Loay hoay chống chọi triều cường

Những năm qua, TPHCM đã đưa ra nhiều giải pháp và thực hiện các công trình chống ngập, chống triều cường nhằm giảm thiểu tình trạng ngập nước trên địa bàn. Tuy nhiên, chỉ tính trong 3 ngày qua, mưa lớn kết hợp với triều cường đã gây ngập trầm trọng tại nhiều khu vực nội thành TP; còn ở các quận vùng ven lại phải chống chọi với tình trạng ngập nước do vỡ bờ bao.
Loay hoay chống chọi triều cường

Những năm qua, TPHCM đã đưa ra nhiều giải pháp và thực hiện các công trình chống ngập, chống triều cường nhằm giảm thiểu tình trạng ngập nước trên địa bàn. Tuy nhiên, chỉ tính trong 3 ngày qua, mưa lớn kết hợp với triều cường đã gây ngập trầm trọng tại nhiều khu vực nội thành TP; còn ở các quận vùng ven lại phải chống chọi với tình trạng ngập nước do vỡ bờ bao.

  • Rệu rã bờ bao

Những ngày đầu tháng 10, tại khu vực quận 12 TPHCM, đã xảy ra 3 vụ vỡ bờ bao do triều cường dâng cao. Theo phản ánh của người dân, nguyên nhân gây ngập do công trình thi công tuyến bờ hữu sông Sài Gòn triển khai chậm, hệ thống bờ bao xuống cấp, vì thế mỗi khi đỉnh triều dâng cao đã gây vỡ bờ. Ghi nhận của chúng tôi ngày 11-10 tại bờ bao rạch Ông Đụng và rạch Bá Hộ thuộc khu phố 1 và 2 phường Thạnh Lộc, quận 12, dọc hai bên bờ sông xuất hiện khá nhiều hàm ếch khoét sâu làm hẫng chân bờ bao. Chưa kể, dọc tuyến bờ bao này còn thiếu hệ thống cừ tràm nên mỗi khi có sà lan lưu thông, nước đánh dạt vào hai bên bờ làm cho chân bờ bao bị xói mòn dẫn đến vỡ bờ bao.

Lực lượng địa phương gia cố đoạn bờ bao rạch Ông Đụng (quận 12 TPHCM) bị vỡ vào đầu tháng 10 - 2010. Ảnh: Đ. LÝ
Lực lượng địa phương gia cố đoạn bờ bao rạch Ông Đụng (quận 12 TPHCM) bị vỡ vào đầu tháng 10 - 2010. Ảnh: Đ. LÝ

Bên cạnh đó, trong quá trình thi công dự án tuyến bờ hữu sông Sài Gòn, đơn vị thi công thay vì đi chở đất, cát từ các nơi khác về đắp bờ lại lấy đất dọc hai mép bãi bồi của bờ sông để đắp. Chính điều này làm xuất hiện tình trạng mỗi khi triều cường dâng cao, chân bờ bao yếu đã xảy ra vỡ bờ. Suốt 3 ngày qua đến rạng sáng ngày 11-10, triều cường làm ngập hàng loạt tuyến đường như Nguyễn Hữu Cảnh, Ngô Tất Tố, khu vực dân cư Văn Thánh, Võ Duy Ninh, quận Bình Thạnh. Tại đường D3 khu Văn Thánh, triều cường tràn vào nhà dân. Đến trưa 11-10, chúng tôi có mặt tại khu vực trên, mặc dù nước triều đã rút, nhưng dấu vết ngập nước còn in trên khắp bờ tường, con hẻm. Ông Nguyễn Tuấn Minh, ngụ tại khu phố 4, bức xúc: “Đợt triều cường nào cũng bị ngập. Những năm trước có ngập, nhưng ít hơn. Đặc biệt từ đầu năm đến nay, mức độ ngập ngày càng nhiều. Cứ đầu và giữa tháng âm lịch nước dâng lên tràn ngập các con phố, từ đường chính D3, sang các con hẻm 64, 90, 94 ngập sâu”.

Tương tự, lượng mưa đo được trong 3 ngày qua lên đến 124mm, vì vậy tình trạng ngập đã lan rộng ra những khu vực như đường Phan Xích Long, Trần Khắc Chân (quận Phú Nhuận). Hàng loạt tuyến đường khác thuộc quận Gò Vấp như Phạm Văn Chiêu, Lê Văn Thọ, Lê Đức Thọ, Cây Trâm... cũng trong tình trạng tương tự. Cơn mưa chiều 10-10 gây ngập khoảng 40 khu vực.

