Riêng tại TPHCM, nhiều doanh nghiệp đã phải tính đến giải pháp di dời sang các tỉnh, thành khác để tồn tại do chi phí sản xuất ở TPHCM tăng cao. Trong khi đó, những hạ tầng cần thiết để nâng cao giá trị ngành dệt may lại đang rất chậm.
Bị ép giá do gia công giản đơn
Phân tích của các chuyên gia kinh tế cho thấy, chuỗi giá trị của ngành dệt may từ khâu thương hiệu đến thiết kế, tìm nguồn cung ứng nguyên liệu, cắt may, marketing và phân phối (trong đó, thiết kế là khâu quan trọng nhất, quyết định phần lớn giá trị gia tăng và tự chủ của doanh nghiệp) nhưng hiện rất ít doanh nghiệp trực tiếp kinh doanh hết các khâu, bởi tính chuyên môn hóa khác nhau.
Lý giải thực tế này, ông Nguyễn Văn Hùng, Tổng giám đốc Tổng công ty 28, cho biết việc làm chủ khâu thiết kế đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư xây dựng thương hiệu và hệ thống phân phối. Hệ thống phân phối không chỉ là nơi bán hàng mà còn là kênh trải nghiệm thị trường để nắm bắt nhu cầu của khách hàng. Thông tin từ khách hàng là dữ liệu đầu vào để thiết kế. Đồng thời, công tác thiết kế sẽ được cũng cố bởi chiến dịch marketing nhằm định hướng nhu cầu, tạo xu thế thời trang cho thị trường để tiêu thụ sản phẩm. Muốn làm được như vậy, đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư nhân lực chất lượng cao và kiên trì làm tốt khâu marketing.
Hiện đây lại là khâu trở ngại lớn cho những doanh nghiệp Việt Nam muốn làm chủ thiết kế. Không làm chủ được khâu thiết kế, doanh nghiệp sẽ không chủ động được nguồn nguyên liệu, phải sử dụng nguồn nguyên liệu của đối tác hoặc mua theo chỉ định của đối tác nên thường có giá cao. Doanh nghiệp chỉ tham gia vào khâu cắt may với lao động giản đơn nên giá trị gia tăng rất thấp. Mặt khác, không sáng tạo được mẫu mã nên mất vị thế trong đàm phán và thường xuyên bị các nhà đại diện thương mại nước ngoài ở Việt Nam ép giá. Trên thực tế, hiện những quốc gia có ngành dệt may phát triển đã không còn thực hiện các công đoạn này mà hợp đồng gia công lại cho các quốc gia có nguồn lao động giá rẻ như Bangladesh, Việt Nam, Pakistan…
Chưa dừng lại đó, khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, thuế xuất khẩu giảm nhưng phải thỏa mãn các điều kiện về xuất xứ nội khối, cam kết về lao động, môi trường là các điều kiện mà doanh nghiệp dệt may Việt Nam khó đáp ứng. Hơn nữa, phần ưu đãi về giảm thuế có khi là cái cớ để các đại diện thương mại ép giá xuất khẩu.
Cần xây dựng trung tâm thiết kế thời trang
Ông Nguyễn Phương Đông, Phó giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết chỉ số sản xuất 7 tháng đầu năm 2018 của ngành dệt may TP tăng 9,1%, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2017. Ghi nhận tại thị trường trong nước cho thấy, doanh thu bán lẻ hàng may mặc 7 tháng qua ước đạt 25.699 tỷ đồng, tăng 12,5% so cùng kỳ. Về thị trường xuất khẩu, kim ngạch 7 tháng ước đạt 3,22 tỷ USD, tăng 5,9% (trong khi 7 tháng cùng kỳ năm 2017 giảm 0,2%). Điều này ghi nhận ngành dệt may TPHCM đã phục hồi do thị trường tiêu thụ trong nước và thế giới có mức tăng trưởng khá tốt.
