ĐBSCL đang bắt đầu vào vụ thu hoạch lúa hè thu. Hiện giá lúa đang xuống thấp và bắt đầu ùn ứ. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm nhưng vẫn chưa có hướng mở tích cực.
Tại hội nghị bàn giải pháp tiêu thụ lúa hè thu 2012 tổ chức ngày 21-6 vừa qua tại TPHCM, phương án tối ưu được Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) chọn là cục sẽ cùng bàn thảo với Bộ Công thương để có công văn trình Chính phủ đề xuất chương trình thu mua tạm trữ lúa hè thu với sản lượng 2 triệu tấn lúa (tương đương 1 triệu tấn gạo), với mức hỗ trợ lãi suất nhất định cho doanh nghiệp thu mua lúa. Cũng có ý kiến cho rằng nên chuyển gói hỗ trợ với lãi suất ưu đãi đó trực tiếp đến nông dân. Khi đó nông dân có thể mượn kho của doanh nghiệp để tạm trữ lúa của mình. Nhà nước sẽ hỗ trợ các chi phí lưu kho, chi phí bảo quản.
Tổng sản lượng vụ lúa hè thu năm nay, theo ước tính của Cục Trồng trọt là gần 9 triệu tấn lúa, tương đương 4,5 triệu tấn gạo. Sau khi cân đối lượng gạo tiêu thụ trong nước, để lại làm giống và thức ăn gia súc, lượng gạo hàng hóa còn khoảng 3 triệu tấn, trong đó khoảng 1 triệu tấn là gạo phẩm cấp thấp IR 50404.
Giống lúa phẩm cấp thấp IR50404 chiếm tỷ lệ rất cao, khoảng 20% trong cơ cấu giống vụ hè thu năm nay, mặc dù ngay từ đầu vụ, đã có những khuyến cáo và chỉ đạo mạnh mẽ của Cục Trồng trọt cùng các địa phương về tỷ lệ sử dụng giống IR 50404 tối đa khoảng 10%. Trong khi đó, đầu ra xuất khẩu vẫn chưa có nhiều tín hiệu khả quan, nhất là với gạo phẩm cấp thấp. Những năm trước, thị trường tiêu thụ gạo cấp thấp của Việt Nam chủ yếu là châu Phi, nhưng năm nay thị trường này đã rơi vào tay Ấn Độ. Do đó, gạo cấp thấp Việt Nam rất khó bán và đây sẽ là áp lực lớn cho việc xuất khẩu gạo từ nay đến cuối năm.
Khoảng 10 năm trở lại đây, tạm trữ luôn là giải pháp khi lúa gạo (và các mặt hàng nông sản khác) ùn ứ. Thế nhưng, theo nông dân, việc hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp thu mua lúa gạo tạm trữ, doanh nghiệp lợi ít, còn thương lái lợi đơn, lợi kép, bởi họ tự định giá, trong khi bà con lúa chín đầy đồng lại không có kho tạm trữ nên vẫn buộc phải bán dù giá cao hay thấp. Vì vậy, nói là được hưởng lợi nhưng thực chất nông dân phải chịu thiệt thòi vì lợi ích thực sự thì chưa đến được với những người đáng được hưởng lợi này. Với phương án 2 (nông dân tự tạm trữ) điều kiện cơ sở vật chất, phương tiện phơi sấy, kỹ thuật bảo quản hiện nay trong nông dân chưa đảm bảo nên ý tưởng này theo các chuyên gia chưa thể thực hiện được. Hơn nữa, tổng công suất các kho chứa của ĐBSCL hiện khoảng 3,6 triệu tấn nhưng chỉ 20% trong số đó dành để chứa lúa, phần còn lại chủ yếu là kho chứa gạo.
Chính sách tạm trữ lúa gạo (hay các mặt hàng nông sản khác) đều mang lại những lợi ích nhất định. Tuy nhiên, việc tạm trữ thường được tiến hành theo đề xuất của cơ quan chức năng hay hiệp hội ngành hàng khi giá lúa tuột thấp và đầu ra ùn ứ. Trong khi đó, nếu như chính sách cho vay tạm trữ được thực hiện sớm hơn, sẽ có hiệu quả rõ ràng hơn, lợi cho cả người dân, doanh nghiệp và nhà nước. Vấn đề là nhà nước xác định tạm trữ nông sản là giải pháp căn cơ thường xuyên hay tạm thời; tạm trữ thế nào là hiệu quả? Bên cạnh đó, còn một số vấn đề khác liên quan đến chất lượng tạm trữ là việc lựa chọn giống, làm thế nào để kiểm soát thương lái để nông dân không bị ép giá? Thêm vào đó, công tác dự báo và phân tích thị trường cần phải được làm tốt. Cụ thể, nông dân nên trồng những giống lúa nào để có thể bán được, tránh tình trạng rớt giá như vụ hè thu năm nay. Xét cho cùng, tạm trữ mới giải quyết được việc cân bằng cán cân cung cầu để có giá cả tốt hơn, chứ chưa tạo giá trị gia tăng cao hơn. Chính vì điều đó, nông dân trồng lúa mong mỏi có những giải pháp căn cơ hơn để họ ổn định cuộc sống và sản xuất.
Trần Minh Trường