  • Nhiều công trình chưa đồng bộ

Công trình thủy lợi bờ hữu sông Sài Gòn, đoạn từ sông Vàm Thuật (quận 12) đến phía Nam rạch Tra (huyện Hóc Môn) đã được khánh thành giai đoạn 1. Đây là 1 trong 2 dự án về phòng chống lũ, triều cường được Bộ NN-PTNT phê duyệt và điều chỉnh tháng 2-2010 với tổng mức đầu tư trên 454 tỷ đồng. Công trình có gần 67km đê bao và 211 cống ngăn lũ các loại, trong đó đê bao ven sông Sài Gòn dài 17,26km với mặt đê rộng 7,5m, cao trình 2,2m và 88 cống ngăn lũ. Giai đoạn 1 đã thực hiện được 49,3km đê bao và 174 cống. Tuy nhiên công trình này đang trong quá trình thi công, vì thế chưa thể phát huy hết tác dụng chống triều cường.

Nhằm khắc phục ngập nước, các tuyến đường chính và hàng loạt con hẻm cũng như nhà dân đã được nâng cao từ 0,5 đến gần 2m. Ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý hệ thống thoát nước thuộc Trung tâm Chống ngập nước TP cho biết, ngay tại khu vực trên đã làm hệ thống cống lớn, nhưng chưa gắn được các van ngăn triều vì địa phương chưa đồng ý. Nếu gắn van ngăn triều ở tuyến cống trên chắc chắn tình trạng ngập do triều cường sẽ giảm ngay.

Hiện nay, các điểm ngập tuy có giảm về số lượng và mức độ ngập, nhưng vẫn chưa tạo ra những chuyển biến như chưa khống chế tình trạng phát sinh các điểm ngập mới do quá trình đô thị hóa, nhất là trên các địa bàn quận mới đô thị hóa và các vùng ven ngoại thành. Việc xóa, giảm các điểm ngập do triều cường chỉ mới triển khai các dự án kiểm soát triều cục bộ, các dự án kiểm soát triều trên diện rộng đều còn trong giai đoạn nghiên cứu lập dự án

QUỐC HÙNG - ĐÌNH LÝ

Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua: Không để tái diễn tình trạng nhà dân ngập nặng

Trước tình hình mưa lớn kết hợp triều cường gây ngập nặng ở nhiều khu vực trên địa bàn TP, chiều 11-10, đoàn công tác do Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua đã đi thị sát một số địa điểm bị ngập nặng tại quận 12 và Bình Thạnh. Tại khu vực rạch Bá Hộ thuộc khu phố 2 phường Thạch Lộc quận 12, đồng chí Nguyễn Văn Đua chỉ đạo quận 12 phải tăng cường gia cố các đoạn bờ bao xung yếu để đảm bảo an toàn và chịu đựng được đợt triều cường sắp tới, không được để tái diễn tình trạng nhà dân ngập nặng. Phó Bí thư Thành ủy đặc biệt quan tâm và thị sát hiện trường nhiều điểm thuộc Dự án Bờ hữu sông Sài Gòn. Sau 7 năm thi công với nhiều lần lỗi hẹn, đến nay dự án vẫn ngổn ngang vì chậm khâu bàn giao mặt bằng.

Tại quận Bình Thạnh, báo cáo với đoàn về sự cố nhà thầu tạm ngăn dòng chảy của các tuyến cống để làm vệ sinh khiến khu vực Thanh Đa quận Bình Thạnh ngập nặng trong ngày 10-10, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đại lộ Đông Tây và môi trường nước TP Lương Minh Phúc cho biết, đã khắc phục xong sự cố, nhà thầu cam kết sẽ không để tái diễn tình trạng này. Đồng chí Nguyễn Văn Đua đã phê bình nghiêm khắc nhà thầu TOA (Dự án Cải thiện môi trường nước TP) vì chậm trễ trong việc khai thông, nối kết các tuyến cống trong khu vực Thanh Đa với trạm bơm để thoát nước, chống ngập cho khu vực.

H. HIỆP

Tin cùng chuyên mục