Loay hoay công nghiệp hỗ trợ - Bài 1: Thiếu tài, yếu lực

Từ chỗ phải nhập khẩu 100% từ nước ngoài, ngành công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực sản xuất và lắp ráp xe máy đã có thể tự sản xuất được khoảng 70% linh kiện, phụ tùng, góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm xe máy sản xuất tại Việt Nam. Nhưng đây chỉ là điểm sáng hiếm hoi. Nhiều chuyên gia nhìn nhận, công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam hiện nay còn rất yếu, thiếu đồng bộ và chưa thể đáp ứng được nhu cầu của ngành công nghiệp lắp ráp.
Loay hoay công nghiệp hỗ trợ - Bài 1: Thiếu tài, yếu lực

Từ chỗ phải nhập khẩu 100% từ nước ngoài, ngành công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực sản xuất và lắp ráp xe máy đã có thể tự sản xuất được khoảng 70% linh kiện, phụ tùng, góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm xe máy sản xuất tại Việt Nam. Nhưng đây chỉ là điểm sáng hiếm hoi. Nhiều chuyên gia nhìn nhận, công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam hiện nay còn rất yếu, thiếu đồng bộ và chưa thể đáp ứng được nhu cầu của ngành công nghiệp lắp ráp.

        Ngành nào cũng nhập

Giữa tháng 5-2013, Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (thuộc Bộ KH-ĐT) – chi nhánh TPHCM đã hoàn tất dự án điều tra khảo sát hoạt động công nghiệp hỗ trợ tại TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương (thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam).

Kết quả cho thấy, tỷ lệ DN công nghiệp hỗ trợ trên DN công nghiệp chính chỉ là 2,07 lần, trong đó thấp nhất là ngành cơ khí (1,7 lần), cao nhất là ngành ô tô (5 lần). Nếu mang ra so sánh với các nước trong khu vực, tỷ lệ này rất thấp. Như tại Thái Lan, tỷ lệ này là trên 50 lần. Như vậy, dù hình thành từ khá lâu nhưng đến nay, công nghiệp hỗ trợ Việt Nam vẫn không tạo được bước đột phá nào đáng kể, mà vẫn đang loay hoay tìm hướng đi phù hợp.

Các sản phẩm đơn giản trong phòng thí nghiệm như thế này hiện vẫn phải nhập khẩu.

Các sản phẩm đơn giản trong phòng thí nghiệm như thế này hiện vẫn phải nhập khẩu.

Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Dương Quang đánh giá: lĩnh vực sản xuất vật liệu vẫn chưa đáp ứng được những yêu cầu phát triển của ngành; công nghiệp luyện kim và hóa chất vẫn chưa đáp ứng được đòi hỏi của các ngành công nghiệp công nghệ cao; khả năng cung ứng ngay tại trong nước các loại vật liệu cơ bản như thép không gỉ, thép chịu lực hay các loại dung môi phổ biến còn thấp...

Trong nước không đáp ứng đủ, tất yếu các ngành công nghiệp phải nhập khẩu để sản xuất. Điển hình nhất là ngành điện tử - tin học, cơ cấu sản phẩm mất cân đối nghiêm trọng khi mới chỉ dừng ở sản xuất sản phẩm dân dụng, thiếu nhiều sản phẩm điện tử chuyên dụng; công nghệ lạc hậu, khả năng cạnh tranh thấp cũng như nguyên vật liệu đang phụ thuộc phần lớn vào nhà cung cấp nước ngoài.

Đầu tư khiêm tốn vào công nghiệp hỗ trợ đã ảnh hưởng lớn đến các ngành sản xuất trong nước. Đến năm 2012, ước tính có khoảng trên 500 DN tham gia sản xuất linh kiện điện tử với số vốn lên tới trên hàng chục ngàn tỷ đồng. Nhưng hầu như các sản phẩm đều xuất khẩu đơn chiếc sang các quốc gia tiên tiến để gia công thành các cụm sản phẩm. Sau đó, các DN sản xuất trong nước lại nhập khẩu trở về để láp ráp thành phẩm. Từ đó, giá trị gia tăng mà các DN trong nước thu về không đáng là bao.

