Loay hoay với “giá thị trường”

Thời gian qua, người dân khổ sở vì các quy định về tính thuế được xác định theo giá thị trường. Có lẽ chữ “giá thị trường” là… lá diêu bông đúng như một vị lãnh đạo TPHCM nói. Bởi thị trường luôn luôn thay đổi từng ngày, từng giờ, từng nhu cầu, từng trường hợp. Do vậy, giá thị trường thường không có chuẩn chung, ai cần tiền bán gấp sẽ bán giá rẻ, ai cần mua đất hợp hướng sẽ mua giá cao. Ngay trong một khu đất, những lô bằng nhau nhưng giá mỗi lô cũng sẽ khác nhau. Để xác định giá thị trường, phải có hội đồng tổng hợp, xem xét giá tại một thời điểm và xét cho cùng mức giá thị trường hôm nay có thể ngày mai đã trở nên lạc hậu.

Thế nhưng, điều lạ là trong văn bản quy phạm pháp luật của chúng ta lại quy định tính thuế dựa trên giá thị trường! Không phải một lần mà là nhiều lần. Trong Thông tư 12/2011/TT-BTC về thuế thu nhập cá nhân đối với các hợp đồng chuyển nhượng hợp đồng góp vốn vào dự án bất động sản cũng bị “phá sản” vì chữ “giá thị trường”. Bởi cán bộ thuế không có cơ sở pháp lý nào xác định giá thị trường để tính thuế, nếu không có cơ sở pháp lý mà thực hiện thì sau này sẽ chịu trách nhiệm cá nhân. Do vậy, cán bộ không thể áp dụng quy định của thông tư này. Tiếp tục đến Nghị định 69 lại quy định tính thuế đất vượt hạn mức theo giá thị trường. Từ đó, hàng ngàn hồ sơ chuyển nhượng đất bị đình trệ do không xác định được giá thị trường để tính thuế. Điều đó dẫn đến bức xúc trong nhân dân. Bởi có chuyện trái ngược nào như thế khi người dân muốn nộp thuế cũng không được! Thậm chí có người còn đòi kiện khi quy định pháp luật làm ảnh hưởng quyền lợi hợp pháp của người dân như vậy.

Đến giờ, để xử lý chữ “giá thị trường” đối với chuyển nhượng đất ngoài hạn mức, chính quyền TPHCM đành giải quyết qua việc áp giá bằng 1,5 hoặc 2 lần giá so với khung giá nhà nước quy định. Nếu đã là thị trường, tại sao lại áp giá, thị trường phải tự do thỏa thuận chứ. Cách áp giá như vậy, càng không đúng với quy luật thị trường. Tuy nhiên, mọi người sẽ nghĩ đó là cách gỡ cho bài toán khó là hàng ngàn hồ sơ chuyển nhượng đất đai đang bị ách. Thế nhưng, vấn đề đặt ra cho công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật cần phải được xem xét và xử lý trách nhiệm cụ thể. Từ ngữ trong văn bản pháp luật phải chính xác, một nghĩa, dễ hiểu, dễ thực hiện và để văn bản pháp luật với câu chữ mơ hồ dẫn đến không thực hiện được, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người dân, cần phải xem xét trách nhiệm của người có trách nhiệm.

CHẾ HÂN

Tin cùng chuyên mục