Loay hoay

Chỉ một thời gian ngắn nữa, gạch, ngói nung theo kỹ thuật truyền thống sẽ bị “khai tử” để nhường đường cho sản phẩm vật liệu xanh - vật liệu không nung (VLKN) - ra đời và phát triển. Tuy nhiên, người tiêu dùng tại các tỉnh Đông Nam bộ vẫn còn rất e dè với loại vật liệu mới này và các ngành chức năng vẫn đang loay hoay tìm giải pháp để sản phẩm này đến với thị trường nhanh hơn. Bởi đơn giản, vì khái niệm VLKN còn quá mới mẻ đối với họ. Một số nhà thầu xây dựng cũng cho hay, rất ít công trình xây dựng dân dụng được sử dụng VLKN để xây nhà, kể cả các biệt thự.

Theo nhiều cửa hàng bán vật liệu xây dựng ở các tỉnh Đông Nam bộ nói riêng và cả nước nói chung, sản phẩm VLKN hiện bán chạy nhất chỉ có thạch cao để làm trần nhà, còn các sản phẩm khác như gạch block, gạch bê tông nhẹ rất khó bán do hai loại gạch này còn lạ và giá cao hơn gạch đỏ (gạch nung). Hiện một viên gạch ống 4 lỗ (gạch đỏ) giá 800-1.000 đồng, trong khi gạch cùng loại không nung, ép bằng xi măng và cát lên đến 1.400 đồng/viên. Hiện loại gạch này cũng chỉ được bán ở vài điểm kinh doanh vật liệu xây dựng tại TP Thủ Dầu Một và TP Biên Hòa.

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai cho rằng, việc sử dụng loại gạch không nung trong xây dựng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến thời điểm này vẫn còn hạn chế. Chỉ các công trình có vốn ngân sách mới sử dụng loại vật liệu này. Để loại vật liệu này phát triển tốt hơn trong thời gian tới, cần phải có sự hỗ trợ tích cực từ phía cơ quan quản lý Nhà nước, cụ thể như tạo điều kiện về mặt bằng cho các nhà sản xuất, nguồn vốn ưu đãi…

Mới đây, lãnh đạo Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) thừa nhận, các nhà máy sản xuất VLKN ra đời vào lúc kinh tế nước ta bị ảnh hưởng của suy thoái, đầu tư công bị cắt giảm, thị trường bất động sản trầm lắng; nhận thức của các nhà đầu tư, tư vấn thiết kế, nhà thầu, người tiêu dùng về sản phẩm VLKN chưa đầy đủ. Việc thay đổi thói quen sử dụng gạch đất sét nung truyền thống của người dân cũng không dễ thực hiện trong một sớm, một chiều. Hơn nữa, tình hình xóa bỏ các lò gạch thủ công nhằm hạn chế dần loại vật liệu nung truyền thống tại các địa phương còn chậm, dẫn đến sản lượng gạch đỏ còn nhiều. Một trở ngại khá lớn khiến việc phổ biến VLKN gặp khó là kỹ thuật thi công VLKN, nhất là gạch bê tông khí chưng áp (ACC), đòi hỏi quy trình phức tạp hơn rất nhiều so với gạch nung...

Như vậy, để chinh phục thị trường và được người tiêu dùng đón nhận, còn rất nhiều việc phải làm đối với VLKN. Bởi ngay cả rất nhiều thợ hồ, thậm chí nhà thầu cũng chưa hình dung hết sự phong phú của chủng loại vật liệu mới này; rồi dụng cụ thi công và cách thức thi công khác nhau khi sử dụng VLKN. Hơn nữa, hiện các chính sách đỡ đầu cho loại vật liệu này vẫn còn khá ít. Do đó, cần có nhiều hơn các chính sách hỗ trợ cho VLKN như: quy định chi tiết hơn nữa về sử dụng gạch không nung trong các công trình xây dựng; chính sách tuyên truyền về lợi ích khi dùng VLKN; làm thế nào để hạ giá sản phẩm nhằm thu hút người tiêu dùng… Có như vậy, lộ trình “khai tử” gạch nung và thay bằng VLKN mới đạt hiệu quả.

ĐỨC THANH

Tin cùng chuyên mục