        Hạn chế

Xu hướng trên thế giới, ngoài một vài tập đoàn lớn có khả năng cung cấp sản phẩm toàn cầu, thì chủ yếu DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ là các DN vừa và nhỏ. Xu hướng này cũng hoàn toàn giống với Việt Nam. Tuy nhiên, các DN vừa và nhỏ ở ta đều có chung khó khăn là vừa thiếu nguồn lực tài chính, vừa thiếu nhân lực. Trong khi đó trong ngành công nghiệp hỗ trợ, các tiêu chuẩn chất lượng về sản phẩm là vô cùng quan trọng, bắt buộc các DN tham gia phải luôn cải tiến công nghệ phù hợp với nhu cầu sản xuất... thì càng khó với DN trong nước.

Theo bà Trần Thị Xuân Mai, phụ trách thu mua Công ty Intel Vietnam, yêu cầu của Intel không chỉ về chất lượng sản phẩm, công nghệ, chi phí cạnh tranh mà DN phải có tính kiểm soát cao và luôn sẵn sàng. Sản phẩm cung ứng không chỉ đạt độ an toàn cao mà chất lượng phải đồng nhất, kỹ thuật phải đạt đúng trình độ công nghệ theo yêu cầu, nhà cung ứng còn phải có khả năng giao dịch điện tử với Intel… Qua làm việc với 18 nhà cung ứng Việt Nam cho thấy, các sản phẩm mẫu rất tốt nhưng khi cung cấp số lượng lớn thì chất lượng không đồng nhất.

Đại diện nhiều DN thu mua nguyên liệu, linh kiện… nhìn nhận, do DN Việt Nam thiếu hệ thống quản lý chất lượng theo chuẩn toàn cầu; đa số cũng chưa áp dụng quy trình quản lý sản xuất tinh gọn (LEAN) để giảm chi phí và cạnh tranh với các nhà cung cấp khác. Mặt khác, chính các DN không có đủ tài và lực nên đã không xây dựng được chiến lược kinh doanh dài hạn. Từ đó, các DN thu mua cũng không dám mạo hiểm lựa chọn để trở thành nhà cung cấp.

        Chủ yếu là doanh nghiệp FDI

Một trong những vấn đề cốt lõi cho sự phát triển công nghiệp hỗ trợ là số lượng tham gia của các DN trong nước. DN trong nước càng đáp ứng được nhu cầu thiết bị, phụ kiện của các DN sản xuất, mức nội địa hóa và giá trị gia tăng trên từng sản phẩm xuất khẩu càng tăng cao. Đây là quy luật phát triển tất yếu của các nền công nghiệp tiên tiến trên thế giới. Đáng tiếc, do khả năng đáp ứng của các DN hỗ trợ Việt Nam còn hạn chế, nhất là các linh kiện, phụ kiện đòi hỏi tính chính xác cao nên gần như “trọng trách” đã bị đẩy cho các DN FDI.

Thống kê của Bộ Công thương, đến năm 2012, đã có 1.631 DN FDI đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ với số vốn đăng ký trên 22,8 tỷ USD, chiếm 13,2% số dự án và 20,8% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho ngành điện - điện tử có mức đầu tư lớn nhất, đạt số vốn trên 10 tỷ USD; ngành cơ khí thu hút được trên 5,2 tỷ USD; dệt may trên 5,1 tỷ USD… Toàn bộ nguồn vốn chủ yếu đến từ các nền kinh tế như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)...

Nếu công nghiệp hỗ trợ chỉ trông đợi vào thị trường của các nhà lắp ráp toàn cầu hoặc các nhà cung ứng FDI, Việt Nam sẽ còn rất lâu mới tham gia được vào chuỗi sản phẩm toàn cầu chứ nói gì đến phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.

TƯỜNG HÂN - BÁ TÂN

Tin cùng chuyên mục