Trong thời gian tới, ngành dệt may có nhiều cơ hội và triển vọng phát triển, mở rộng thị trường nhờ hiệu ứng từ các hiệp định thương mại tự do mang lại (như CPTPP dự kiến có hiệu lực vào năm 2019), cùng với đó là triển vọng về việc ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) trong năm 2018 sẽ giúp ngành dệt may tiếp cận sâu rộng hơn với thị trường này. Ngoài ra, khả năng Mỹ cũng sẽ tăng mức thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng dệt may từ Trung Quốc, tạo cơ hội tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam từng bước mở rộng và gia tăng thị phần xuất khẩu sang Mỹ,...
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nhiều doanh nghiệp cho rằng, để phát triển bền vững ngành dệt may cần thiết phải nâng cao chuỗi giá trị của ngành. Trong đó, các doanh nghiệp phải tập trung phát triển hoạt động ở công đoạn thiết kế, dịch vụ logistics và thương hiệu. Thiết kế không đơn thuần chỉ là các bản vẽ sản phẩm, cũng không đơn giản tạo ra ý tưởng cho những sản phẩm độc đáo mà sản phẩm đó phải có khả năng định hướng trào lưu tiêu dùng, thu hút được khách hàng tìm mua sản phẩm. Đi kèm với khâu thiết kế là thông tin về xu hướng tiêu dùng, chiến dịch marketing và hệ thống phân phối. Điều này đòi hỏi cần có đội ngũ nghiên cứu thị trường năng động, thường xuyên biết nhận định, đánh giá và dự báo nhu cầu. Đội ngũ này được kết nối chặt chẽ với đội ngũ thiết kế để phát triển sản phẩm phù hợp với nhu cầu khách hàng. Sản phẩm được thiết kế chỉ tạo hiệu ứng khi đi kèm với chiến dịch marketing hiệu quả để phát đi tín hiệu sản phẩm mới đến với khách hàng tiềm năng. Khi khách hàng biết được thông tin và tìm mua sản phẩm thì phải có hệ thống phân phối đáp ứng.
Riêng các công đoạn còn lại như cắt may, nguyên liệu có thể liên kết với các doanh nghiệp vệ tinh ở các tỉnh lân cận. Đây là những khâu sản xuất đòi hỏi nhiều lao động giản đơn nên không thích hợp với chiến lược phát triển tổng thể của TPHCM, như công đoạn dệt nhuộm có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao nên không thích hợp sản xuất tại đô thị có mật độ dân cư đông.
Nhiều chuyên gia kinh tế khẳng định, các doanh nghiệp của thành phố có điều kiện thực hiện công đoạn hệ thống phân phối tốt hơn doanh nghiệp các địa phương khác ở khu vực phía Nam. Bởi hiện TPHCM là đô thị lớn của khu vực phía Nam, quy tụ được nhiều trung tâm thương mại, phân phối hàng hóa và thị trường tiêu dùng thời trang. Không những thế, thành phố quy tụ được nguồn nhân lực chất lượng cao trong thiết kế và khai thác thị trường, thuận lợi cho phát triển hệ thống phân phối thời trang.
Đặc biệt, khi TPHCM có những doanh nghiệp với sản phẩm được thiết kế và phân phối thành công sẽ tạo được động lực về nhu cầu; từ đó, thúc đẩy công đoạn nguyên liệu, cắt may ở các địa phương lân cận phát triển, góp phần giúp ngành may chuyển đổi phương thức xuất khẩu theo hướng bán trong gói thiết kế, nguyên liệu và cắt may, góp phần gia tăng chuỗi giá trị của toàn ngành may Việt Nam.
Ông Nguyễn Phương Đông cho biết, hiện TPHCM đang triển khai quy hoạch phát triển ngành công nghiệp dệt may đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trong đó có tính đến phương án thành lập một trung tâm thiết kế mẫu mốt thời trang. Tuy nhiên, do còn khó khăn trong việc xác định quỹ đất nên việc thành lập trung tâm này vẫn còn chậm so với dự kiến. Hiện Sở Công thương TPHCM đang gấp rút hoàn tất khâu khảo sát và lấy ý kiến của các cơ quan chức năng và sẽ sớm đề xuất UBND TPHCM phê duyệt triển khai xây dựng trung tâm để góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm ngành dệt may TP nói riêng và cả nước nói chung |