bộ Khoa học và Công nghệ vẫn chưa đưa ra bộ tiêu chuẩn về chất lượng của loại trang thiết bị này. Đại diện Tập đoàn Nike tại Việt Nam từng cho biết, cùng một mẫu chất thải phân đôi và gửi cho hai phòng thí nghiệm khác nhau nhưng cho ra hai kết quả khác nhau. Doanh nghiệp tìm đơn vị trọng tài thì không có. Kết quả là… đành chịu.

Do đó, theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP, cách làm hiện nay vẫn là khách quan và hiệu quả hơn. Vấn đề còn lại là TPHCM đang xúc tiến đầu tư xây dựng trung tâm quan trắc của thành phố. Trung tâm này ngoài chức năng dự báo thực trạng ô nhiễm thì sẽ là trọng tài khi có sự tranh chấp giữa doanh nghiệp và cơ quan chức năng.

Ngoài ta, trong dự thảo thông tư yêu cầu doanh nghiệp vi phạm môi trường cần phải lập đề án khắc phục ô nhiễm môi trường và phải được cơ quan chức năng phê duyệt. Điều này không phù hợp thực tế vì không cơ quan chức năng nào lại phê duyệt đề án khắc phục hành vi ô nhiễm môi trường của doanh nghiệp. Trong trường hợp cơ quan chức năng phê duyệt đề án, doanh nghiệp thực hiện theo đúng đề án nhưng không đạt tiêu chuẩn môi trường yêu cầu thì rất khó giải quyết. Hơn nữa, việc yêu cầu lập đề án khiến doanh nghiệp kéo dài thời gian khắc phục ô nhiễm môi trường, gây thiệt hại lớn cho nhà nước cũng như cộng đồng dân cư sống ở khu vực xung quanh.

Cách tốt nhất là cơ quan chức năng chỉ quản lý phần hậu kỳ, doanh nghiệp lo phần đầu tư, xử lý chất thải, khắc phục ô nhiễm môi trường. Nếu doanh nghiệp không đạt tiêu chuẩn yêu cầu thì cơ quan chức năng xử phạt, thậm chí rút giấy phép hoạt động hoặc truy tố hình sự nếu doanh nghiệp vi phạm môi trường nghiêm trọng. Như vậy thì cả doanh nghiệp lẫn cơ quan chức năng đều chủ động hơn trong công việc của mình.

Bà Nguyễn Thị Dụ, Chánh thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định, với quá nhiều bất cập nêu trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần xem xét lại tính khả thi khi áp dụng thực tế của dự thảo thông tư. Thậm chí, cần phải điều chỉnh toàn văn dự thảo này trước khi được ban hành. Có như vậy mới không tạo thêm nhiều yếu tố “rối” trong công tác thanh - kiểm tra môi trường vốn đang rất rối rắm như hiện nay.

Ái Vân

Tin cùng chuyên mục